Tại Pháp, tỷ lệ trẻ em nhập viện để điều trị tâm lý đang ngày càng nhiều. Khoa tâm thần dành cho trẻ em và thanh thiếu niên tại viện nhi Robert Debré, bệnh viện nhi lớn nhất nước Pháp lúc nào cũng đông.
Ở độ tuổi của mình, các em có những mối lo lắng mà có thể nếu không đủ kiên nhẫn để lắng nghe, người lớn sẽ không bao giờ hiểu nổi, nhất là khi các em lại phải trải qua đại dịch COVID-19 khi đang trong giai đoạn nhạy cảm phát triển về tâm thần.
Chị Coline Stordeur - Bác sĩ tâm thần tại bệnh viện nhi Robert Debré, Pháp cho biết: "Những đứa trẻ mà chúng tôi chăm sóc, trung bình ở độ tuổi từ 8 đến 12. Kể từ năm ngoái, đã có nhiều trường hợp trẻ em lo lắng về cơ thể của mình, ví dụ như chúng bắt đầu thấy mình quá béo do không thể tới các câu lạc bộ thể thao trong dịch COVID-19, chúng nhịn ăn đến mức sụt cân phải tới bệnh viện".
Theo các bác sĩ tâm thần nhi khoa, còn có những đứa trẻ bị ám ảnh sợ hãi, ám ảnh bởi cảm giác thèm ăn, mắc chứng rối loạn ăn uống do COVID-19. Một số bị ám ảnh về việc khử trùng, lúc nào cũng chà tay vào nhau và phủ gel sát khuẩn lên khắp cơ thể.
Pablo, 11 tuổi vào viện trong tình trạng bỏ ăn, bỏ cả uống, đến mức tim của em bắt đầu đập yếu đi, một trong 2 quả thận đã ngừng hoạt động. Các bác sỹ đã phải cho em ăn bằng ống thông ở mũi. Những căng thẳng do dịch COVID-19 khiến Pablo muốn tự tử.
"Số trường hợp trẻ em dưới 15 tuổi tìm cách tự tử đã tăng gấp đôi kể từ tháng 9 năm ngoái. Thông thường chúng tôi tiếp nhận khoảng 20 em mỗi tháng, con số này bây giờ là 40. Thậm chí trong một số tháng, như tháng 12 năm ngoái hoặc tháng 2 vừa qua, số trường hợp cố tự tử tăng gấp 3. Các em phải chịu những vấn đề như không được gặp bạn bè, người thân, hoặc mất người thân vì COVID-19. Nhiều khó khăn tích tụ lại khiến chúng như những bình tràn nước", Giáo sư Richard Delorme - Bệnh viện nhi Robert Debré, Pháp cho biết thêm.
Các bác sĩ cho biết, trẻ em bị các cơn hoảng loạn, tim đập nhanh và các triệu chứng đau khổ về tinh thần khác ngày càng phổ biến. Do vậy, các bậc cha mẹ cần phải nuôi dưỡng một mối quan hệ tin cậy và trò chuyện cởi mở hơn với trẻ, quan sát những thay đổi trong hành vi mà có thể chính là dấu hiệu của vấn đề tâm thần.