Các ca bệnh tập trung nhiều ở 3 ổ dịch với 70 ca bệnh là học sinh của 3 trường học mầm non tại TP Buôn Ma Thuột; huyện Ea Kar; huyện Buôn Đôn.
Trường hợp đầu tiên mắc bệnh thủy đậu tại tỉnh Đắk Lắk được ghi nhận là trường hợp bé T., 5 tuổi, đang học tại Trường Mầm non Măng Non, huyện Ea Kar. Trước đó, ngày 2/1, bé T. có hiện tượng sốt, nốt bọng nước đầu tiên ở bụng sau đó lan sang tay và trán. Ngày 3/1, người nhà đi mua thuốc tại nhà thuốc tư nhân để tự điều trị 3 - 4 ngày cho bé. Sau khi các nốt mụn nước đã khô, bé T. đã đi học trở lại.
Sau đó, từ ngày 17 - 22/1, Trường Mầm non Măng Non, huyện Ea Kar đã ghi nhận thêm 27 trường hợp bị thủy đậu.
Ngay sau khi ghi nhận thông tin về ổ dịch, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Ea Kar nhanh chóng tiến hành xác minh các trường hợp mắc bệnh tại trường học, lập danh sách các bé theo ngày mắc bệnh, tiền sử tiêm chủng thủy đậu, cơ sở điều trị và tình trạng hiện tại.
Cùng với đó cấp phát Chloramin B cho trường học để vệ sinh phòng học và đồ chơi, hướng dẫn nhà trường, phụ huynh thực hiện các biện pháp để phòng dịch bệnh lây lan và cách chăm sóc khi trẻ mắc bệnh. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng, chống bệnh thủy đậu. Nhờ vậy, sau hơn 1 tháng tại huyện Ea Kar không ghi nhận thêm trường hợp mắc bệnh thủy đậu.
Bác sĩ Trần Kim Long, Phó phụ trách Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh Thủy đậu bắt nguồn sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, trẻ đến trường học trở lại, môi trường sinh hoạt, chế độ ăn uống, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Bên cạnh đó thời tiết mùa Đông - Xuân với nhiệt độ thay đổi thất thường tạo điều kiện cho các loại virus, vi khuẩn phát triển nên rất dễ mắc các bệnh truyền nhiễm, lây lan qua đường hô hấp và tiêu hoá, làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Cũng theo bác sĩ Long, đến ngày 23/2, trong tổng số 81 ca bệnh được ghi nhận tại Đắk Lắk thì có tới 70 ca là học sinh ở các trường mầm non, hầu hết do các cháu chưa được tiêm đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh.
Nhằm khống chế và kiểm soát dịch thủy đậu, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp Trung tâm Y tế các huyện, thành phố điều tra xác minh các ca bệnh, ổ dịch và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch.
"Biện pháp tốt nhất, hiệu quả và lâu dài nhất là chủ động phòng ngừa bằng cách tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu, người đã tiêm chủng vaccine thủy đậu có khả năng miễn dịch tuyệt đối với bệnh. Khoảng 10% còn lại có thể bị thủy đậu sau khi tiêm chủng, nhưng các trường hợp này cũng chỉ bị nhẹ, không bị biến chứng" - bác sĩ Long nói.