Hiện trên thế giới có khoảng 35 triệu người đang nhiễm loại virus này. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS cho biết họ dự định sử dụng phương pháp chữa trị mới để loại bỏ đại dịch HIV trên phạm vi toàn cầu.
Các chuyên gia của WHO nói rằng mục tiêu này chỉ có thể thực hiện được khi giảm được tốc độ lây nhiễm xuống dưới 1 trong số 1000 người mỗi năm.
Khi xem xét các hồ sơ bệnh án ở Đan Mạch, họ nhận thấy phương pháp “chữa trị để ngăn chặn” đã giúp đưa đại dịch HIV đến gần thời điểm được thanh toán hoàn toàn.
Nghiên cứu này chỉ ra vào năm 2013 Đan Mạch chỉ có 1,4 ca nhiễm HIV mới trong 1000 người, và đa phần họ nằm trong nhóm những người đồng tính nam có quan hệ tình dục không an toàn với nhau – nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao nhất ở nước này.
Giáo sư Sally Blower, tác giả của nghiên cứu và là giám đốc Trung tâm Mô hình hóa công nghệ sinh học, cho biết: “Đan Mạch đã làm được điều mà không một nước nào trên thế giới làm được. Họ đã gần như loại bỏ được đại dịch HIV ở nước mình, và làm điều đó chỉ nhờ vào việc cung cấp các biện pháp chữa trị nghiêm túc”.
Tuy nhiên, các chương trình điều trị ở Đan Mạch cũng hết sức đặc biệt.
Justin Okano, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết: “Việc điều trị giúp mọi người ít bị lây nhiễm hơn. Ở Đan Mạch, 98% bệnh nhân đều uống thuốc điều trị HIV đầy đủ, đó là lý do khiến việc điều trị phát huy tác dụng. Không may là ở các nước khác, tỉ lệ này lại rất thấp”.
Kết quả này dựa trên một quá trình phân tích dữ liệu thống kê phức tạp từ một dự án được thực hiện liên tục về lượng người nhiễm HIV ở Đan Mạch, bắt đầu từ năm 1995.
Với nghiên cứu nêu trên, các nhà nghiên cứu đã xác định được số lượng những người đồng tính nam ở Đan Mạch có quan hệ tình dục với nhau, và số lượng người bị nhiễm HIV mỗi năm trong giai đoạn từ 1995 đến 2013.
Họ nhận thấy số ca lây nhiễm bắt đầu giảm từ năm 1996, khi các biện pháp chữa trị HIV hữu hiệu được áp dụng ở Đan Mạch.
Sau đó họ đánh giá mối tương quan giữa số lượng các ca nhiễm HIV mỗi năm giảm đi với số lượng những người bắt đầu chữa trị tăng lên, và họ thấy rằng chúng có liên quan mật thiết với nhau.
Tiến sĩ Laurence Palk, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: “Kết quả cho thấy các biện pháp chữa trị để ngăn chặn, dù chậm nhưng ổn định, đã bắt đầu có tác dụng trong việc thanh toán đại dịch HIV ở Đan Mạch”.
Theo tính toán của các nhà nghiên cứu, đến năm 2013 khi đại dịch sắp bị loại trừ, chỉ có khoảng 600 người đồng tính nam ở Đan Mạch có quan hệ tình dục với nhau và bị nhiễm HIV nhưng chưa được khám và điều trị.
Palk cho biết: “Giờ đây khi con số đã rất thấp, sẽ rất dễ để thực hiện một chiến dịch truyền thông xã hội để thuyết phục những bệnh nhân này đi khám. Nếu họ chấp nhận điều trị, thì đại dịch sẽ được thanh toán”.
Thành công của Đan Mạch có nhiều nguyên nhân, trong đó gồm cả hệ thống y tế tổng thể ở nước này và chính sách chữa trị miễn phí cho những người bị nhiễm HIV.
Các chuyên gia cho rằng để phương pháp “chữa trị để ngăn chặn” có thể quét sạch virus HIV trên toàn thế giới thì mọi quốc gia cần phải học tập các chương trình điều trị của Đan Mạch.
“Thậm chí ở những nước giàu, việc này cũng đòi hỏi rất nhiều công sức và tiền của. Mục tiêu loại trừ HIV chỉ bằng việc chữa trị nghiêm túc có vẻ đầy tham vọng, nhưng Đan Mạch đã cho chúng ta thấy – ít nhất ở những nước giàu có – điều đó có thể thực hiện được”.