Vợ Ba (The Third Wife) có lẽ đã là một tác phẩm điện ảnh vừa nghệ thuật, vừa mỹ thuật đã bị dừng chiếu ngoài rạp một cách đáng tiếc. Với dàn diễn viên nữ hùng hậu và đa dạng về phong cách diễn xuất và thể hiện, Vợ Ba là một khúc ca với đầy đủ cung bậc cảm xúc và mãn nhãn về diễn xuất dành cho khán giả.
Các nhân vật nữ trong phim, tuy mỗi người đều có phong cách diễn xuất riêng, nhưng tất cả đều thể hiện rất đồng đều. Tất cả các nhân vật, ai cũng cực kỳ kiệm lời và đều ăn nói nhỏ nhẹ, thướt tha, như thốt ra hoa ra ngọc. Không ai bị lạc quẻ khỏi cách diễn xuất chung và từ đó tạo nên một bức tranh màu nước về cuộc sống của người phụ nữ thuở phong kiến.
Bà Lao - NSND Như Quỳnh: Người phụ nữ nhẹ nhàng và đáng tin cậy
Là người phụ nữ có thâm niên sống trong gia đình nhất trong dàn nhân vật, và cũng là người có kinh nghiệm nhất trong dàn diễn viên, NSND Như Quỳnh vào vai Bà Lao dịu dàng, an phận nhưng cũng cực kỳ hiểu chuyện trong nhà chủ. NSND Như Quỳnh đóng phim từ năm 1973, trong dự án Bài Ca Ra Trận của đạo diễn Trần Đắc. Đến nay, bà đã có trong tay kinh nghiệm đóng qua 46 bộ phim cả điện ảnh lẫn truyền hình. Lối diễn của bà cực kỳ phù hợp để vào vai những người phụ nữ thuộc thế hệ cũ vừa có chút dịu dàng nhưng bên cạnh đó vẫn là sự trầm tĩnh của người từng trải quá nhiều trong cuộc sống.
Nhân vật bà Lao trong phim của NSND Như Quỳnh
Diễn xuất của bà Lao trong Vợ Ba là sự an phận, nhún nhường nhưng phảng phất tính tò mò, hay đưa chuyện đặc trưng của những người giúp việc trong nhà. Bà Lao đối với Mây, cô dâu mới giống như một người mẹ, người bạn đầu tiên ở nhà mới. Cả hai trò chuyện, dành thời gian với nhau khi bà Lao dạy cho Mây mọi thứ trong gia đình từ những chuyện "gossip" cho tới tính cách các thành viên khác. Nhân vật bà giúp việc này xuất hiện nhẹ nhàng, nhưng lại khiến chúng ta dễ tin tưởng và gần gũi. Bà Lao giống hiện thân của chính đạo diễn, từng bước dẫn dắt khán giả vào mạch phim.
Chị Hà - Trần Nữ Yên Khê: Bông hoa kiêu sa, mặn mà đầy bí ẩn
Là vợ cả trong gia đình, lại còn sinh được một cậu con trai, mợ Hà có lẽ là người phụ nữ quyền lực nhất. Bà quán xuyến mọi việc chi tiêu trong nhà, đồng thời giám sát luôn cả những chuyện bếp núc, chăn nuôi làm kinh tế thêm của cả gia đình. Cách thể hiện của Trần Nữ Yên Khê rất nhẹ nhàng, nhưng vẫn dữ dội và lấn át các bà vợ lẽ để cho thấy một người thực sự nắm trong tay chìa khóa hòm tiền của gia đình. Khi mợ hai, Xuân xin phép được dùng tiền bán con bê mới sinh để mua sắm chút lễ phục cho hai cô con gái, mợ Hà chỉ mỉm cười nhẹ và nói rằng sẽ mua cho cậu con cả một... con ngựa. Chỉ nhiêu đó thôi, nhưng đã là quá đủ để bà vợ hai biết thân biết phận và tự hiểu lấy câu trả lời.
Chị Hà dịu dàng nhưng đầy quyền uy trong gia đình.
Trần Nữ Yên Khê từ lâu đã là nàng thơ của chồng mình, đạo diễn Trần Anh Hùng - người luôn đi tìm giá trị duy mỹ trong mọi tác phẩm điện ảnh của ông. Để được trở thành nàng thơ của một người đàn ông như thế, có lẽ bạn cũng hình dung được phần nào dung nhan của Trần Nữ Yên Khê. Ở đây là dung nhan trên màn ảnh. Mỗi khi bà xuất hiện, vẻ đẹp điện ảnh đồng thời đậm chất Á Đông của Yên Khê như tỏa sáng nhờ lối diễn vừa dịu dàng, tiết chế nhưng cũng đằm thắm.
