Dân số ngày càng giảm của Trung Quốc có thể trở thành khủng hoảng toàn cầu? - Ảnh 1.

Số ca sinh mới ở Trung Quốc giảm 5,7% xuống 9,02 triệu vào năm 2023. Ảnh: AFP

Dân số Trung Quốc suy giảm đến mức nào?

Theo Cục Thống kê Quốc gia, dân số Trung Quốc đã giảm 2,08 triệu, đứng ở mức 1,41 tỷ người vào năm 2023. Trong khi đó, con số này ở Ấn Độ là 1,43 tỷ người.

Mức giảm này thậm chí còn mạnh hơn mức giảm 850.000 của năm trước. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 1961, Trung Quốc chứng kiến dân số suy giảm.

Sau đó, các nhà nhân khẩu học cho biết điều này không có gì đáng ngạc nhiên, khi tỷ lệ sinh của Trung Quốc giảm dần kể từ những năm 1990 và thuộc hàng thấp nhất thế giới. Theo ước tính, tỷ lệ sinh đã giảm xuống mức kỷ lục 1,09/phụ nữ vào năm 2022.

Các nhà quan sát cho rằng sự sụt giảm dân số mới nhất của Trung Quốc là do làn sóng tử vong do đại dịch vào đầu năm 2023, sau khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đột ngột dỡ bỏ chế độ không COVID nghiêm ngặt.

Năm ngoái, tổng số ca tử vong ở quốc gia này tăng 6,6% lên 11,1 triệu người, tỷ lệ tử vong đạt mức cao nhất kể từ năm 1974 trong Cách mạng Văn hóa.

Trong khi đó, số ca sinh mới giảm 5,7% xuống còn 9,02 triệu người vào năm 2023.

Dân số ngày càng giảm của Trung Quốc có thể trở thành khủng hoảng toàn cầu? - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ: AFP

Tỷ lệ sinh ở Trung Quốc đã giảm trong nhiều thập kỷ do sự kết hợp của quá trình đô thị hóa nhanh chóng và chính sách một con hà khắc được áp dụng từ năm 1980 đến năm 2015.

Số ca sinh đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 6,39/1.000 người vào năm 2023, giảm so với mức 6,77 của năm trước. Con số này có thể so sánh với các nước Đông Á tiên tiến như Nhật Bản là 6,3 ca sinh/1.000 người và Hàn Quốc là 4,9 ca sinh/1.000 người.

Tiến sĩ Zhao Litao, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Đông Á tại Đại học Quốc gia Singapore, nhận định Trung Quốc đang theo bước các xã hội này.

Tình trạng dân số giảm ở nước này cũng được thúc đẩy bởi các yếu tố nhân khẩu xã hội lâu dài, bao gồm kết hôn muộn, tình trạng độc thân gia tăng, lối sống, giá trị thay đổi cũng như chi phí chăm sóc trẻ em, giáo dục và nhà ở cao.

Ở Trung Quốc, chi phí trung bình để nuôi một đứa trẻ đến 18 tuổi là 485.000 nhân dân tệ vào năm 2019. Theo Viện nghiên cứu dân số YuWa có trụ sở tại Bắc Kinh, con số này cao gần gấp 7 lần tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của đất nước và cao hơn nhiều so với các nơi khác bao gồm Mỹ và Nhật Bản.

Các nhà quan sát cho biết nhiều người Trung Quốc cũng đã chọn cách từ bỏ vai trò làm cha mẹ khi họ tiếp tục phải đối mặt với những bất ổn trong công việc và mức lương thấp.

Hệ quả đối với Trung Quốc

Dân số ngày càng giảm của Trung Quốc có thể trở thành khủng hoảng toàn cầu? - Ảnh 3.

Trẻ em Trung Quốc. Ảnh: AFP

Dân số giảm làm gia tăng các vấn đề về nhân khẩu học mà Trung Quốc đang phải giải quyết – từ lực lượng lao động suy giảm đến xã hội già hóa.

Các chuyên gia cho rằng điều này khiến quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch của Trung Quốc càng trở nên khó khăn hơn, khi nước này phải đối mặt với tình trạng suy thoái tài sản kéo dài, niềm tin của người tiêu dùng suy yếu và tình trạng thất nghiệp của giới trẻ tăng.

Nhà khoa học cấp cao Yi Fuxian của Đại học Wisconsin-Madison nhận định: “Cuộc khủng hoảng nhân khẩu học này nằm ngoài sức tưởng tượng của giới chức Trung Quốc và cộng đồng quốc tế, đồng thời triển vọng kinh tế của Trung Quốc ảm đạm hơn dự kiến. Suy thoái kinh tế hiện nay của Trung Quốc không phải theo chu kỳ mà mang tính cơ cấu không thể đảo ngược, và nền kinh tế Trung Quốc khó có thể vượt Mỹ”.

Theo ông Yi, Trung Quốc sẽ phải tiến hành thu hẹp chiến lược, tập trung giải quyết các vấn đề kinh tế trong nước và khủng hoảng nhân khẩu học, đồng thời cải thiện quan hệ với phương Tây.

Thêm vào đó là áp lực to lớn đối với thế hệ trẻ trong việc hỗ trợ dân số già, khi có ít người hơn chăm sóc nhiều người già hơn. Chi tiêu cho chăm sóc sức khoẻ và chăm sóc người cao tuổi cũng sẽ tăng lên khi mọi người sống lâu hơn.

