Sự việc nhóm người cao tuổi hát karaoke xuyên ngày đêm tại khu sân chung, khu chung cư HH Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội nhận, khiến một số người kéo theo loa thùng bật nhạc đám hiếu "quyết chiến" đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
"Như vậy là điều không nên"
Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Lê Quý Đức, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho hay, bản thân ông năm nay đã 75 tuổi, đồng nghĩa rằng ông rất hiểu vấn đề từ 2 phía.
Ông Đức đánh giá, nhóm người cao tuổi nhưng có hành vi bật loa kéo hát karaoke là "ứng xử quá trớn, không biết tiết chế đời sống tinh thần của mình phù hợp với cộng đồng". Mặt khác, một số người mở nhạc đám hiếu kia để "chiến" lại cũng không nên như vậy.
Theo PGS.TS Lê Quý Đức, đây là vấn đề biểu hiện đời sống văn hoá cộng đồng của chúng ta hiện nay chưa được quan tâm, hướng dẫn cho người dân nói chung kể cả người cao tuổi. Việc nhóm người cao tuổi dùng loa để hát vui chơi suốt ngày kể cả đêm rõ ràng như vậy thiếu tôn trọng ứng xử đời sống cộng đồng. Một số cơ quan chức năng đang nghiên cứu, xây dựng quy tắc ứng xử về đời sống văn hoá nơi công cộng, khu đô thị hiện nay xã hội cần quan tâm.
"Tôi cũng đang tham mưu cho cơ quan chức năng, xây dựng quy tắc ứng xử nơi cộng đồng. Tôi cho rằng mỗi người phải biết tôn trọng đời sống tập thể, đời sống công cộng… Đó chính là tôn trọng chính mình. Đặc biệt cần phải tự tiết chế nhu cầu, sự bột phát của bản thân. Ở đây các ông bà cao tuổi hơi quá trớn, không biết tiết chế đời sống tinh thần của mình phù hợp với cộng đồng.
Người cao tuổi nhưng sáng ra đã bật nhạc hát, lực lượng ban quản lý toà nhà đã có ý kiến nhưng vẫn làm, rõ ràng đây là hiện tượng đáng phê phán. Đáng lẽ ra mình là người cao tuổi phải để con cháu tôn trọng. Khi mình tôn trọng đời sống tập thể thì mọi người cũng sẽ tôn trọng lại mình", ông Đức nêu ý kiến.
Vậy nên làm gì?
Việc người dân dùng loa kéo bật nhạc đám hiếu để phản ứng lại nhóm người hát karaoke có thể do "giọt nước tràn ly" sau nhiều lần ý kiến và nhắc nhở, tuy nhiên ông Đức không đồng tình với cách làm này.
Theo vị Nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, để giải quyết vấn đề có tình có lý thì cần sự vào cuộc và sự lắng nghe của các đơn vị chức năng. Ví dụ: Hội người cao tuổi, Hội Chữ thập đỏ, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh.
"Các hội bàn bạc, khuyến cáo đến những người đang cố tình không tuân thủ nội quy. Thậm chí có thể hướng dẫn cho các cháu nhỏ lễ phép, các cháu đến nói với người lớn thông cảm nhường sân chơi cho các cháu chẳng hạn", ông Đức tham mưu.
PGS.TS Lê Quý Đức, chia sẻ thêm, với tư cách là công dân lớn tuổi và đang trong hàng ngũ những người già nghỉ hưu, ông cho rằng, trong xã hội truyền thống, người già bao giờ cũng phải mẫu mực, nêu gương con cháu mà lại như vậy thì không nên.
Bất cứ ai cũng mong người cao tuổi sống vui, sống khoẻ nhưng phải biết tiết chế cái hứng thú, nhu cầu của mình. Ai cũng vậy nhưng với người cao tuổi phải gương mẫu hơn. Mọi người cũng nên tập làm quen với lối sống cộng đồng đô thị, đây là lối sống văn minh, tôn trọng trật tự kỷ cương chứ không phải lối sống có tính chất tâm lý đám đông, bất chấp mọi quy định.
"Là công dân tốt ở đô thị mọi người phải chấp hành quy chế đời sống cộng đồng. Chúng ta cũng biết, đã không ít vụ việc hát karaoke dẫn đến xô xát, án mạng. Hiện nay ở quê nhiều nơi cũng có nếp sống văn minh, trong khi ở khu đô thị mà mình lại hành xử như vậy là điều không nên", ông Đức chia sẻ.
Trước đó, nhiều cư dân sống tại khu chung cư HH Linh Đàm cho biết, tình trạng một nhóm người cao tuổi mang theo loa kéo hát karaoke tại khu vực công cộng đã diễn ra từ lâu. Nhiều cư dân cũng như ban quản lý toà nhà cũng đã từng ý kiến, thậm chí lập biên bản nhắc nhở.
Tuy nhiên, các cá nhân không chấp hành. Ban quản lý cũng yêu cầu không được mang loa kéo hát ảnh hưởng đến cư dân nhưng vẫn xảy ra sự việc tương tự nên một số cư dân mới có phản ứng gay gắt như vậy.