Được thiên nhiên ưu đãi, Bình Thuận có không ít điều kiện để phát triển du lịch: biển xanh, cát trắng và những đặc sản được chế biến từ nguyên liệu tự nhiên. Trong đó phải kể đến các món ăn từ dông - một loài bò sát được người dân địa phương gọi với cái tên đầy mỹ miều là “vua sa mạc”.

Đặc sản Bình Thuận được làm từ vua của sa mạc, nhìn thì sợ nhưng ăn là ghiền - Ảnh 1.

"Vua sa mạc" - món đặc sản độc đáo của đất Bình Thuận (Ảnh: Duy Tuấn)

Nhìn bề ngoài, dông trông giống với thằn lằn nhưng thân to và dài mình hơn. Thực chất, loài bò sát này được biết đến rộng rãi hơn với cái tên kỳ nhông, song người Bình Thuận hay gọi là dông.

Dông quanh năm đều có, nhưng sinh trưởng mạnh nhất vào mùa mưa. Dông trưởng thành có thể dài tới 30cm và nặng đến 5kg. Người Bình Thuận thường dùng lưới, dò, hay đào cát, bẫy, chặn ngách để bắt dông đem về chế biến. Dông trong tự nhiên chắc thịt và ngon hơn dông nuôi nhốt, vì thế rất được du khách ưa chuộng.

Đặc sản Bình Thuận được làm từ vua của sa mạc, nhìn thì sợ nhưng ăn là ghiền - Ảnh 2.

Dông Bình Thuận có thể bắt trong tự nhiên hoặc nuôi nhốt tại các trang trại (Ảnh: Duy Tuấn)

Thịt dông trắng, săn chắc, thơm ngọt hơn cả thịt gà, phần xương mềm ăn sần sật rất đã. Từ dông cát có thể làm thành nhiều món ngon như dông nướng, dông xào sả ớt, gỏi dông, cháo dông, chả dông, trứng dông chiên bơ, cà tím cuốn dông, dông hấp… Nhưng hấp dẫn và khiến thực khách nhớ mãi không quên có lẽ là món dông nướng ớt, vừa đơn giản vừa giữ được hương vị thơm ngon tự nhiên của nguyên liệu.

Đặc sản Bình Thuận được làm từ vua của sa mạc, nhìn thì sợ nhưng ăn là ghiền - Ảnh 3.

Dông nướng được nhiều thực khách yêu thích (Ảnh: HelloPhanRang)

Những con dông được đem đi nướng thường là những con thuộc hàng tuyển, có kích thước lớn và hơi “mập mạp”. Những con dông bé thịt mỏng, chưa đủ dai, khi nướng thịt bị bở, dễ khô cháy mà kém ngon.

Người Bình Thuận thường lột da, cắt tiết và sơ chế sạch sẽ trước khi đem dông đi ướp với muối ớt và một số gia vị khác như tiêu, hành sả băm nhuyễn cùng chút nước mắm ngon. Sau khi ướp khoảng 30 phút, dông được nướng trực tiếp trên bếp than hồng.

Đặc sản Bình Thuận được làm từ vua của sa mạc, nhìn thì sợ nhưng ăn là ghiền - Ảnh 4.

Món ăn không cầu kỳ nhưng khiến thực khách nhớ mãi (Ảnh: Internet)

Khi thịt dông ngả vàng ruộm, thịt săn lại tỏa hương thơm là dông đã chín. Phần thịt nhìn giòn nhưng vẫn mọng nước mà không bị khô quắt lại, thấm đẫm gia vị. Ngay cả những thực khách khó tính nhất cũng phải xiêu lòng trước mùi thơm của dông nướng, vị thơm ngọt của thịt hòa quyện với chút cay cay của muối ớt.

Đặc sản Bình Thuận được làm từ vua của sa mạc, nhìn thì sợ nhưng ăn là ghiền - Ảnh 5.

Thịt dông ngọt, hòa quyện với gia vị đậm đà (Ảnh: Internet)

Món dông nướng muối ớt có thể được ăn kèm bánh tráng nướng, bánh tráng cuốn, bún, rau sống và chấm cùng chút mắm me chua ngọt. Tất cả những nguyên liệu đều rất bình dị, dân dã nhưng chính sự khéo léo của người dân địa phương đã tạo nên một món ăn nức tiếng làm nên tên tuổi cho Bình Thuận nắng, gió.