Trần Nữ Yên Khê trong Mùi Đu Đủ Xanh.
Đây cũng là phim được đề cử tại hạng mục Phim nước ngoài Oscar của Trần Anh Hùng, trở thành phim Việt đầu tiên được đề cử tại Oscar danh giá
Nhưng khi sang "Vợ Ba" mới thực sự chín muồi.
Nếu theo dõi nhiều phim của đạo diễn Trần Anh Hùng, bạn có thể sẽ nhận ra nét chuyển biến về diễn xuất rất nhẹ nhàng nhưng rõ rệt của Yên Khê qua từng phim và đỉnh cao sẽ là Vợ Ba. Yên Khê nhút nhát, e lệ trong Mùi Đu Đủ Xanh sang đến Xích Lô lại mạnh dạn, dữ dội hơn hẳn. Khi hóa thân vào mợ Hà trong Vợ Ba, Trần Nữ Yên Khê lại trở nên quyền lực, quý phái và kiêu kỳ nhưng lẩn khuất đâu đó vẫn là những thèm khát, ham muốn rất đàn bà.
Một điều đặc biệt ẩn đằng sau người phụ nữ có dáng hình mỏng manh này là ngoài tham gia diễn xuất trong các tác phẩm của chồng - đạo diễn Trần Anh Hùng... cô còn tham gia thiết kế mỹ thuật và phục trang cho một số bộ phim, đáng chú ý có Rừng Na Uy và là họa sĩ thiết kế cho phim Vĩnh Cửu ra mắt hồi 2016. Trần Nữ Yên Khê đã từng được đề cử hạng mục "Họa sĩ thiết kế xuất sắc" tại Giải thưởng điện ảnh châu Á năm 2015 tại Hong Kong.
Mợ Xuân - Maya: Nét sắc sảo, gợi cảm ẩn bên dưới vỏ bọc hiền lành, nết na
Maya luôn là một diễn viên thể hiện những vai diễn sắc sảo rất tốt, có lẽ nhờ bản chất cô vốn thông minh và nhạy bén trong cách ăn nói. Trong Scandal: Bí Mật Thảm Đỏ ra mắt năm 2012 của đạo diễn Victor Vũ, câu nói "Chúc Mừng Mày" của Maya trong phim vừa đay nghiến, lạnh lẽo đã gây ấn tượng với khán giả tới mức nó trở thành một câu nói "thời thượng" của giới trẻ vào thời điểm ấy.
Hai câu đay nghiến từng rất hot của Maya.
Bẵng đi một thời gian, cô trở lại với Xóm Trọ 3D và người xem có thể thấy người diễn viên khi đóng một vai không hợp sẽ trở nên vụng về như thế nào khi xem Maya thể hiện trong phim. Cô nàng diễn xuất đơn điệu, đơ cứng và không hề có chút ấn tượng. Ở Vợ Ba thì lại khác, Maya như cá gặp nước, tha hồ tỏa ra khí chất sắc bén nhưng vô cùng đàn bà. Mợ Xuân dường như dẫn đầu diễn xuất trong cả dàn nhân vật bằng sự dịu dàng, biết quan tâm và vô cùng an phận, nhưng chỉ ở vẻ bên ngoài thôi. Ở bên trong, mợ vẫn sắc sảo, đằm thắm và quyến rũ. Một người phụ nữ vẻ ngoài ôn nhu, nhưng lại dữ dội và tự chủ trên giường, ai mà không mê?
Maya rất quyến rũ trong "Vợ Ba".
Song song với đó vẫn là nét diễn xuất tinh tế nhưng sắc bén của Maya. Mợ Xuân nhận ra mọi điều xung quanh qua những câu nói hớ hênh của mỗi người trong nhà. Bà Lao chỉ cần nhắc hôm nay mợ Hà không thắp hương được, Xuân đã hiểu ngay rằng bà vợ cả lại có bầu và nhanh chóng gửi lời chúc mừng đến "người chị" (Dĩ nhiên là không phải nói "Chúc Mừng Mày" như trong Scandal). Mợ Xuân chính là người biết cách sống, thao túng người khác và... giả ngơ giỏi nhất phim.
Chỉ qua một câu nói, Xuân đã hiểu ngay vấn đề và gửi lời chúc mừng đến người chị.
