Sáng 7/8, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra hồ chứa nước Đắk N’Ting (xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, Đắk Nông), nguy cơ vỡ sau mưa lũ vừa qua.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, mất rừng đã làm thay đổi dòng chảy bề mặt và dòng chảy nước ngầm. "Như chúng ta thấy khu vực này chỉ còn một số cây rừng, chủ yếu bà con đã trồng hồ tiêu phía trên đồi" - ông Hiệp nói.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, dự báo năm nay Tây Nguyên sẽ xảy ra hạn hán, lượng mưa giảm so với mọi năm. Tuy nhiên sẽ có tình trạng mưa bất thường, tập trung một số thời điểm và một số nơi. Tháng 7/2023, lượng mưa tại Đắk Nông cao gấp 1,5 lần năm 2022 và cao hơn gấp đôi so với trung bình nhiều năm, dẫn đến những hậu quả như vừa qua.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị tỉnh Đắk Nông cần xem xét đến việc quả đồi bên phải hồ Đắk N'Ting có nguy cơ sạt trượt, sạt lở nghiêm trọng. Vì vậy, cần phải tính toán đến kịch bản vỡ hồ chứa khoảng 2 triệu m 3 nước và khoảng 1 triệu m 3 đất trên diện tích khoảng 10ha sạt lở để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân vùng hạ du.
Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT chỉ đạo tỉnh Đắk Nông cần hạ tải khu vực này, xả lượng nước hiện có trong lòng hồ.
Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ NN&PTNT, yếu tố mưa và yếu tố tác động của con người khiến các công trình đang làm tạo ra tổ hợp bất lợi, dẫn đến câu chuyện sạt lở khá nhiều điểm khác nhau ở Tây Nguyên vừa qua. Trong đó, địa bàn Gia Nghĩa đã có một đoạn đường Hồ Chí Minh bị sạt lở nặng; hồ thủy lợi Đắk N’ting và một loạt cơ sở trường học Đắk Nông bị sạt trượt.
"Bộ NN&PTNT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để các bộ, ngành cùng phối hợp sửa lại các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện nay về các công trình hồ đập. Theo đó, trong tư vấn thiết kế, khảo sát phải mở rộng khu vực làm công trường làm công trình. Từ đó, mới đánh giá một cách toàn diện các vấn đề sạt trượt", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết thêm.