Theo ông Mân, ông Yên là thành viên của Hội Đông y huyện Tánh Linh và là Trưởng Ban Quản lý Hội quán Hưng An Tự. Sau khi có thông tin vợ chồng ông Dũng "lò vôi" tố cáo ông Yên cắt xén tiền xây dựng Hưng An Tự, ông Mân cho biết phòng thuốc vẫn đang hoạt động bình thường.
Theo ông Mân, dù có đăng ký hộ khẩu thường trú ở địa phương nhưng ông Yên ít khi có mặt tại đây. Việc điều hành phòng thuốc do các thành viên của Ban Quản lý Hội quán Hưng An Tự thực hiện.
"Sau Tết thì ông Yên có về khám bệnh tại phòng thuốc rồi lại đi. Phòng thuốc chủ yếu bốc thuốc, còn khám chữa bệnh thì ít thấy. Tại buổi khánh thành Hưng An Tự, ông Yên có nhắc đến ông Dũng và cảm ơn ông này..." - ông Mân nói.
Ông Nguyễn Bửu, Chủ tịch Hội Đông y huyện Tánh Linh kiêm người đứng tên pháp lý của phòng thuốc nam thuộc Hội quán Hưng An Tự, cho biết cơ sở này do ông Yên đứng ra thành lập từ năm 2013. Thời điểm mới thành lập, ông Yên chưa có giấy phép hành nghề nên ông Bửu là người đứng tên để xin giấy phép hoạt động.
Theo ông Bửu, phòng thuốc hiện có 2 người bắt mạch, kê toa cho những bệnh nhức mỏi, xương khớp. Ông Yên chỉ đến phòng thuốc bấm huyệt vào các ngày lễ lớn của Phật giáo.
"Bình quân mỗi ngày có hơn 100 người đến đây khám, bốc thuốc, trong đó đa phần là người ngoài địa phương. Khi có lịch thầy Yên bấm huyệt thì rất đông, có cả người nước ngoài. Còn chi phí thì tùy người ta bỏ vô thùng công đức 20.000-50.000 đồng... chỉ đủ mua giấy gói thuốc" - ông Bửu chia sẻ.
Hội quán Hưng An Tự. (Ảnh do Hội Đông y huyện Tánh Linh cung cấp)
Theo anh Đ.V.H (trú huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận), sau khi nghe nhiều nguồn thông tin về khả năng khám chữa bệnh của ông Võ Hoàng Yên, năm 2019, anh H. có đến phòng thuốc để đăng ký chữa bệnh teo cơ chân. Sau nhiều tháng lần mò, nhờ vả, anh H. cũng được ông Yên trực tiếp chữa bệnh.
"Hôm thầy Yên khám thì có rất đông người đến nhưng không phải ai cũng được lựa chọn cho vào. Tôi được thầy bấm huyệt chân khá lâu và dặn dò cách tập hồi phục. Tuy nhiên, bệnh không bớt. Còn về chi phí thì phòng thuốc không lấy tiền, bệnh nhân chỉ góp công đức" - anh H. cho biết.
Cùng ngày, trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Châu Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cái Nước (huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau), thông tin ông Võ Hoàng Yên từng bị ngành chức năng huyện này xử phạt 3 lần về hành vi "khám chữa bệnh và cung cấp dịch vụ y tế không phép".
Theo lời ông Hùng, ông Yên sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn; phải ở nhờ nhà dân hoặc nhà chùa để đi học, sau đó đi đâu không rõ. Thời gian sau, ông Yên trở về địa phương lập gia đình tại ấp Cái Nước (thị trấn Cái Nước) và tổ chức trị bệnh cho người dân. Khi được hỏi về việc ông Yên có trị hết các bệnh câm, điếc... hay không, ông Hùng cho hay "thực tế là không hết".
Ông Yên có người cháu vợ bị dị tật bẩm sinh nhưng trị cũng không hết. Theo lời một số người dân ở thị trấn Cái Nước, ông Yên rất ít khi trở về địa phương, cha vợ của ông Yên có đất nuôi tôm nhưng sau nhiều lần thất bại nay đã nghỉ. Đa phần người thân đã rời khỏi quê hương theo ông Yên. Cách đây 3 năm, ông Yên đã hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn tại ấp Cái Nước.