Chỉ còn hơn chục ngày nữa là đến Tết âm lịch, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đều quan tâm đến việc mua sắm cho gia đình một cành hoa.

Ghi nhận của chúng tôi tại làng hoa Tây Tựu, đây là nơi cung cấp nhiều nhất các loại hoa cho thị trường Hà Nội và các vùng lân cận, thậm chí dân buôn nhiều tỉnh thành cũng qua lại tấp nập.

Hoa ly nở sớm người trồng hoa lo ngại Tết này khan hàng

Nhiều người dân tại các vườn hoa cho biết, tình trạng chung ở đây đều đang tranh thủ thu hoạch vì hoa đã nở đại trà.

Theo một chủ vườn trồng hoa cúc cho biết, năm nay thời tiết nồm và thay đổi nhiều, khiến cây vươn cao hơn dự tính, nở sớm. Hoa rất đẹp nhưng vì nở không đúng thời điểm "gặt hái" nên những ngày nay, người dân trồng hoa tranh thủ thu hoạch để bảo quản trong nhà lạnh.

Người dân làng trồng hoa truyền thống đang tranh thủ thu hoạch sớm

Người dân làng trồng hoa truyền thống đang tranh thủ thu hoạch sớm

Đáng chú ý, hoa ly là loại tiêu thụ lớn nhất thị trường và cũng "mạo hiểm" đối với người nông dân, thì năm nay thực sự đang có nguy cơ hiếm hàng vào đúng dịp Tết khi chỉ còn hơn chục ngày nữa, người trồng hoa ly vẫn phải chịu cảnh thất bại.

Mỗi bông hoa đều được chăm sóc bằng công sức và tâm huyết

Anh Nguyễn Viết Tới – một nông dân tỉ phú, thâm niên gần chục năm thuê đất ở các làng nghề trồng hoa, cung cấp cho thị trường chủ yếu loài hoa ly, chia sẻ, hoa ly nở sớm hơn khoảng 10 đến 12 ngày, các chủ vườn mong thu lại vốn đã là hạnh phúc.

"Nếu nở vào tầm 26, hoặc 27 Tết thì quá được, năm nay hoa nở sớm nên chúng tôi đang phải tranh thủ thu hoạch để bảo quản lạnh. Không chỉ thất thu, mà quan trọng tâm huyết của người trồng hoa muốn đưa ra thị trường loại hoa đẹp cho người dân chơi Tết vào đúng dịp", anh Tới cầm bông hoa đầy sức sống với tâm trạng tiếc nuối.

Hoa ly đã được thu hoạch đưa về bảo quản

Hoa ly đã được thu hoạch đưa về bảo quản

Song anh Tới không ngần ngại nói về chất lượng và giá trị của bông hoa ly. Theo anh Tới, nếu bông hoa nở tự nhiên thì rất tươi tắn, xòe to, nhưng chấp nhận bảo quản lạnh trong những ngày tới, người nào có kinh nghiệm thì hoa sẽ trong tình trạng giữ được độ "chúm" nhưng không thể nở hết cỡ. Còn, chủ vườn nào không có kỹ thuật, bông hoa ly sẽ trong tình trạng cúi xuống, thậm chí có những bông bị hư hỏng….

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời điểm này rất nhiều xe từ tỉnh lẻ đã có mặt tại làng hoa, tranh thủ trả giá và nhập những chuyến hàng đầy ắp với các chủng loại khác nhau.

Người trồng hoa đanh tranh thủ thu hoạch hoa ly

Người trồng hoa đanh tranh thủ thu hoạch hoa ly

Hoa mất giá đã được dự đoán trước

Cách đây hơn một tháng, trao đổi với chúng tôi nhiều chủ vườn đều nhận định, năm nay thời tiết không được thuận lợi nên việc thu hoạch cũng thất thường. Trong khi đó, mỗi lần đến dịp thu hoạch đại trà thì còn phụ thuộc vào mức tiêu thụ.

