Từ lúc Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhập viện cách đây hơn 4 năm cho đến những giây phút cuối cùng và cả hơn nửa thế kỷ trước đó khi con người này đã trở thành huyền thoại, còn dọc ngang trên các chiến trường, không một giây phút nào bên cạnh ông thiếu vắng đội ngũ y bác sĩ. 
 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua câu chuyện của bác sĩ riêng 1
  Suốt 30 năm công tác, BS. Phạm Văn Ngà (người cầm cặp) luôn sát cánh bên Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đại tướng lạc quan đến giây phút cuối cùng

Đây là lần thứ 2 tôi có may mắn được trực tiếp tới gần nhất với vị tướng huyền thoại vẫn được gọi giản dị với cái tên "Anh Văn" qua những câu chuyện của các bác sĩ riêng của Đại tướng. Đại tá Nguyễn Văn Nhựa - bác sĩ riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ năm 1992 - người trực tiếp điều trị, chăm sóc trong 1.559 ngày Đại tướng nằm viện đã chia sẻ những cảm xúc của mình cũng như đội ngũ y bác sĩ của Khoa A11 Bệnh viện Quân y 108 được vinh dự đảm nhiệm trách nhiệm chăm sóc sức khỏe Đại tướng từ khi Đại tướng nhập viện đến những giây phút cuối đời.
 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua câu chuyện của bác sĩ riêng 2
 BS. Phạm Văn Ngà (BS riêng của Đại tướng) chúc mừng sinh nhật lần thứ 93 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đại tá Nguyễn Văn Nhựa xúc động nhớ lại những giây phút cuối bên giường Đại tướng: Trước đó mấy ngày, để chuẩn bị sinh nhật cho Đại tướng, chúng tôi đã có 3 cuộc hội chẩn về sức khỏe của Đại tướng gồm tất cả những người của Ban Sức khỏe Trung ương, các giáo sư đầu ngành trong quân đội... Những cuộc vào thăm hỏi Đại tướng được hạn chế tối đa. Những ai vào thăm đều phải mặc áo blouse và đeo khẩu trang. Ngày 3/10, khi tôi đang giao ban trên Ban Bảo vệ sức khỏe Trung ương như thường lệ thì nhận được điện từ Viện báo cáo tình hình sức khỏe của Đại tướng.
 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua câu chuyện của bác sĩ riêng 3
 Đại tướng Võ Nguyên Giáp trò chuyện với bà con quê hương trong một chuyến về thăm quê. Ảnh: T.L

Chiều hôm đó, chúng tôi tiến hành hội chẩn. Kết quả hội chẩn cho thấy: sức khỏe của Đại tướng có những diễn biến nguy hiểm tới sức khỏe, song không phải do bạo bệnh mà chỉ là bệnh tuổi già. Chúng tôi tập trung mọi điều kiện để cứu chữa. 13h chiều 4/10, chúng tôi có một cuộc hội chẩn nữa. 

Khi đó, mạch và huyết áp của Đại tướng vẫn bình thường, nhưng sau đó, đến khoảng 15h thì có biến. Chúng tôi đã sử dụng tối đa và tối ưu các loại thuốc để bảo vệ sức khỏe cho Đại tướng, nhưng tình hình sức khỏe Đại tướng không được cải thiện nhiều. Có một điều Đại tá Nguyễn Văn Nhựa cứ nhắc đi nhắc lại trong lời kể của mình: Trong bất kỳ giây phút nào Đại tướng luôn trong tâm thế lạc quan. Đại tướng luôn lạc quan và lạc quan cho đến phút cuối cùng của cuộc đời. Đại tướng nói với tôi rằng, trước quân thù như thế nào thì giờ cũng phải vượt qua bệnh tật như thế.
 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua câu chuyện của bác sĩ riêng 4
 Đại tá Nguyễn Văn Nhựa - BS riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ năm 1992 đến nay.

Những lúc Đại tướng bị đau, ông không kêu ca gì, thường nắm tay tôi rất chặt. Không chỉ có Đại tá Nguyễn Văn Nhựa mà 37 người là bác sĩ, điều dưỡng, cấp dưỡng và công vụ của Khoa A11 Bệnh viện Quân y 108 là những người đã gắn bó với Đại tướng từ khi ông nhập viện đều có cảm nhận đó. Là người tình cảm nên Đại tướng quan tâm đến tất cả anh chị em đang làm việc tại khoa. Ông hỏi thăm mọi người về gia đình, con cái. Ông cũng thích nói chuyện về cây và hoa, bởi nhà ông có cả một vườn lan và ông có rất nhiều kinh nghiệm trồng cây. Ông có thể nói say mê về cách chăm sóc cây hay kể chuyện về những đứa cháu nội ngoại của mình.
 
Trong suốt thời gian ở viện, Đại tướng vẫn dõi theo, quan tâm đến mọi chuyển biến của xã hội cũng như tình hình thời sự trong nước và quốc tế, qua báo chí. Những lúc khỏe, Đại tướng thường tự đọc báo; những lúc mệt, khi kém mắt, các điều dưỡng lại đọc báo cho ông nghe. Trải qua một thời gian điều trị kéo dài tới 1.559 ngày, ngay cả những lúc trở bệnh, Đại tướng luôn động viên cán bộ y bác sĩ ở đây cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Đại tướng rất tuân thủ và tôn trọng những cán bộ làm việc với mình. Đại tướng tin tưởng tuyệt đối vào bác sĩ của mình. Đại tướng chỉ dùng thuốc khi được trực tiếp nghe tham vấn từ bác sĩ riêng của mình.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua câu chuyện của bác sĩ riêng 5
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tham gia bỏ phiếu bầu cử ĐBQH khóa 13.

