Tại Mỹ, các nhà kinh tế cho biết ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy lạm phát cao đang thúc đẩy nhiều người – bao gồm cả những người đã về hưu, quay trở lại thị trường lao động.
Nhìn chung, xu hướng này có thể là một tin tốt cho nền kinh tế, vì lực lượng lao động được mở rộng sẽ thúc đẩy triển vọng tăng trưởng và giúp giảm bớt tình trạng thiếu hụt nhân sự khiến lương tăng và tạo thêm áp lực giá cả. Tuy nhiên, đối với nhiều người, bao gồm cả những người sống nhờ lương hưu hoặc số tiền tiết kiệm không nhiều, thì giá cả tăng là một điều khiến họ chán nản và buộc họ phải quay trở lại thị trường việc làm.
Joseph Brusuelas – nhà kinh tế trưởng tại RSM US LLP., cho biết: "Chúng ta đang bắt đầu chứng kiến sự dịch chuyển của nhóm người lớn tuổi vốn mong muốn được sống nhờ thu nhập cố định trong môi trường lãi suất và lạm phát thấp. Điều này đã không thành hiện thực. Do đó, họ phải quay trở lại làm việc để có tiền trang trải cho giai đoạn nghỉ hưu".
Ông nói thêm: "Thực sự những gì bạn đang đối mặt đó là cú sốc lạm phát, từ đó dẫn đến những thay đổi trong hành vi".
Tỷ lệ lao động từ 55 tuổi trở lên tại Mỹ.
Theo Bộ Lao động Mỹ, tỷ lệ người trên 55 tuổi đang làm việc hoặc tìm việc đã tăng từ 38,4% vào tháng 10 lên 38,9% vào tháng 3. Trong 6 tháng qua, hơn 480.000 trong độ tuổi này đã tham gia lực lượng lao động, dựa theo đường trung bình động 3 tháng. Theo đó, số người tham gia lực lượng lao động trong 6 tháng cao hơn 180.000 so với thời điểm trước khi đại dịch xảy ra.
Thị trường việc làm tại Mỹ đã có sự thay đổi đối với người lao động ở mọi lứa tuổi trong 6 tháng qua, khi mức trung bình trong 3 tháng đối với cả thị trường tăng lên 2,5 triệu. Theo đó, tỷ lệ người tham gia lực lượng lao động trên cả nước Mỹ là từ 61,7% trong tháng 10 lên 62,4% trong tháng 3.
Các nhà phân tích cho biết, một số yếu tố đang thúc đẩy ngày càng nhiều người ở mọi lứa tuổi ra khỏi nhà và tìm kiếm việc làm: tỷ lệ tiêm chủng cao, trường học và trung tâm trông trẻ mở cửa trở lại, nhiều cơ hội làm việc từ xa và linh hoạt hơn, gói hỗ trợ của chính phủ trong thời kỳ đại dịch đã kết thúc và lương đang tăng.
Tuy nhiên, họ cũng nói rằng, yếu tố quan trọng khác đứng sau sự thay đổi của lực lượng lao động trong thời gian gần đây đó là lạm phát tăng cao, lên gần 8% trong tháng 2 so với mức hơn 5% vào mùa hè năm ngoái. Số liệu lạm phát tháng 3 sẽ được Bộ Lao động Mỹ công bố vào tối ngày 12/4.
Theo ước tính từ nhà kinh tế cấp cao Miguel Faria-e-Castro đến từ Fed St. Louis, Mỹ có khoảng 2,6 triệu người nghỉ hưu sớm hơn dự kiến trong khoảng thời gian từ tháng 2/2020 đến tháng 10/2021. Hiện tại, nhiều người đang quay trở lại làm việc với số lượng lớn chưa từng thấy kể từ tháng 3/2020, theo trang web tìm việc Indeed.
Một số người trong đó cho biết tình trạng giá cả tăng mạnh là động lực mạnh mẽ thúc đẩy những người lớn tuổi hoãn lại việc nghỉ hưu hoặc quyết định không nghỉ hưu nữa.
Cựu luật sư Lisa Purcell (57 tuổi) đã nghỉ hưu vì lý do sức khỏe trong hơn 2 thập kỷ qua. Dù lo ngại về việc có thể bị nhiễm Covid-19, nhưng bà cho biết vẫn đang cân nhắc tìm việc vì lạm phát gia tăng. Bà chia sẻ, cả bà và chồng (53 tuổi) là kỹ sư ngành năng lượng đã nghỉ hưu, có khả năng tài chính khá hạn chế cho đến khi bà đủ điều kiện nhận được quyền lợi từ gói An sinh Xã hội.
Tham khảo WSJ