Đặc sản có tên vô cùng lạ, bề ngoài nhơn nhớt nên nhiều người sợ
Trong các loại đặc sản của miền Bắc, có 1 loài vật có ngoại hình nhơn nhớt, màu xanh xanh, đỏ đỏ, hơn nữa mang một cái tên rất lạ, đó là: Rươi.
Rươi, hay còn gọi là "rồng đất", thuộc họ giun nhiều tơ, thân mềm, với màu sắc đa dạng như xanh, nâu hoặc đỏ. Chúng thường xuất hiện tại vùng nước lợ ở các cửa sông, ven biển miền Bắc, đặc biệt là vào mùa thu và đầu đông, khi thời tiết se lạnh.
Người dân xưa có câu: "Tháng chín đôi mươi, tháng mười mùng năm" để nhắc nhở mùa rươi nổi nhiều, ngon và béo nhất.
Những vùng nổi tiếng với rươi như Tứ Kỳ (Hải Dương) hay Thái Bình đã từ lâu xem đây là "lộc trời". Loài rươi chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn mỗi năm, khiến giá trị của chúng thêm phần đặc biệt. Giá rươi tươi hiện nay dao động từ 300.000 - 600.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm cao hơn vì nhu cầu tăng mạnh.
Trước kia với nhiều người rươi từng là loài vật đáng sợ, tuy nhiên giờ đây chả rươi và các món ăn ngon từ rươi ngày càng được yêu thích, chinh phục được những người sành ăn tại các thành phố lớn, nhất là Hà Nội.
Trong ký ức của nhiều người dân Hà thành, chả rươi không chỉ là món ăn mà còn là một phần của văn hóa ẩm thực đất kinh kỳ. Mỗi miếng chả rươi thơm nức, còn đọng những hạt dầu nóng trên bề mặt, gợi nhớ về những ngày đầu đông se lạnh, cả nhà quây quần bên mâm cơm ấm áp.
Hương thơm của chả rươi đặc biệt đến mức không lẫn vào đâu được - sự kết hợp tinh tế giữa vị béo ngậy của rươi, thịt xay, trứng và cái thơm dịu của vỏ quýt. Cắn một miếng, ta cảm nhận được vị ngon trọn vẹn, khó có món thịt cá nào sánh bằng.
Mỗi mùa rươi đến, không ít gia đình Hà thành lại tìm mua loại đặc sản này để tẩm bổ và thưởng thức.
Rươi là "thuốc quý" trong Đông y
Rươi không chỉ là nguyên liệu của nhiều món ăn ngon, mà còn là "thuốc quý" trong Đông y. Theo lương y Bùi Đắc Sáng (Hội Đông y Hà Nội), con rươi thuộc sinh vật nhuyễn thể, thuộc họ giun nhưng lại có nhiều lông.
Rươi chứa hàm lượng đạm tương đương lươn, chạch, rươi chứa nhiều protein dễ hấp thụ hơn thịt, cùng với tác dụng chống oxy hóa giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.
Thành phần trong 100g rươi bao gồm:
- 82% nước, giúp giữ độ ẩm cho cơ thể.
- 14% protein, cung cấp năng lượng và hỗ trợ phục hồi cơ thể.
- 4% lipid, mang lại nguồn chất béo tốt.
- 90 calo, cao hơn so với nhiều loại thực phẩm thông thường, lý tưởng để tẩm bổ.
Theo lương y Sáng, rươi từ lâu đã được Đông y sử dụng như bài thuốc hỗ trợ điều trị suy nhược cơ thể và suy giảm miễn dịch. Đặc biệt, khi kết hợp cùng vỏ quýt, dược tính của rươi càng được tăng cường.
Trong các món chế biến từ rươi, đặc biệt là chả rươi, vỏ quýt không chỉ giúp tăng hương vị mà còn đóng vai trò như một lớp "bảo vệ" cho hệ tiêu hóa.
Vỏ quýt với tính ấm, vị cay, chứa tinh dầu giúp tiêu diệt vi khuẩn như E. coli, Salmonella, những tác nhân gây tiêu chảy, ngộ độc có thể nhiễm từ rươi. Vỏ quýt còn hỗ trợ làm ấm dạ dày, thông khí hệ tiêu hóa, giúp cơ thể hấp thụ tốt hơn các dưỡng chất từ rươi.
Những nhóm người không nên ăn rươi
Dù bổ dưỡng, rươi không phù hợp với tất cả mọi người. Lương y Sáng khuyến cáo một số nhóm nên tránh xa món ăn này:
1. Người dị ứng hải sản hoặc có cơ địa nhạy cảm
Rươi chứa protein dễ gây dị ứng. Người từng bị dị ứng với tôm, cua, mực nên thận trọng.
2. Người có bệnh lý gan, thận
Đặc biệt là người suy thận cấp độ 1 và 2, ăn rươi có thể làm bệnh nghiêm trọng hơn.
3. Người mắc bệnh tiêu hóa
Những ai đầy bụng, khó tiêu, hoặc mới bị ngộ độc thực phẩm nên hạn chế ăn rươi.
4. Người già, phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ
Rươi khó tiêu hơn so với các thực phẩm khác. Nếu chế biến sai cách, rươi có thể gây tiêu chảy hoặc ngộ độc thực phẩm.