Mới đây, đoạn clip ngắn ghi lại cảnh một nhân viên y tế đang thực hiện kỹ thuật vỗ rung long đờm cho em bé sơ sinh đã làm nổ ra một cuộc tranh cãi của cư dân mạng. Trong đoạn clip em bé sơ sinh được đặt nằm úp dưới giường, người này lấy bàn tay vỗ rất mạnh, tốc độ cực nhanh vào lưng em bé làm phát ra những tiếng kêu "bồm bộp" còn em bé thì khóc lớn. 

Người mẹ của bé đứng bên quay lại cảnh vỗ rung long đờm, theo lời của người mẹ, chị quay lại để về cho bố bé học theo vì bố bé cũng từng học ngành Y. Tuy nhiên, người thực hiện khẳng định: "Không cần phải quay, nếu cái này chỉ nhìn một lần thì bố không làm được ở nhà đâu". Vừa nói, nhân viên y tế vừa tiếp tục vỗ mạnh vào lưng em bé. 

Cư dân mạng tranh cãi kịch liệt vì đoạn clip vỗ rung long đờm cho trẻ sơ sinh.

Đoạn clip đã khiến nhiều cư dân mạng, đặc biệt là các mẹ bỉm sữa bức xúc vì cho rằng người thực hiện đã vỗ sai kỹ thuật, vỗ quá mạnh làm em bé bị đau. Không ít người cho rằng cách vỗ này không những không có tác dụng long đờm mà còn có nguy cơ gây hại cho sức khỏe của bé. Thậm chí nhiều mẹ còn khẳng định nếu họ là người mẹ trong đoạn clip thì nhất định sẽ không để cho nhân viên y tế vỗ lưng con mạnh như vậy.

Dẫu vậy, một số cư dân mạng khác thì lại cho rằng cách vỗ rung long đờm trong đoạn clip là đúng, người thực hiện đã khum tay để vỗ thì mới tạo tiếng kêu "bồm bộp" và em bé cũng không bị đau như mọi người nghĩ.

Vậy vỗ rung long đờm là gì và vỗ như thế nào mới là đúng? 

Vỗ rung long đờm là phương pháp vật lý, hoặc bằng tay của kỹ thuật viên, hoặc bằng dụng cụ, hoặc cả hai để giúp cải thiện hiệu quả của hô hấp, giúp phổi giãn nở tốt hơn, tăng cường sức cơ hô hấp, và đào thải, bài trừ các chất tiết, đờm nhớt ra khỏi đường hô hấp.

Vỗ rung long đờm dựa vào tính chất vật lý của chất khí để làm thay đổi áp suất trong đường dẫn khí, theo nhịp thở của trẻ để làm long đờm nhớt, thông thoáng đường thở. 

Phương pháp này được áp dụng trong một số bệnh lý về đường hô hấp như: Viêm nghẹt mũi; Viêm tiểu phế quản; Viêm xẹp thùy phổi; Các bệnh lý về đường hô hấp khiến trẻ bị ứ đọng đờm nhớt, làm tắc nghẽn đường hô hấp; Các bệnh mãn tính gây ứ đọng đờm nhớt như bại não, bệnh thần kinh – cơ, một số bệnh hô hấp mãn tính,... Xẹp phổi do ứ đọng đàm nhớt; Sau phẫu thuật đặc biệt là phẫu thuật lồng ngực.  

Phương pháp này giúp đường thở được thông thoáng khiến trẻ thở dễ dàng hơn, giảm khò khè và giảm nôn ói. Đồng thời, phương pháp này giúp giải phóng những đờm nhớt ứ đọng trong khí quản, phế quản, khiến sẽ dễ chịu hơn và bú mẹ, ăn sẽ tốt hơn.

Clip bác sĩ Trung tâm Sản Nhi Phú Thọ hướng dẫn vỗ rung long đờm đúng cách.

Cách vỗ rung long đờm cho trẻ

Thời điểm vỗ rung long đờm cho trẻ: Tốt nhất là buổi sáng sớm khi trẻ ngủ dậy, sau một đêm dài ngủ lượng đờm ứ đọng sẽ nhiều hơn. Phương pháp này cũng dùng cho trẻ sau khi khí dung. Không nên vỗ rung khi trẻ vừa ăn xong, vì có thể khiến bé nôn.

Tư thế vỗ rung long đờm: Trẻ có thể nằm nghiêng một bên, hoặc ngồi cúi đầu về phía trước, hoặc tư thế mẹ bế vác trẻ. Các tư thế này khiến dẫn lưu đờm tốt hơn.

Xác định vị trí vỗ: Vỗ từ vùng phổi trẻ, vỗ từ dưới vỗ lên nhằm mục đích dẫn lưu đờm từ dưới lên miệng, họng. Các mẹ có thể ước lượng vùng phổi của trẻ từ ngang lưng trở lên.

Kỹ thuật vỗ rung long đờm:

- Tư thế tay: Tay khum lại tạo thành một khoảng trống không khí thì khi vỗ trẻ sẽ không đau, không để bàn tay thẳng vỗ vì sẽ khiến trẻ đau.

- Dùng lực cổ tay vỗ rung cho trẻ tạo thành tiếng "bộp, bộp", cảm giác lồng ngực của trẻ sẽ rung lên từng nhịp theo nhịp vỗ tay, làm đúng kỹ thuật trẻ sẽ không hề đau mà còn cảm giác thoải mái, thích thú. Lưu ý không dùng lực cánh tay để vỗ rung cho trẻ vì sẽ làm trẻ đau.

- Mỗi lần vỗ rung làm 10-15 phút. Sau khi vỗ rung có thể trẻ sẽ ho nhiều, nôn ra đờm, cần lưu ý quan sát tính chất đờm trắng loãng hay xanh, vàng đặc để báo cho bác sĩ.

Lưu ý, kỹ thuật này chỉ áp dụng khi trẻ ho có đờm, không áp dụng với những trẻ ho khan.