Tuyển sinh bằng các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế là phương thức được nhiều trường Đại học lớn trên thế giới sử dụng. Ở nước ta, từ năm 2018, rất nhiều trường đại học ở Việt Nam cũng đã bổ sung phương thức này trong quy chế tuyển sinh, tạo điều kiện giúp các em học giỏi Tiếng Anh có nhiều cơ hội khi xét tuyển vào những trường, ngành học cạnh tranh.
Tuy nhiên, câu hỏi liệu có nên xét tuyển Đại học bằng kết quả các kỳ thi năng lực ngoại ngữ quốc tế (IELTS, TOEFL, SAT,..) vẫn luôn nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Người cho rằng phương thức xét tuyển này có thể sẽ thúc đẩy phong trào học tiếng Anh. Tuy nhiên điều này vô hình chung tạo ra sự bất bình đẳng với học sinh vùng nông thôn hay vùng sâu vùng xa.
Nếu tỉ lệ xét tuyển dựa trên các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tăng cũng có nghĩa cơ hội của những thí sinh không có những chứng chỉ này sẽ bị thu hẹp và đây cũng là một thiệt thòi rất lớn. Bên cạnh đó, một luồng ý kiến khác lại nhận định, việc sử dụng các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế là xu hướng của tất cả các trường đại học trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam.
Mới đây, vấn đề này lại trở thành tâm điểm bàn luận khi trong một chương trình truyền hình, một thí sinh cho rằng, "việc đưa chứng chỉ ngoại ngữ vào xét tuyển đại học là rất thực tiễn, cần thiết cho công tác tuyển dụng sau này. Bởi ông chủ của bạn sẽ thích điều này hơn là điểm 10 Toán, Lý, Hóa, Sinh".
"Đừng thần thánh hóa Ielts"
Quan điểm của thí sinh này nhận về hàng loạt ý kiến trái chiều, trong đó hầu hết đều cho rằng, Ielts là quan trọng và cần thiết, tuy nhiên đặt lên bàn cân để so sánh với Toán, Lý, Hóa, Sinh là điều không nên và không phù hợp.
"Sai bản chất vấn đề. Bản chất Toán, Hóa, Sinh ngoài giúp con người có nền tảng hiểu biết về thế giới, còn giúp người ta tư duy. Còn điểm các môn cao thể hiện sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu trong quá trình học tập. Trong khi Ielts là một chứng chỉ nên có và tiếng Anh là một kỹ năng quan trọng. Nhưng nó không thể hiện quá nhiều việc bạn tư duy có tốt, bạn có đủ cố gắng hay phẩm chất của bạn có phù hợp với công việc hay không", một cư dân mạng bình luận.
Nhiều người cho rằng, ngành cần giao tiếp nhiều với người nước ngoài thì đúng là cần các chứng chỉ quốc tế, chứ chuyên sâu nghiên cứu thì đọc hiểu tài liệu tiếng Anh tốt là đã đạt yêu cầu, đừng nghĩ môn này hơn môn khác vì mỗi ngành nghề cần một thế mạnh riêng không thể cào bằng. "Rất nhiều công ty chẳng quan tâm bạn Ielts bao nhiêu là giao tiếp được, phỏng vấn tốt, chuyên môn tốt vẫn vào làm bình thường, và cũng có rất nhiều người Ielts cao nhưng chuyên môn kém hơn vẫn tạch đó thôi. Đừng nên thần thánh chứng chỉ ngoại ngữ quá".
Tuy nhiên, một số ý kiến chỉ ra, đây chỉ là phần lý lẽ của debater trong trận tranh biện, nên phần nội dung đó chỉ dùng để minh hoạ cho kỹ năng tranh biện, nó không phản ánh quan điểm thực nào cả, do đó có thể chứa đựng những yếu tố gây phản ứng mạnh trái chiều: "Đây là một cuộc thi debate với khuôn khổ và luật lệ của nó, chứ những luận điểm ở trên chưa chắc đã là những gì cá nhân debater quan niệm. Mọi người có thể bàn tán về luận điểm đó nhưng việc công kích cá nhân các bạn thí sinh thì không ổn một chút nào. Học cấp 3 mình giới thiệu tên còn ngại, thực sự rất ngưỡng mộ sự tự tin của các em học sinh này".
Ban tổ chức chương trình cũng lưu ý, đây là trận tranh biện với kiến nghị: Chúng tôi ủng hộ việc xét tuyển Đại học bằng kết quả các kỳ thi năng lực ngoại ngữ quốc tế (IELTS, TOEFL, SAT,..). Mỗi đội sẽ được chọn ngẫu nhiên 1 phe: Ủng hộ và Phản đối. Và thí sinh đang đưa ra luận điểm để giành chiến thắng về cho đội của mình, giống như kiểu được cho đề bài gì, thì mình cũng phải nói về hướng đó cho thuyết phục và hợp lý trong tranh biện. Đây không phải ý kiến cá nhân của bạn nên mong mọi người đừng nói lời cay đắng với các bạn thí sinh.