Cứ độ tháng 9 âm lịch, người dân miền Bắc ở các tỉnh như Hải Dương, Thái Bình... lại đến mùa thu hoạch rươi. Dù hình dạng không bắt mắt, nhiều người còn thấy sợ nhưng khi chế biến, rươi trở thành món ăn hấp dẫn và thực khách khó lòng chối từ.
Tháng 10 âm lịch, chính là thời điểm hiện tại, rươi được đánh giá có chất lượng tốt nhất. Đặc sản miền Bắc từng lên báo nước ngoài, được khen ngợi hết lời vì quá đỗi hấp dẫn.
Cụ thể trên tờ báo SCMP, phóng viên mô tả: "Chả rươi chiên có vị giòn ở bên ngoài và mềm ở giữa. Dù ban đầu, rươi có vẻ ngoài hơi đáng sợ nhưng khi thành nguyên liệu làm chả thì rất ngon. Mùi thơm của trứng, vị bùi ngậy của thịt lợn, vị thơm nồng từ đất của rươi hòa quyện với các loại rau thơm và chút hăng hăng của vỏ quýt kết hợp với nhau tạo nên một món ăn độc đáo".
Bài báo không quên đưa ra ví dụ một nhà hàng chả rươi có tiếng ở khu phố cổ của Hà Nội. Phóng viên của SCMP cũng thưởng thức ngay tại đây và ghi lại những trải nghiệm này của bản thân khi lần đầu được nếm đặc sản miền Bắc Việt Nam.
Con rươi - Thuốc bổ xương khớp, tăng cường miễn dịch của người miền Bắc
Theo BS Đông y Nguyễn Hữu Trường (làm việc tại TP.HCM), không chỉ làm thực phẩm ăn hàng ngày, rươi còn đóng vai trò quan trọng với sức khỏe. Nó là thuốc bổ xương khớp, tăng cường miễn dịch, rất hữu hiệu với các vấn đề tiêu chảy, kém ăn, khó tiêu...
Trong Đông y, dược tính của món rươi tương tự như vỏ quýt. Rươi có vị cay, đắng, the, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng điều khí, hóa đờm, tiêu chảy, kém ăn, khó tiêu... Đông y sử dụng rươi để điều trị và hỗ trợ điều trị một số loại bệnh như đau nhức xương khớp, tăng cường miễn dịch. Nó xứng đáng là thực phẩm vàng nên bổ sung vào mùa đông lạnh lẽo, người dễ bị suy giảm sức đề kháng, dù già hay trẻ nhỏ cũng đều nên sử dụng.
Nghiên cứu của y học hiện đại cho thấy, rươi là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. 100g rươi chứa 81,9g nước, 12,4g protit, 4,4g lipit, 1,3g tro, cung cấp cho cơ thể 92 calo. Ngoài ra, trong rươi còn có chứa nhiều loại chất khoáng khác như canxi (66mg%), photpho (57mg%), sắt (1,8mg%)...
Theo chuyên gia, tranh thủ rươi đang chính vụ, mọi người có thể làm các món ăn thay đổi như chả rươi, nem rươi, mắm rươi, rươi rang muối... để tăng cường miễn dịch, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Ngoài ra, muốn bổ xương khớp, người bị bệnh xương khớp muốn giảm đau thì có thể ăn lá lốt cuốn rươi. Món ăn này giúp hỗ trợ điều trị đau nhức xương khớp rất hiệu quả.
Lưu ý khi ăn rươi để bồi bổ sức khỏe
1. Ăn rươi nên kết hợp vỏ quýt
Trong cuốn "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của GS Đỗ Tất Lợi, khi chế biến rươi cần lưu ý không bao giờ thiếu vỏ quýt.
Nguyên nhân bởi, điều này giúp món rươi phát huy công dụng tốt nhất. Không chỉ phòng chữa chứng đầy bụng, khó tiêu, giúp tiêu đờm, nó còn làm món ăn có mùi thơm vô cùng hấp dẫn.
2. Chế biến rươi thật sạch sẽ trước khi nấu chín
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), rươi sống ở vùng nước lợ nhiều bùn cát. Chúng không tránh khỏi nguy cơ nhiễm chất độc từ chính môi trường sinh sống. Nếu đánh bắt rươi ở khu vực nước bị ô nhiễm thì chuyện rươi bẩn rất khó tránh.
Chúng có thể là vật trung gian gây bệnh tiêu chảy do nhiễm khuẩn Salmonella, E.coli. Vì vậy, khi mua về chế biến cần đảm bảo sạch sẽ, tránh nguy cơ mắc bệnh.
3. Lựa chọn rươi còn tươi khi mua
Rươi sau khi đánh bắt nếu bị chết thì sẽ phân hủy rất nhanh. Việc phân hủy sẽ sản sinh ra nhiều độc tố, gây ngộ độc thực phẩm. Do đó, khi chế biến rươi cần chọn sản phẩm còn tươi, loại bỏ rươi chết để món ăn hấp dẫn hơn, đồng thời tránh ngộ độc thực phẩm.
4. Lưu ý chọn mua rươi tươi ngon
Bạn nên chọn cửa hàng uy tín để mua rươi. Khi mua nên chọn rươi có kích cỡ lớn, mập mạp, rươi có màu đỏ, ngọ nguậy linh hoạt. Thông thường, những con rươi ngon bổ nhất, khỏe mạnh nhất sẽ ở bên trên. Những con bị nằm phía dưới dễ bị đè vỡ bụng, có mùi tanh, ăn kém ngon.
Tốt nhất không nên mua những con rươi có thân nhỏ, gầy, bò yếu, ít động đậy.
5. Đối với rươi cấp đông
Để vận chuyển nhiều nơi, hiện nay người ta thường cấp đông rươi để đảm bảo tươi ngon. Tuy nhiên, bạn vẫn cần chọn nguồn hàng đảm bảo tươi sống rồi mới cấp đông. Trước khi chế biến cần chuyển rươi từ ngăn đá xuống ngăn mát để rã đông dần.
Sau đó vớt rươi rã đông để ráo nước, dùng nước ấm khoảng 40 độ C thả rươi vào, dùng đũa khuấy nhẹ để gạn bỏ hết nước bẩn, chỉ lấy phần rươi sạch đem đi chế biến.
6. Những đối tượng không nên ăn rươi
Các chuyên gia cảnh báo, người có cơ địa dị ứng không nên ăn rươi. Người có tiền sử bị hen nên tránh xa.
Tuy bổ dưỡng nhưng người vừa khỏi ốm cũng cần tránh ăn rươi vì sẽ tạo thêm gánh nặng cho đường tiêu hóa, cơ thể lâu hồi phục sau ốm.
Phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ có thể bị đầy hơi, khó tiêu, chướng bụng nên cũng cần hạn chế món ăn này.