Số dân từ 60 tuổi trở lên của Trung Quốc đang ở mốc 297 triệu người - chiếm 1/5 (21,1%) tổng dân số - vào năm 2023, tăng so với 280 triệu của năm trước. Con số này dự kiến sẽ tăng lên hơn 500 triệu người vào năm 2050.

Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cảnh báo hệ thống lương hưu sẽ cạn kiệt ngân sách vào năm 2035.

Tiến sĩ Zhao lập luận: “Về mặt xã hội, Trung Quốc vẫn chưa đáp ứng đầy đủ và chất lượng các nhu cầu về dịch vụ, tình trạng thiếu nhân viên chăm sóc người cao tuổi, củng cố hệ thống lương hưu và chăm sóc sức khỏe cũng như giải quyết tình trạng thất nghiệp cơ cấu”.

Tác động đến thế giới

Dân số ngày càng giảm của Trung Quốc có thể trở thành khủng hoảng toàn cầu? - Ảnh 4.

Người dân tham quan Tử Cấm Thành tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 1/10/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Sự thay đổi nhân khẩu học của Trung Quốc cũng có thể tác động sâu sắc đến phần còn lại của thế giới, vì nền kinh tế đang chậm lại của nước này có thể ngăn cản tăng trưởng toàn cầu.

“Với dân số giảm, lượng khách du lịch ra nước ngoài của Trung Quốc có thể sẽ giảm. Thị trường Trung Quốc cuối cùng có thể trở nên ít nổi bật hơn đối với hàng hóa và sản phẩm quốc tế”, ông Zhao nói.

Hơn nữa, ông cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc cũng sẽ phải cân nhắc những thay đổi do dân số giảm, chẳng hạn khả năng thiếu lao động, nhu cầu đối với một số loại hàng hóa, dịch vụ sụt giảm.

Các nhà quan sát cho rằng việc mất nguồn nhân lực có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến một số ngành sử dụng nhiều lao động ở Trung Quốc hơn các ngành khác, như sản xuất và xây dựng.

Mặt khác, khi chi phí lao động của Trung Quốc có khả năng tăng lên, các nước láng giềng như Ấn Độ với dân số trẻ hơn và nhân công rẻ hơn có thể được hưởng lợi.

Tiến sĩ Xiujian Peng, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách của Đại học Victoria bình luận: “Trong trường hợp đó, chúng ta sẽ chứng kiến, và điều này đã xảy ra với Trung Quốc, rất nhiều nhà máy sản xuất sử dụng nhiều lao động và có lợi nhuận thấp sẽ chuyển sang Ấn Độ và cả các nước có lao động rẻ hơn”.

Nỗ lực của Trung Quốc

Dân số ngày càng giảm của Trung Quốc có thể trở thành khủng hoảng toàn cầu? - Ảnh 5.

Người phụ nữ và một đứa trẻ ngồi trong công viên ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Trung Quốc từ lâu đã tăng cường nỗ lực ngăn chặn tỷ lệ sinh đang giảm mạnh và khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con.

Năm 2016, nước này đã nới lỏng chính sách một con gây tranh cãi, cho phép mỗi cặp vợ chồng sinh hai con. Đến năm 2021, mỗi cặp vợ chồng ở nước này được phép sinh ba con.

Trung Quốc cũng đưa ra một loạt sáng kiến và trợ cấp thân thiện với trẻ em - bao gồm thời gian nghỉ thai sản dài hơn, trừ thuế, trợ cấp tiền cho trẻ em, xây thêm nhiều cơ sở chăm sóc trẻ cũng như cân bằng giữa công việc và cuộc sống tốt hơn.

Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc sẽ “thiết lập hệ thống chính sách để tăng tỷ lệ sinh và theo đuổi chiến lược quốc gia chủ động nhằm ứng phó với tình trạng già hóa dân số”.

Tuy nhiên, các nhà quan sát cho biết những nỗ lực này sẽ mất thời gian và có thể không hiệu quả.

Tiến sĩ Peng cho rằng các biện pháp mà Trung Quốc áp dụng cho đến nay là chưa đủ. Hiện tại, chính phủ đang gặp khó khăn trong việc thay đổi suy nghĩ của thế hệ trẻ. Bà nói thêm rằng nhiều quốc gia khác - bao gồm Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc - đã cố gắng tăng tỷ lệ sinh nhưng không thành công.

Ngoài ra, Tiến sĩ Zhao cho biết các chính sách hỗ trợ sinh sản của Bắc Kinh đã được thực hiện không đồng đều ở các địa phương. Những điều chỉnh này diễn ra quá muộn và quá ít để khôi phục mức sinh của Trung Quốc về mức thay thế. Ông tin rằng sẽ tốt hơn nếu Trung Quốc tập trung thích ứng với thực tế dân số giảm trong ngắn hạn, thay vì sử dụng các biện pháp vội vàng.

“Cho đến nay, các xã hội Đông Á vẫn chưa tìm ra được công thức kỳ diệu nào có thể tăng cường khả năng sinh sản một cách hiệu quả, chưa kể đến khả năng phục hồi trở lại mức sinh thay thế. Nhưng với khả năng phục hồi của các nền văn hóa và xã hội, những gì khiến chúng ta lo ngại ngày nay có thể không phải là rắc rối của chúng ta trong tương lai, nếu các giá trị xã hội thay đổi theo hướng ủng hộ mức sinh cao hơn”, Tiến sĩ Zhao nói thêm.