Ảnh minh họa
Các nhà làm luật Đài Loan vừa mở rộng một luật hiện hành, theo đó trẻ em dưới 18 tuổi trên đảo “không được dùng đồ điện tử liên tục trong khoảng thời gian không hợp lý”. Luật xác định việc dành quá nhiều thời gian cho thiết bị công nghệ cũng nguy hiểm như các tệ nạn khác như hút thuốc, uống rượu, dùng chất gây nghiện, xem ảnh bạo lực/khiêu dâm.
Phụ huynh cho phép con em dùng thiết bị điện tử đến độ bị ảnh hưởng sức khỏe thể chất và tâm lý sẽ bị phạt 1.600 USD (hơn 34 triệu đồng). Tất nhiên, luật không nói rõ thời gian như thế nào là bất hợp lý, vì vậy việc thực thi pháp luật có thể phức tạp hơn.
Theo Viện Nhi khoa Mỹ, tổ chức từng khuyên trẻ em dùng đồ điện tử tối đa 2 tiếng, chỉ ra một đứa trẻ 8 tuổi sống tại Mỹ trung bình dành tới 8 tiếng cho các loại hình giải trí (game, video, phim), trong khi nhiều chuyên gia tâm lý học trẻ em kêu gọi thời gian chơi cho trẻ cần sắp xếp cân đối hơn.
Đài Loan không phải quốc gia duy nhất thực hiện các biện pháp nhằm quản lý việc sử dụng thiết bị điện tử, đặc biệt là game trong trẻ vị thành niên. Trung Quốc cấm mọi người chơi game trực tuyến trong hơn 3 tiếng đồng hồ liên tiếp kể từ năm 2005 và áp dụng biện pháp nghiêm ngặt hơn vào năm 2010 như cấm hình ảnh không lành mạnh trong game online cho người dưới 18 tuổi… Hàn Quốc năm 2014 cũng quản lý game online và thể thao điện tử nếu chúng có nội dung gây nghiện.
Nếu luật của Đài Loan thành công và được các nước khác làm theo, nó có thể giúp ngăn ngừa nomophobia, hội chứng lo sợ khi không có thiết bị điện tử bên cạnh, làm ảnh hưởng đến tâm lý. Trong nghiên cứu gần đây, người tham gia cảm thấy bồn chồn không yên và huyết áp tăng cao khi không thể trả lời cuộc gọi trên iPhone.