Lindsay Coleman (29 tuổi) đã bỏ 2 công việc trong năm nay. Hồi tháng 1, cô nghỉ việc tại một công ty phần mềm sau khi làm vị trí sale trong 6 năm từ khi tốt nghiệp đại học. Cô rất hòa đồng với đồng nghiệp nhưng lại thấy lời đề nghị công việc mới hấp dẫn hơn từ công ty đối thủ.
Đến tháng 10, Coleman nhận ra rằng cô muốn đi bán căn hộ thay vì phần mềm. Sau khi lấy giấy phép kinh doanh bất động sản, cô lại nghỉ việc để gia nhập Corcoran Group. Cô nói: "Bán phần mềm là một nghề có thu nhập tốt, nhưng đó không phải là điều tôi yêu thích và không bao giờ biết rằng liệu mình có tiến xa được hay không."
Coleman là một phần của "làn sóng" bỏ việc tại Mỹ, khi số lao động nghỉ việc tăng cao chưa từng có vào năm 2021. Khoảng 4,4 triệu người Mỹ đã nghỉ việc chỉ trong tháng 9, phá kỷ lục kể từ khi cuộc khảo sát của Bộ Lao động bắt đầu vào năm 2001. Mức cao kỷ lục trước đó được ghi nhận vào tháng 8.
Ở khắp nước Mỹ, nhu cầu tuyển dụng nhân sự ở mức cao khi các doanh nghiệp mở rộng hoạt động, nhằm tận dụng lợi thế của nền kinh tế đang hồi phục sau đại dịch. Trong khi một số người đang nỗ lực tận dụng việc thiếu hụt lao động để đòi hỏi mức lương, đãi ngộ tốt hơn, thì nhiều người khác lại "nhảy việc" để tìm kiếm cơ hội mới.
Cơ hội việc làm tại Mỹ cũng tăng vọt. Các nhà kinh tế cho rằng hầu hết những người đã bỏ việc có khả năng đã đảm nhiệm vị trí khác trước khi nộp đơn xin việc. Nguyên nhân là bởi, tỷ lệ gia nhập lực lượng lao động ở mức ổn định kể từ đợt sụt giảm năm 2020, dù tỷ lệ bỏ việc ở mức cao kỷ lục.
Số lao động Mỹ nghỉ việc trong 20 năm qua.
Nick Bunker - nhà kinh tế học tại trang web tìm việc Indeed, cho hay: "Năm 2021, chúng tôi thực sự chứng kiến số người bỏ việc tăng khi nhu cầu tìm lao động cũng tăng. Bởi vậy, đây thực sự là câu chuyện của người lao động nhìn thấy cơ hội ở thị trường lao động, họ đi ra ngoài và nắm bắt chúng."
"Đại Khủng hoảng lao động" ("The Great Resignation") là hiện tượng ban đầu gây ngạc nhiên cho nhiều nhà kinh tế học. Trước đó, họ cho rằng người lao động không muốn thay đổi hiện trạng dù không hài lòng với công việc.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng Covid-19 đã làm xáo trộn cả những chuẩn mực kinh tế và xã hội, khiến người lao động phải đánh giá lại những gì họ muốn trong công việc và cuộc sống. Kết quả là, nhiều người trước đó e ngại về việc nghỉ việc, nay đã có quyết định dứt khoát.
Alexander Alonso - giám đốc kiến thức của Hiệp hội Quản lý Nguồn nhân lực Mỹ, nhận định: "Đó là thực tế sống động của Covid-19." Ông cho biết, hầu hết những người bỏ việc trong thời kỳ đại dịch đều rời đi để tìm kiếm mức lương cao hơn, sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống hay phúc lợi tốt hơn.
Bunker cho hay, các ngành bị gián đoạn nặng nề bởi đại dịch cũng ghi nhận số người bỏ việc nhiều nhất, đó là sản xuất, giải trí và lữ hành.
Đối với Danit Sibovits - một luật sư ở New York, chính tình trạng phúc lợi kém là nguyên nhân khiến cô nghỉ việc tại một công ty bảo hiểm vào tháng 6. Công ty cũ của cô không cung cấp cho cộng sự các thiết bị cơ bản để làm việc tại nhà như laptop hay quan tâm đến chăm sóc sức khỏe cho nhân viên trong thời gian phong tỏa năm ngoái.
Tại Houston, Aparna Shewakramani - một luật sư khác, cho biết: "Trước Covid-19, tôi vẫn ổn." Tháng 4 cô đã rời bỏ vị trí tổng cố vấn tại công ty môi giới bảo hiểm. Shewakramani chưa từng yêu thích công việc của mình nên cô quyết định bỏ việc để theo đuổi những cơ hội khác. Cô thậm chí còn viết sách sau khi tham dự chương trình Indian Matchmaking của Netflix.
Jenna Coluccio - trợ lý bác sĩ 27 tuổi, đã nghỉ việc vào tháng 4. Cô chia sẻ, đơn vị chăm sóc đặc biệt mà cô làm việc tại Manhattan liên tục trả lương thấp. Dù đã lên kế hoạch gắn bó trong 3 năm, nhưng những căng thẳng do cuộc khủng hoảng Covid-19 gây ra đã khiến cô nhanh chóng tìm kiếm cơ hội mới.
Vài tuần sau khi nghỉ việc, cô nhận được đề nghị làm việc từ một bệnh viện khác. Cô nói: "Mọi người luôn nói về việc thế hệ chúng tôi liên tục nhảy việc. Đó là bởi không ai cho phép bản thân bị bắt nạt hay đánh giá thấp."
Tham khảo Financial Times