Mây - Nguyễn Phương Trà My: Ngây thơ, e dè, phá cách và đẹp
Mọi thứ vẫn phải xoay quanh nhân vật chính, cô bé Mây - vợ ba vừa mới về. Diễn xuất của Trà My trong Vợ Ba vẫn còn non nớt nhưng chính như vậy lại làm nên một nhân vật Mây hoàn hảo. Cô bé tròn xoe mắt và đặt câu hỏi về mọi thứ trong gia đình. Làm việc gì cũng gây ra lí do cho bà vợ cả bắt bẻ. Sự ngây ngô đầu phim đó khiến người xem phải chú ý đến nhân vật Mây, theo chân cô bé qua từng bước trưởng thành của một người phụ nữ ở một lứa tuổi còn quá ngây thơ. Đối mặt với những bất công trong cuộc sống, khi cô nhận ra cuộc sống của mình đang bế tắc và túng quẫn đến mức nào, để rồi khi cô đi đến quyết định cuối cùng trong phim, khán giả sẽ càng bị thuyết phục hơn.
Mây/Trà My ngây ngô và e dè.
Nhân vật Mây trong Vợ Ba có thể được xem là một trong những vai diễn đầu tay của Trà My, nhưng nhìn chung cô bé đã thể hiện khá xuất sắc và vào vai một cách tự nhiên, gọn gàng. Ở Trà My không có nét diễn căng đét, quá lố như các diễn viên nhí cùng tuổi. My hiểu và cảm nhận nhân vật của mình một cách chân thành chứ không phải chỉ biết diễn lố.
Nhàn, Liên - Lâm Thanh Mỹ, Mai Cát Vi: Đầy kinh nghiệm vẫn ngây thơ
Trong dàn diễn viên thì Lâm Thanh Mỹ và Mai Cát Vi tuy là hai cô bé diễn viên nhí nhưng lại đầy kinh nghiệm diễn xuất không thua gì người lớn. Cả hai cô bé đều góp mặt trong khá nhiều tác phẩm điện ảnh thành công. Lâm Thanh Mỹ được khán giả biết đến qua vai diễn "cô bé kinh dị" trong Đoạt Hồn (2014), đến Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh (2015) thì khán giả hoàn toàn bị thuyết phục bởi tài năng của em. Nét diễn xuất ngây thơ, tươi tắn và đáng yêu của cô bé luôn làm người xem có cảm giác yên lòng và có thiện cảm.
Mai Cát Vi
Lâm Thanh Mỹ trong "Vợ Ba".
Mai Cát Vi thì chọn cho mình những kinh nghiệm gai góc hơn. Em xuất hiện trong Song Lang (2018), Mặt Trời Con Ở Đâu (2018) nhưng mãi đến Hai Phượng (2019) mới thực sự tỏa sáng trên màn ảnh rộng. Diễn xuất của cô bé khi vào vai một đứa trẻ bị bắt cóc tuy còn hơi gượng, nhưng đối với một đứa trẻ thì như vậy là cực kì nỗ lực và đã thuyết phục được người xem rồi.
Hai chị em Nhàn (Mai Cát Vi) - Liên (Lâm Thanh Mỹ) trong Vợ Ba chính là sự đối nghịch và là tương lai của những người phụ nữ trong phim. Nếu Liên là chị lớn, đã hiểu chuyện và yên phận hơn với cuộc hôn nhân đã được định sẵn, thì Nhàn lại là cô em nổi loạn, luôn chiến đấu cho sự tin tưởng của mình. Cô bé thương một... con bò, vì già mà bị giết chết nên đã biết "biểu tình" phản đối bằng cách bị phạt quỳ gối nhưng nhất quyết nhịn ăn. Em cầu trời cho mình lớn lên được trở thành... con trai. Một suy nghĩ ngây thơ nhưng đã thể hiện quan điểm rất rõ ràng của một cô bé cứng đầu nhưng cá tính, mạnh mẽ.
Nhàn của Mai Cát Vi chính là người "chiến sĩ" chống lại lối sống phong kiến.
Vợ Ba là bức tranh tổng hòa diễn xuất của tất cả nhân vật kể trên. Như đã nói, mỗi người một vẻ và đều có những phong cách diễn xuất khác nhau nhưng đều được thống nhất, liên kết lại rất tài tình bởi khả năng điều chỉnh của đạo diễn Ash Mayfair. Để cuối cùng, Vợ Ba truyền tải một kí ức về cuộc đời uẫn ức của người phụ nữ thời phong kiến, nhưng lại như một bức tranh hài hòa diễn xuất của sáu người diễn viên kể trên.