Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Âu Hans Kluge nói với hãng tin AFP: "Khu vực này đang tiến gần đến sự kết thúc của đại dịch".
Ông Hans Kluge cảnh báo rằng, người dân vẫn nên đề phòng do khả năng đột biến của virus SARS-CoV-2, nhưng dự đoán châu Âu sẽ có một "khoảng thời gian yên tĩnh" sau sự lây lan của biến thể Omicron.
"Chúng tôi dự đoán sẽ có một "mức độ im lặng" trước khi COVID-19 có thể quay trở lại vào cuối năm, nhưng không nhất thiết là đại dịch", ông Hans Kluge nói.
Theo ông Hans Kluge, mức độ "miễn dịch toàn cầu" có thể đạt được trong khoảng thời gian vài tuần hoặc vài tháng do số lượng bệnh nhân nhiễm virus hiện nay tương đối cao, việc tiếp tục triển khai tiêm vaccine COVID-19 và tính chất "bệnh theo mùa giảm" vào mùa xuân ở khu vực Bắc bán cầu trong khoảng thời gian sắp tới.
Biến thể Omicron đã gây ra 18 triệu trường hợp nhiễm mới trên toàn cầu chỉ trong vòng 7 ngày. (Ảnh: Getty)
Khu vực châu Âu mà WHO phụ trách, bao gồm 53 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã chứng kiến sự gia tăng đột biến số trường hợp nhiễm biến thể Omicron, giống như nhiều nơi khác trên thế giới. Theo các quan chức y tế, trong tuần kết thúc vào ngày 18/1, tỷ lệ ca nhiễm COVID-19 mới do biến thể Omicron đã tăng gấp hơn hai lần, với tỷ lệ từ 6,3% lên 15%.
Vào đầu tháng 1/2022, WHO cho biết, hơn một nửa dân số châu Âu có thể có kết quả xét nghiệm dương tính với biến thể Omicron, qua đó cho thấy sự lây lan như một "làn sóng thủy triều từ Tây sang Đông" của chủng virus mới này.
Tuy nhiên, Tổng Giám đốc WHO, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus đã nói rõ rằng, đại dịch "chưa thể kết thúc". Phát biểu vào tuần trước, ông Ghebreyesus cho biết, biến thể Omicron đã dẫn đến 18 triệu trường hợp nhiễm mới trên toàn cầu chỉ trong vòng 7 ngày, trong đó nhiều quốc gia châu Âu ghi nhận sự gia tăng đáng kể về số ca mắc.
Ông Ghebreyesus nói: "Đừng nhầm lẫn, biến thể Omicron đang gây ra các ca COVID-19 nhập viện và tử vong, thậm chí những trường hợp ít nghiêm trọng hơn cũng sẽ làm quá tải các hệ thống y tế cơ sở".