Bệnh nhân nam, sinh năm 2004, trú tại xã Krông Jing, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk.
Ngày 18/4, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt cao, mệt. Ngày 20/4, bệnh nhân được người nhà đưa đi khám, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện M’Đrắk, đến ngày 23/4, chuyển viện đến Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên.
Ngày 25/4, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục điều trị, kết quả xét nghiệm ngày 09/5/2024 cho thấy, bệnh nhân dương tính với virus viêm não Nhật Bản.
Sau khi ghi nhận ca bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã phối hợp cùng Trung tâm Y tế huyện M’Đrắk, Trạm Y tế xã đã triển khai một số hoạt động phòng, chống bệnh viêm não Nhật Bản như: điều tra đối tượng tiêm vaccine viêm não Nhật Bản trong diện tiêm chủng mở rộng để tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm đủ mũi; điều tra véc tơ truyền bệnh tại cộng đồng, muỗi Culex là véc tơ truyền bệnh viêm não Nhật Bản và triển khai phun hoá chất diệt muỗi trưởng thành.
Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm với tỷ lệ tử vong lên đến 30% cùng với di chứng vĩnh viễn như: Rối loạn tâm thần, liệt, rối loạn ngôn ngữ, co giật, động kinh, nằm liệt giường… ở một nửa số bệnh nhân sống sót. Triệu chứng đầu tiên của bệnh thường bao gồm: Sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn. Ngoài ra, có thể có các biểu hiện của nhiễm virus nói chung như mệt mỏi, ớn lạnh.
Những trường hợp bệnh nặng có thể có các biểu hiện: co giật, giảm khả năng nhận thức (trẻ thay đổi tính nết, la hét, kích động hoặc sững sờ, không nhận ra bố mẹ, nói nhảm, hôn mê); rối loạn vận động như liệt tay, chân hoặc nửa người, co cứng, xoắn vặn.
Theo bác sĩ Trần Kim Long, Phó Phụ trách Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, cách phòng tránh bệnh viêm não Nhật Bản hiệu quả nhất là tiêm vaccine phòng bệnh. Đặc biệt đối với trẻ em khi đã đủ tuổi thì tiêm vaccine phòng bệnh viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hữu hiệu nhất.