The Great Gatsby gần như có đầy đủ mọi yếu tố để trở thành một tác phẩm điện ảnh xuất sắc: câu chuyện sâu sắc, giàu ý nghĩa và biểu tượng, dàn diễn viên hợp vai, nhạc phim xuất sắc, trang phục tuyệt đẹp… Nhưng sai lầm của đạo diễn Baz Luhrmann là quá đầu tư vào ấn tượng thị giác khiến câu chuyện phim bị nông. Rất nhiều chi tiết trong phim mang tính biểu tượng, có lẽ do sợ khán giả không hiểu, “bị” Baz Luhrmann giải thích trực tiếp bằng việc trích dẫn nguyên văn trong tiểu thuyết khiến người xem “mất hứng”.
Bộ phim có bối cảnh nước Mỹ những năm kinh tế phát triển tới đỉnh điểm của sự thịnh vượng, chính xã hội đó là điều kiện để ra đời nhân vật Gatsby, một “siêu anh hùng” tay trắng đi lên, nhờ biết thời cuộc mà chạm tới tột đỉnh vinh quang.
Bi kịch của anh chàng này là đã hy sinh bản thân cho sự phù phiếm lòe loẹt của xã hội, cho tình yêu say đắm một ảo ảnh không có thật, lại thêm sự lãng mạn, ngây thơ còn sót lại của tuổi trẻ. Chính những điều này đã khiến Gatsby, ở mặt nào đó, cao đẹp hơn những con người lạnh lùng, vô cảm của thời đại, ở mặt khác lớn hơn, đã khiến anh trở thành trò hề và là nạn nhân của sự bất trắc của kiếp người.
Xem The Great Gatsby, khán giả thực sự được choáng ngợp với những cảnh quay trau chuốt, hào nhoáng của những tiệc tùng trong khuôn viên lâu đài đẹp như vườn địa đàng, những bộ trang phục đắt tiền và thời thượng của các hãng thời trang danh tiếng, và cả những chiếc siêu xe Roll Royce có thể tăng tốc điên cuồng. Tất cả những hình ảnh này, cộng thêm hiệu ứng 3D, thực sự mang lại ấn tượng thị giác đặc biệt cho người xem, nhưng chỉ dừng lại ở ấn tượng chứ chưa tới ám ảnh.
Rất nhiều người không tiếc lời mà dành cho diễn xuất của Leonardo DiCaprio những lời khen có cánh, đặc biệt là cảnh đầu tiên anh chàng xuất hiện với nụ cười nửa miệng tại bữa tiệc, nụ cười mà theo miêu tả của nhân vật Nick Carraway là người ta chỉ có cơ hội được nhìn thấy chừng 4, 5 lần trong đời (mặc dù hiếm hoi như vậy, nụ cười này lại không dành cho Daisy mà lại cho chàng Nick!).
Đúng là Leonardo DiCaprio đã thể hiện rất xuất sắc một Gatsby tham vọng, hào hoa, quyến rũ, có lúc u sầu, trống rỗng. Tuy vậy, tính cách nhân vật Gatsby của đạo diễn Baz Luhrmann được xây dựng hời hợt và có phần hơi đơn giản, theo kiểu “đại gia mới nổi”, “nhà giàu mới phất”.
Phần đầu phim, có khán giả còn gọi Gatsby là… đại gia "chém gió thành bão", vì đạo diễn dành không ít thời lượng để Gatsby dụng công sắp đặt, cài cắm chi tiết, câu chuyện về cuộc đời tưởng tượng của mình, từ xuất thân quý tộc nhiều đời tới học hành ở ĐH Oxford bên Anh…
Có nhiều lần, Gatsby khiến khán giả nghi ngờ về tình yêu đẹp đẽ và trong sáng anh dành cho Daisy trong phim. Lần thì anh tỏ ý không muốn từ bỏ cơ ngơi và gia sản giàu có tuyệt đỉnh của mình để đi trốn thật xa, sống cuộc đời đơn giản, hạnh phúc bên người yêu; lần thì anh đã nhận ra sự rỗng tuếch, nhạt nhẽo của cô người yêu nhưng vẫn quyết tâm bám trụ đến cùng, để phải chịu bi kịch bỏ mạng. Gatsby trong phim của đạo diễn Baz Luhrmann có lẽ không thể gọi là “vĩ đại”, mà cùng lắm chỉ nên là “đại gia”, nhất là đại gia… mới nổi mà thôi.
Dẫu vậy, The Great Gatsby vẫn là một phim “phải xem” của mùa hè năm nay.