Với những ai yêu hồng, yêu thích vẻ đẹp ngọt ngào cùng hương thơm thoảng nhẹ của những cánh hồng rực rỡ trong nắng, chắc chắn sẽ "phải lòng" ngay khu vườn trên cao của gia đình chị Phương Nga. Khoảng sân thượng có diện tích rộng chừng 115m2 được chị Nga cải tạo để trồng hồng, một phần diện tích chị xây hai phòng, là không gian để cả gia đình có thể thư giãn, quây quần vào cuối tuần, nhâm nhi cà phê hay BBQ.
Chị Phương Nga cho biết: "Mình bén duyên với các nàng hồng đã được hơn hai năm, từ lúc nhà mình làm sân vườn này. Vườn hiện có 30 giống hồng ngoại với đủ sắc màu.
Mọi người vẫn nói chăm hồng rất khó, hồng ngoại lại càng khó hơn. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm thực tế thì mình thấy nếu chúng ta biết chăm đúng cách thì sẽ đơn giản hơn rất nhiều".
Từ các phòng bên trong sân thượng có thể ngắm nhìn khu vườn và thành phố từ trên cao.
Về giá thể, khu vườn của gia đình chị Phương Nga ở trên sân thượng tầng 23 nên không tiện cho việc trộn giá thể nên chị chọn cách mua ở vườn quen. Chị lưu ý giá thể nên tơi xốp, thoát nước tốt. Thành phần bao gồm đất chiếm 30%, còn lại là xơ dừa, vỏ đậu phộng, trấu, xỉ than (đã cháy hết), phân bò, phân trùn quế. Giá thể cần được ủ hoai mục. Nhờ giá thể tốt nên cây luôn được đảm bảo hấp thụ phân bón và phát triển tươi tốt.
Bên cạnh giá thể, yếu tố phân bón cũng không kém phần quan trọng. Chị Nga dùng hai loại phân chính để pha tưới hàng tuần là dịch cá và dịch chuối đậu tương. Dịch cá chị pha và tưới trước khi cắt tỉa cây khoảng 3 ngày giúp mầm non mới phát triển mạnh. Dịch chuối đậu tương được chị tưới vào thời điểm cây ra nụ và chuẩn bị nở bông, giúp hoa nở đồng loạt và màu cũng đẹp hơn.
Ngoài ra, chị dùng luân phiên các loại phân bón như phân bò, phân gà, phân dê, phân trùn quế theo định kỳ 1 - 2 lần/tháng giúp đất tơi xốp. Cách này cũng giúp chị không mất thời gian thay giá thể như cách làm thông thường.
Hoa hồng trồng trên sân thượng thường mắc bệnh trĩ và nhện. Vì trồng để ngắm và tạo không gian thư giãn cho gia đình nên chị Nga không dùng thuốc hóa học độc hại mà thường lựa chọn các loại thuốc sinh học.
Chị Nga chia sẻ kinh nghiệm: "Loại mình thích dùng nhất, cũng dễ làm nhất là gừng, tỏi, ớt ngâm rượu. Mình thường phun phòng bệnh 1 tuần 1 lần vì thuốc sinh học không có tác dụng mạnh như thuốc hóa học, nên nếu để bệnh nặng thì thuốc sẽ kém tác dụng.
Mình cũng dùng thêm dầu Neem hoặc các loại thuốc sinh học khác để xịt phòng bệnh thay đổi, tránh dùng một loại gây nhờn thuốc. Mình thường xịt ướt đậm hai mặt lá, dưới mặt đất và những cây khác xung quanh. Ngoài ra, hồng còn có thể mắc một số bệnh khác như rệp, nấm lá, đen thân vào mùa mưa... Mình thường quan sát cây hàng ngày để phát hiện và xịt thuốc đặc trị sớm cho hiệu quả".
Những góc nhỏ rực rỡ tỏa sắc hương trên sân thượng.
Vì trồng hồng trên sân thượng, chị Nga chú ý đến việc tưới cây. Đặc biệt là vào những ngày nắng nóng, chị thường tưới ngày 2 lần vào buổi sáng và chiều tối. Chị dùng vòi xịt cao áp để xịt mạnh vào lá ngược từ dưới lên sẽ có tác dụng xua đuổi trĩ, nhện. Vào những ngày nền nhiệt lên cao, chị thường tưới thêm một lần vào buổi trưa để hạ nhiệt cho cây. Do trời nắng nên chị thường xịt nước lên lá từ từ và xịt lâu cho nước thấm đều vào đất. Nếu tưới quá nhanh sẽ khiến cây dễ bị sốc nhiệt.
Để hoa nở đồng loạt, chị Nga thường dùng kéo chuyên dụng để cắt tỉa cùng lúc sau mỗi lứa, vết cắt dứt khoát, tránh tổn thương cho cây. Điều này giúp việc chăm sóc dễ dàng hơn, hoa nở đều theo lứa cũng đẹp hơn. Cách cắt tỉa của chị Nga thường là chửa khoảng 3 nách lá để cây đâm chồi mới, đầu cắt xéo khoảng 40 độ và cách nách lá đầu tiên từ 0,5 - 1cm. Chị cũng khuyên nên cắt bỏ cành tăm, lá già và những cành già cỗi cho cây khỏe mạnh.
Thành quả ai cũng thích thú khi ngắm sân thượng nhà chị.
Hoa hồng vốn là loài đỏng đảnh, chúng đòi hỏi người chăm phải nâng niu, cảm nhận và dõi theo sự phát triển hàng ngày của chúng. Vì thế, chăm hồng, chị luôn chăm bằng cả cái tâm, cái tình và sự đam mê của mình.
Nguồn ảnh: NVCC