Cụ thể đối với loài hoa cúc, khi thu hoạch về thì phải bao bọc từng cành, từng bó hoa rồi mới giao cho khách. Nếu vào thời điểm thu hoạch đại trà, gia đình chị phải thuê thêm người thì mới kịp trong vài ngày.

"Chúng tôi quanh năm trồng hoa, vừa có việc cho gia đình, vừa đảm bảo nguồn cung cho thị trường. Mỗi đợt thu hoạch, ai ai cũng mong thời tiết thuận lợi thì mới có đồng công, năm nay thời tiết thất thường, cơ hội thu hoạch đúng dịp Tết là điều khó", chị Vân, người trồng hoa, chia sẻ.

Anh Nguyễn Viết Tới – một nông dân thâm niên gần chục năm thuê đất ở các làng nghề trồng hoa, hy vọng năm nay thu về được vốn

Anh Nguyễn Viết Tới – một nông dân thâm niên gần chục năm thuê đất ở các làng nghề trồng hoa, hy vọng năm nay thu về được vốn

Còn chị Linh Thư, người dân đến mua hoa và tham quan chia sẻ: "Nếu không đến tận nơi thì không hiểu được nỗi vất vả của người trồng hoa. Thấy bông hoa xinh đẹp thì mua, nhưng để trồng được cây hoa đã rất khó khăn, xem người ta chăm bón cho từng bông hoa như thế này mà giá bán chẳng đáng bao nhiêu, thì phải trồng số lượng nhiều mới bù lại được, gọi là lấy công làm lãi", chị Thư chia sẻ.

Anh Tới cũng chia sẻ, làm nghề thì phải chấp nhận, kinh tế là một phần nhưng vì đam mê và muốn chinh phục để tìm ra sản phẩm ưng ý, chất lượng cho thị trường. Vì vậy, với bản tính cần cù, không ngừng học hỏi và kinh nghiệm trồng hoa lâu năm, người dân Tây Tựu đã mạnh dạn đầu tư xây nhà lạnh, làm giàn, nhà lưới che phủ, hệ thống chiếu sáng, hệ thống phun tưới để sản xuất đưa ra thị trường những bông hoa ly chất lượng và đa số hoa ly của Tây Tựu khi đến thời điểm thu hoạch đều được đặt hàng từ trước, số lượng cung luôn không đủ cầu.

Với tâm huyết, hoa ly rất đẹp nhưng nở sớm hơn dự tính hơn 10 ngày

Làng hoa Tây Tựu cách trung tâm Hà Nội 20km về phía Tây, trước đây thuộc xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm, nay là phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm.

Nghề trồng hoa tại Tây Tựu được hình thành từ năm 1930, nhưng năm 1990, người dân mới bắt đầu tập trung trồng hoa. Với lịch sử gần 100 năm làm nghề, tháng 3/2017, làng hoa Tây Tựu đã vinh dự đón nhận danh hiệu "Làng nghề truyền thống Hà Nội".

Để đáp ứng nhu cầu thị trường, thay vì trồng 2 vụ như trước đây, hiện nay người dân Tây Tựu đã trồng hoa cả bốn mùa và có hoa bán quanh năm nhờ áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong việc chọn, nhân giống và chăm sóc hoa.

Để đảm bảo nghề trồng hoa phát triển bền vững, từ năm 2010, xã Tây Tựu đã xây dựng nhiều giải pháp để bảo tồn làng hoa cũng như giải quyết việc làm cho nông dân khi không còn đất. Chính quyền địa phương thường xuyên mở các lớp tập huấn, đào tạo cho nông dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo quản hoa, triển khai các mô hình trồng hoa mới hiệu quả cao; vận động nhân dân trồng các loại hoa chất lượng cao… để nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Diện tích trồng hoa của Tây Tựu tương đương 290 ha và khoảng 180 ha diện tích thuê ngoài tại các huyện lân cận như: Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ… Người dân Tây Tựu không ai phải phiêu bạt mọi nơi để kiếm việc làm, mà ngược lại, còn tạo không ít việc làm cho người lao động từ nơi khác đến.