Cứ vào độ tháng 9 tháng 10, trên những thửa ruộng bậc thang lại được phủ một màu vàng ruộm của lúa chín. Phượt thủ thường gọi mùa lúa chín vùng Tây Bắc là "mùa hạnh phúc". Trong tiết trời mát mẻ và khung cảnh thiên nhiên giản dị mà diệu kỳ ấy, những đặc sản núi rừng càng trở nên thơm ngon đặc biệt.
1. Lợn cắp nách
Lợn "cắp nách" không phải là giống lợn lạ, đó là giống lợn địa phương có gen thuần chủng được người dân vùng cao nuôi thả tự nhiên kể từ khi chúng mới lọt lòng mẹ. Vì lợn chỉ cỡ 20kg nên người dân có thể cho vào gùi, xách tay, thậm chí cắp vào nách, vì thế mới có tên “lợn cắp nách”.
Lợn được nuôi thả tự nhiên nên thịt rất chắc, ngọt và thơm chẳng khác nào thịt lợn rừng. Bởi lợn cắp nách nhỏ con nên cũng rất nạc, có thể dễ dàng chế biến thành nhiều món ăn ngon.
2. Thắng cố
Thắng cố là món ăn truyền thống đã có lịch sử hơn 200 năm của người H'Mông vùng Bắc Hà, sau được nhiều dân tộc anh em sống quanh khu vực học tập và trở thành món ăn đặc sắc vùng Tây Bắc.
Thắng cố có thể dễ dàng tìm thấy ở các phiên chợ vùng cao. Món ăn được nấu từ thịt và lục phủ ngũ tạng các loài ngựa, bò, trâu, lợn cùng nhiều loại gia vị và thảo quả. Mỗi nồi thắng cố tại các chợ phiên rất lớn, đủ cho vài chục người ăn.
3. Thịt trâu gác bếp
Món thịt trâu gác bếp được làm từ thịt vai và nạc lưng của những chú trâu thả rông trên các vùng đồi núi, ướp thịt với muối hột, ớt, gừng, mắc kén, hạt dổi giã nhuyễn để ngấm gia vị rồi phơi trong bóng râm một ngày, sau đó dùng que xiên vào treo lên gác bếp để than củi nóng hun khô dần. Miếng thịt thơm nồng mùi khói, bên trong dẻo dai đậm đà gia vị, nhấm nháp trong một ngày se lạnh cùng ít rượu thật không còn gì thú hơn.
4. Cháo “độc”
Cháo ấu tẩu của người Hà Giang từ lâu đã được nhiều người biết tiếng bởi độ độc đáo của món ăn. Ấu tẩu là loại củ chứa độc tố khá nguy hiểm nhưng nếu chế biến cẩn thận có thể tạo ra món cháo thơm ngon, hấp dẫn. Cháo ấu tẩu rất thích hợp để thưởng thức trong tiết trời mát mẻ tháng , tháng 10 nơi vùng cao Tây Bắc.
5. Pá pỉnh tộp
Pá pỉnh tộp (cá nướng) là món ăn cổ truyền của đồng bào dân tộc Thái vùng Tây Bắc. Món ăn là niềm tự hào của người Thái đồng thời khơi dậy sự tò mò tìm hiểu của nhiều phượt thủ khi ghé thăm các bản làng.
Pá pỉnh tộp có thể làm từ bất cứ loại cá nào nhưng ngon nhất là cá suốt hoặc cá chép còn tươi sống, đem làm sạch vảy, mổ cá, gấp úp, để phần gia vị nhồi trong bụng cá rồi nướng trên than hồng tới khi cá chín thơm mùi hương liệu mà vẫn ngọt béo và thơm ngon.
6. Xôi ngũ sắc
Xôi ngũ sắc là niềm tự hào trong ẩm thực của người Tày, thường xuất hiện trong dịp lễ tết hội hè nhưng nay có thể tìm thấy phổ biến trong các phiên chợ. Điểm đặc biệt của món xôi này là màu sắc độc đáo. Những hạt xôi thôm dẻo được đồ bằng gạo nếp cái hoa vàng nổi tiếng. Màu xôi đẹp tự nhiên và hấp dẫn, 5 màu chính của xôi là trắng, đỏ, xanh, tím, vàng. Trắng là màu nguyên của gạo, các màu còn lại được tạo nên bằng cách ngâm gạo với nước của các loại lá và củ cây rừng. Những loại lá và củ cây này đều dễ tìm trong rừng, hoặc trong vườn nhà. Xôi ngũ sắc tượng trưng cho sự may mắn, tốt lành, cũng là nét độc đáo không thể bỏ qua trên cung đường phượt Tây Bắc mùa lúa chín.
7. Chẳm chéo
Chẳm chéo là nước chấm quen thuộc trong bữa ăn của người Thái ở vùng núi Tây Bắc. Được dùng để ăn kèm với các món như: xôi, măng, rau, thịt, cá… Chế biến chẳm chéo khá đơn giản với nhiều nguyên liệu quen thuộc như: tỏi, ớt tươi, vài lá tỏi tươi, rau mùi, mắm, đường… và nhất là không thể thiếu bột mắc khén – loại gia vị đặc trưng của đồng bào Thái. Các nguyên liệu ớt, tỏi, lá tỏi, rau mùi rửa sạch, bằm nhỏ. Hương vị chẳm chéo rất khó quên, ăn một lần là nhớ mãi.