Vinh dự và trách nhiệm

Trong suốt thời gian Đại tướng nhập viện cho đến những giây phút cuối cùng và cả hơn nửa thế kỷ trước đó khi con người đã trở thành huyền thoại còn dọc ngang trên các chiến trường, không một giây phút nào bên cạnh ông thiếu vắng đội ngũ y bác sĩ. Chăm lo sức khỏe cho Đại tướng - đó không chỉ là nhiệm vụ đặc biệt mà còn là vinh dự, trách nhiệm của không chỉ cá nhân với vai trò là bác sĩ riêng của Đại tướng mà còn của cả ngành y. Phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống cũng trực tiếp gặp gỡ, trò chuyện với Đại tá Phạm Văn Ngà - người trực tiếp chăm sóc sức khỏe cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong suốt 30 năm (1965 - 1995).
 
Ở tuổi gần 90, vị bác sĩ được mệnh danh là "cẩm y vệ số 1 của Đại tướng" vẫn nhớ như in "vô vàn kỷ niệm không bao giờ quên" khi tháp tùng Đại tướng. Có một câu chuyện BS. Ngà nhớ lại: Đó là vào năm 1989, trong chuyến bay chở Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ Prague (Czech) đến Ethiopia, khi máy bay vừa hạ cánh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đột nhiên bị choáng, ngồi sụp xuống ghế. Mọi người trong đoàn hoàn toàn bất ngờ, hoang mang hết sức. Rất bình tĩnh, BS. Ngà yêu cầu mọi người giãn ra, tạo một khoảng thoáng cho Đại tướng. Ông bật va-li y tế luôn mang bên mình lấy các thiết bị đo nhịp tim, thuốc và tiến hành cấp cứu.
 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua câu chuyện của bác sĩ riêng 6
 Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một lần về thăm Điện Biên.

Ông kể: Những giây phút ấy như một thước phim quay chậm từng hành động của ông, những cảm xúc lo lắng của cả đoàn công tác. Tất cả ánh mắt của mọi người đều tập trung để tìm những biến chuyển trên khuôn mặt của Đại tướng. Gần 1 giờ sau cấp cứu, sức khỏe Đại tướng dần bình phục. Mọi người chưa kịp thở phào, Đại tướng đã ngay lập tức lao vào công việc, giục mọi người chuẩn bị tài liệu cho chuyến công tác. BS. Ngà cho hay, trong suốt 30 năm ở bên Đại tướng, điều khiến ông cảm phục nhất ở con người đã trở thành huyền thoại này là sức làm việc không biết mệt mỏi và đầy trách nhiệm. Nó đã trở thành một thói quen ngấm vào máu thịt con người Đại tướng không chỉ khi ông còn đảm nhiệm các chức vụ mà ngay cả lúc ông về hưu, thậm chí cả khi ông nhập viện, Đại tướng vẫn không ngừng làm việc. 

Đại tá Ngà nhớ lại: Là bác sĩ, ông có trách nhiệm phải sắp xếp lịch trình làm việc, ăn nghỉ của Đại tướng theo giờ giấc, song chưa bao giờ Đại tướng nghỉ việc đúng giờ. Mỗi lần ông nhắc, Đại tướng thường nói chờ thêm 10 - 15 phút nhưng quãng thời gian này thường kéo dài lên 3 tiếng.
 
Kỷ niệm ông nhớ khi đi Liên Xô năm 1973 cũng là một trong nhiều chuyến công tác mang dấu ấn. Khi đó là đúng 30 Tết, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô tổ chức tiệc và đón Đại tướng đến dự nhân dịp Đại tướng sang thăm và làm việc nước bạn. Nhưng do làm việc quá sức nên ngay khi vừa đến, Đại tướng thấy trong người không được khỏe, sắc mặt không tốt. Mọi người trong đoàn xin ý kiến của Đại tướng hoãn chuyến thăm này. 

Tuy nhiên, Đại tướng từ chối, ông gọi BS. Ngà. Sau khi được chăm sóc y tế, sức khỏe Đại tướng bình phục trở lại. BS. Ngà kể tiếp: Tối đó, vừa tan tiệc chiêu đãi, dù lo cho sức khỏe của Đại tướng thế mà ngay sau khi về tới khách sạn, Đại tướng chỉ đạo: "Bất cứ giá nào đồng chí cũng phải cho tôi về ngay Việt Nam vì có đồng chí Fidel Castro sang thăm". Và trong tình huống sức khỏe của Đại tướng chưa ổn thỏa, ông lại xách va-li theo Đại tướng về nước.
 
Những câu chuyện từ các bác sĩ riêng của Đại tướng như những dòng mạch chảy nối tiếp những kỷ niệm về người, dù khoảnh khắc thời gian là hiện tại hay quá khứ, chân dung về một vị Đại tướng thật giản dị, thật gần gũi, nhân văn. Một vị Tướng được nhớ tới với tên gọi thân thương "Anh Văn".



Những lời khuyên nghe kỳ lạ nhưng giúp bạn khỏe mạnh
Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua câu chuyện của bác sĩ riêng 7