Gần 200.000 người nhiễm bệnh
Bất chấp nỗ lực từ các quốc gia, dịch COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu được kiềm chế khi số ca nhiễm và số tử vong tiêp tục tăng. Theo số liệu từ Worldometers, thế giới đã ghi nhận gần 200.000 ca nhiễm COVID-19, trong đó có gần 8.000 người tử vong.
Châu Âu đang là điểm nóng nhất của dịch bệnh. Trong một cuộc họp báo khẩn, Thủ tướng Montenegro, ông Dusko Markovic thông báo nước này đã ghi nhận 2 ca đầu tiên nhiễm SARS-CoV-2, đánh dấu mốc dịch bệnh COVID-19 đã lan ra toàn bộ các nước châu Âu.
Số ca nhiễm bệnh và tử vong do COVID-19 tiếp tục tăng
Tại châu Âu, sau Italy, Tây Ban Nha, và Pháp, đến lượt Bỉ tiến hành phong tỏa toàn quốc, hạn chế tối đa các di chuyển và người dân được đề nghị ở nhà.
Tương tự, Thụy Sĩ đã khuyến cáo người dân nước này ở nhà để phòng dịch. Đất nước được mệnh danh là "trái tim" của châu Âu này đã xác định hơn 2.600 người xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, cùng với đó là 19 ca tử vong. Giới chức y tế Thụy Sĩ cho biết tốc độ gia tăng các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 nhanh đến mức họ cảm thấy khó khăn trong việc cung cấp số liệu cập nhật.
Italy thêm 1 ngày tang thương
Ở tầm quốc gia, Italy đang là nơi mà dịch COVID-19 hoành hành dữ dội nhất. Thống kê trong vòng 24 giờ qua, Italy đã có thêm 345 ca tử vong vì dịch bệnh, nâng tổng số ca tử vong ở quốc gia Nam Âu này lên 2.503 người. Trước đó vào ngày hôm qua, Italy đã ghi nhận 349 ca tử vong vì COVID-19.
Ngoài ra, Italy cũng ghi nhận thêm 3.526 ca nhiễm, nâng tổng số ca mắc bệnh COVID-19 ở đất nước "hình chiếc ủng" này lên thành 31.506 trường hợp.
Italy ghi nhận thêm 345 ca tử vong vì COVID-19
Trước diễn biến của dịch bệnh, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã gửi thông điệp tới người dân Italy và khẳng định: "Chưa bao giờ như lúc này Italy cần phải được đoàn kết" trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.
Thông điệp được Thủ tướng Conte đưa ra sau khi chính phủ thông qua 25 tỷ Euro nhằm hỗ trợ hệ thống y tế, các y, bác sĩ, người lao động, các gia đình và các doanh nghiệp trong đang đối mặt với những khó khăn do tình trạng khẩn cấp của dịch COVID-19.
EU "ngoại bất nhập"
Không ngoài dự đoán, trong diễn biến mới nhất, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí quyết định đóng cửa biên giới ngoài EU trong 30 ngày đối với những người không phải là công dân của khối để ngăn chặn đại dịch COVID-19.
EU đóng cửa biên giới với người ngoài khối trong 30 ngày để hạn chế sự lây lan của virus Corona
Cụ thể, sau cuộc họp trực tuyến giữa các nhà lãnh đạo EU, các nước thành viên tuyên bố "tất cả đồng ý áp đặt lệnh cấm nhập cảnh vào EU, trừ một vài ngoại lệ nhỏ". Các ngoại lệ phải liên quan đến công dân nước ngoài EU có quyền cư trú dài hạn tại một quốc gia thành viên. Những trường hợp muốn vào vì lý do khẩn cấp - ví dụ để dự tang lễ hoặc phiên tòa - sẽ phải được cấp phép.
Ngoài lệnh cấm trên, tại cuộc họp trực tuyến, các nhà lãnh đạo EU cũng đã thảo luận về cuộc chiến chung chống lại những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế do đại dịch gây ra, trong đó các nước nhất trí duy trì lưu thông dòng hàng hóa. Các nhà lãnh đạo EU cũng nhận định đại dịch COVID-19 sẽ gây ra những "hậu quả rất thảm khốc" đối với nền kinh tế.
Tổng thống Trump tin sẽ sớm chiến thắng dịch bệnh
Còn tại Mỹ, trong phát biểu mới nhất của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông tin rằng nền kinh tế Mỹ đang bị tác động bởi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Tuy nhiên, kinh tế Mỹ sẽ nhanh chóng phục hồi sau khi sự lây lan của chủng mới của virus corona hạ nhiệt và tiến trình phục hồi này sẽ diễn ra bất chấp sự lây nhiễm
"Chúng ta sẽ chiến thắng dịch bệnh và tôi nghĩ chúng ta sẽ chiến thắng nhanh hơn mọi người nghĩ, tôi hy vọng như vậy", Tổng thống Trump nêu rõ.
Tổng thống Trump tin sẽ sớm chiến thắng dịch COVID-19
Thị trường đã có phản ứng tích cực sau tuyên bố của ông Trump. Sau ngày "thứ Hai đen tối" khiến chứng khoán Mỹ mất giá thê thảm nhất trong hơn 3 thập kỷ, các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ và châu Âu đã chốt phiên giao dịch 17/3 đều bật tăng trở lại sau khi các chính phủ đồng loạt công bố các gói kích thích kinh tế trước nguy cơ suy thoái từ dịch COVID-19.
Chốt phiên giao dịch, các chỉ số chính trên sàn New York là Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq đều đồng loạt tăng điểm, lần lượt là 5,2 %, 6% và 6,2%.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, chốt phiên giao dịch, các chỉ số chính tại London và Paris đều tăng 2,8%, trong khi thị trường Frankfurt và Milan cũng tăng lần lượt là 2,3% và 2,2%.