Mùa mua sắm tại Mỹ năm nay được các hãng bán lẻ thúc đẩy từ tháng 10 thay vì tháng 11 nhằm khuyến khích người tiêu dùng mua sắm sớm hơn để tránh tác động của dịch COVID-19. Nhưng những số liệu vừa mới được công bố cho thấy kết quả đã không được như mong đợi và khoảng cách giàu - nghèo trong xã hội Mỹ đã lại càng gia tăng.
Đại dịch COVID-19 gây thiệt hại nặng cho kinh tế Mỹ (Ảnh: KPBS)
“Báo động đỏ cho nền kinh tế khi doanh số bán lẻ giảm trong tháng thứ hai liên tiếp” là tựa đề của bài viết đăng trên tờ Thời báo New York số ra tuần này. Theo bài viết thì chi tiêu tiêu dùng đã từng là điểm sáng hiếm hoi của nền kinh tế Mỹ trong đại dịch, nhưng điều kỳ diệu này đã không diễn ra trong hai tháng vừa qua.
Bài viết dẫn báo cáo mới được công bố của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy doanh số bán lẻ tháng 11 đã giảm 1,1% - nhiều hơn dự đoán của các nhà kinh tế.
Doanh số bán hàng tháng 10 sau điều chỉnh cũng đã giảm 0,1%, thấp hơn so với mức tăng 0,3% được đưa ra trong báo cáo trước đó.
Một phố mua sắm ở New York, Mỹ (Ảnh: THX/TTXVN)
Các nhà kinh tế nhận định, đây là "dấu hiệu cảnh báo" rằng nền kinh tế Mỹ đang bước vào giai đoạn khó khăn và cần một gói kích thích khác, nếu không sẽ gặp nguy hiểm.
Thế nhưng sự sụt giảm trong chi tiêu tiêu dùng lại không phải là đồng đều. Một bài viết trên tờ Bưu điện Washington tuần này cho biết, mùa mua sắm kỳ nghỉ lễ năm nay đã bộc lộ tình trạng gia tăng khoảng cách giàu - nghèo giữa các hộ gia đình Mỹ.
Bài viết dẫn nghiên cứu của Đại học Chicago và Đại học Notre Dame cho biết, trong số những hộ gia đình có thu nhập thấp thì 1 trong 8 hoặc 1 trong 6 hộ có trẻ em hiện không đủ ăn; gần 12% dân số Mỹ đang sống trong cảnh nghèo đói, tăng 2,4 điểm phần trăm kể từ tháng 6 và là mức tăng đột biến lớn nhất trong sáu thập kỷ qua.
Trong khi đó, theo thống kê gần đây của American for Tax Fairness, giá trị tài sản ròng của những hộ gia đình có thu nhập cao lại tăng lên trong đại dịch. Thu nhập ổn định, thị trường chứng khoán tăng vọt, giá nhà bùng nổ đã giúp họ tích trữ hơn 1 nghìn tỉ USD tiền tiết kiệm. Và 651 tỷ phú của nước này đã tích lũy thêm 1 nghìn tỉ USD tài sản.