Tiết khí Tiểu Mãn năm 2023 diễn ra từ ngày 21/5 đến ngày 5/6. Thời gian này là giai đoạn bắt đầu có nhiều mưa, lượng nước dồi dào hơn. Thời điểm này cũng là lúc đương vụ, cây trái hoa màu đến thời điểm thu hoạch. Đây là lúc thời tiết oi bức, nắng nóng tăng cao. Độ ẩm và nhiệt độ thay đổi, nếu không bổ sung dinh dưỡng đủ đầy, cơ thể không đủ sức đề kháng, dễ mệt mỏi, chán ăn.
Ăn nhiều canh trong tiết khí này là một cách tốt giúp khai vị và kích thích thèm ăn. Điều này không chỉ giúp tăng cường dinh dưỡng mà còn giúp giải nhiệt hiệu quả. Có nhiều loại thực phẩm giúp giải nhiệt ngày hè, trong đó có bí đao. Bí đao không chỉ dùng làm nước uống mà còn thường xuyên dùng nấu canh trong ngày hè, vừa ngon lại dễ ăn.
Hiện trên thị trường, có một số loại bí đao như bí trạch, bí bầu, bí lông vào hai mùa vụ xuân hè và thu đông. Nhìn chung, bí đao có thể trồng quanh năm, phụ thuộc vào giống và thổ nhưỡng sẽ cho chất lượng khác nhau.
Tại sao nên ăn bí đao vào mùa hè?
Ít calo, giúp giảm cân
Nếu bạn đang thực hiện một chế độ giảm cân, giữ dáng và tìm kiếm các loại thực phẩm ít calo hoặc muốn hạn chế lượng calo nạp vào cơ thể thì hãy dùng bí đao. Thành phần chính của chúng là nước và chất xơ, có thể tạo cảm giác no lâu.
Theo Oganicfacts, bí đao là một trong những loại thực phẩm được đánh giá cao ở nhiều nơi trên thế giới về giá trị dinh dưỡng và những lợi ích sức khỏe chúng mang lại. Một trong số đó là khả năng giảm bệnh mãn tính, cải thiện tiêu hóa, tăng cường hệ thống miễn dịch, bảo vệ tim và bổ sung năng lượng.
Sự pha trộn phong phú của các chất dinh dưỡng và khoáng chất giúp thúc đẩy tăng trưởng cơ bắp và quá trình trao đổi chất diễn ra mạnh hơn.
Giải độc cơ thể
Trong Y học cổ truyền, bí đao thường được sử dụng là thuốc lợi tiểu, giúp thanh nhiệt, giải độc cơ thể. Lợi tiểu giúp loại bỏ độc tố, chất béo, muối và nước dư thừa ra khỏi cơ thể. Cho nên, loại rau quả nào tạo ra quá trình giải độc đều giúp gan và thận hoạt động ở mức tối ưu.
Giàu chất chống oxy hóa
Bí đao giàu vitamin C - một trong những chất chống oxy hóa có thể loại bỏ gốc tự do gây hại cho cơ thể. Nhờ chất này, không chỉ tế bào được chữa lành, khỏe mạnh mà làn da cũng được chăm sóc sáng khỏe hơn.
Tăng cường thị lực
Nhiều rối loạn thị lực và các bệnh về mắt diễn ra là do thiếu vitamin B2. Ăn bí đao có thể giúp bổ sung dưỡng chất này. Ngoài ra, các chất chống oxy hóa có trong bí đao sẽ giúp giảm căng thẳng oxy hóa ở võng mạc.
Tăng sức đề kháng
Bí đao là một loại thực phẩm giúp tăng cường miễn dịch tuyệt vời. Bởi chúng chứa đến khoảng 19% nhu cầu vitamin C hàng ngày. Một lượng kẽm nhất định trong bí đao cũng giúp hỗ trợ tăng sức đề kháng.
Ngoài ra, riboflavin có trong bí đao giúp cho tuyến thượng thận và tuyến giáp hoạt động bình thường.
Bí đao có thể chế biến thành nhiều món ngon như hầm với xương, nấu cùng rau củ, xào, nấu nước uống,... Một món đơn giản có thể giúp bữa cơm của bạn thanh mát hơn đó là món bí đao nấu tép.
Hướng dẫn làm canh bí đao nấu tép
Nguyên liệu cần thiết
Bí đao - 500g, tép khô/moi biển - 1 nhúm, gừng 2 lát, tảo bẹ 150g, rượu nấu ăn 1 chút. Bạn có thể dùng tôm khô loại nhỏ nhưng cần ngâm kỹ để tôm mềm trước khi nấu.
Cách thực hiện
Tảo bẹ mang ngâm trước khoảng 1 giờ cho mềm. Rửa sạch, cắt miếng dày hoặc khối vuông. Bí đao rửa sạch, nạo bớt vỏ cứng (loại bí phấn trắng vỏ già cứng cần gọt). Thực tế, nếu vỏ bí còn non và loại bí không quá già nên giữ lại phần vỏ cùng nấu canh. Còn không sau khi gọt bỏ phần vỏ bí, bạn có thể mang rửa sạch nấu cùng lá dứa làm trà uống rất mát. Bởi phần vỏ có tác dụng thanh nhiệt. Cắt bỏ phần lõi trắng và hạt bí bên trong. Thái miếng nhỏ vừa ăn.
Tép mang rửa sạch với nước. Cho xíu dầu ăn vào chảo, thêm gừng thái sợi và tép vào xào. Cho tảo bẹ vào xào sơ. Thêm nước và đun sôi trên lửa lớn. Sau đó, cho nhỏ lửa đun trong tầm 10 phút. Thêm bí đao vào nấu thêm khoảng 8 phút. Nêm nếm cho vừa miệng rồi tắt bếp.