Chỉ tiêu 5 triệu/tháng

Bảo Ngọc (26 tuổi) là nhân viên văn phòng tại Hà Nội với mức lương 12 triệu/tháng. Với tiền lương này, cô chỉ dành 5 triệu để chi tiêu cho chi phí sinh hoạt, còn lại bao nhiêu cô sẽ để tiết kiệm.

Chi phí sinh hoạt gói gọn trong 5 triệu của cô gồm những khoản sau:

- Tiền thuê nhà: 2 triệu

Về khoản tiền trọ, Bảo Ngọc chọn thuê nhà trọ bình dân để tiết kiệm chi phí. Cô nàng chia sẻ: “Căn phòng mình ở tầng 5 trong khu nhà không có thang máy dẫn đến đi lại bất tiện, phòng nóng vào mùa hè. Phòng không có cửa sổ, sàn để quần áo bị lộ gạch. Những yếu tố bất tiện này lại giúp mình thuê được căn phòng giá rẻ.

Có những bạn quan trọng không gian sống, nên dành nhiều tiền thuê nhà. Còn mình muốn sống tiết kiệm cho khoản chi tiêu này. Bên cạnh đó, mình nghĩ nhà chỉ là nơi nghỉ ngơi một vài tiếng trong ngày nên không cần phải dành quá nhiều tiền lương cho chúng”.

- Tiền mua thực phẩm hàng ngày: 1,5 triệu.

Bảo Ngọc nói thêm, với khoản tiền ăn, cô không tốn nhiều bởi có thể mang đồ ăn từ quê nhà lên, chẳng hạn như rau, thịt, cá.

- Tiền quan hệ (đi đám ma, đám cưới,...): 500 ngàn đồng.

- Tiền mua mỹ phẩm, quần áo, chi phí phát sinh trong tháng: 1 triệu.

Cô nàng cho hay: “Mình ít mua mỹ phẩm vì không quan tâm quá nhiều đến trang điểm hàng ngày. Còn về quần áo hàng ngày, mình chỉ mua vài bộ cơ bản nhưng mặc được trong nhiều dịp và dễ phối đồ. Hàng ngày, mình không phải suy nghĩ nhiều về việc mặc gì đi làm hay hôm nay cần trang điểm ra sao”.

Dân văn phòng Hà Nội chỉ tiêu 5 triệu/ tháng: Leo bộ 5 tầng, phòng trọ không cửa sổ, ăn uống bình dân- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Theo Bảo Ngọc, trước khi sống tiết kiệm thì cô từng có thời gian tiêu xài hoang phí, thường xuyên tiêu hết sạch tiền lương kiếm được. Tuy nhiên, cô cho rằng khi đến “một giai đoạn của cuộc sống” thì bản thân đã ý thức được cần chi tiêu hợp lý, tích lũy tiền bạc cho sau này.

“Với mình tiền tiết kiệm không chỉ để dành cho bản thân mà còn là cho gia đình. Mình không đặt kỳ vọng bản thân sẽ trở nên giàu có từ lối sống tiết kiệm. Tuy nhiên mình muốn khi có trường hợp đen đủi xảy đến, mình có thể phần nào lo được cho bản thân và gia đình”, cô nàng bày tỏ.

Mẹo tiết kiệm trong cuộc sống

Bảo Ngọc chia sẻ, cô nghĩ tiết kiệm tiền không chỉ dành cho người dư dả tài chính. Mà khi có mức thu nhập trung bình, bạn cũng nên nghĩ đến việc sống tiết kiệm.

Bảo Ngọc nghĩ để tiết kiệm thành công thì mọi người cần có mục tiêu tiết kiệm. Sau đó, bạn cần nghiêm túc và kỷ luật để thực hiện nó. Với trường hợp cá nhân, Bảo Ngọc đặt mục tiêu chỉ xài 4-5 triệu/tháng cho chi phí sinh hoạt. Dưới đây là một số mẹo giúp cô hoàn thành mục tiêu này:

- Không mất tiền di chuyển đi làm:

Vì sống cạnh em gái và nhà gần chỗ làm việc, nên cô thường nhờ em chở đến công ty. Cuối tháng, cô chỉ mất khoảng 50 ngàn đồng cho chi phí đi về quê bằng xe máy.

- Tự nấu đồ ăn:

Để tiết kiệm tiền thì Bảo Ngọc duy trì thói quen tự nấu ăn 2-3 bữa ở nhà, hiếm khi ăn hàng quán sang chảnh. Bên cạnh đó, cô cho rằng lợi ích của việc tự nấu ăn tại nhà còn là chuẩn bị được thực phẩm ít chất béo và đầy đủ chất dinh dưỡng.

- Hạn chế đi du lịch:

Sau khi đặt mục tiêu phải sống tiết kiệm thì Bảo Ngọc chỉ đi du lịch tối đa 1-2 lần trong năm. Thay vào đó, cô chuyển sang đi uống cafe trong nội thành, xem phim, hoặc tìm địa điểm vui chơi giá rẻ.

Dân văn phòng Hà Nội chỉ tiêu 5 triệu/ tháng: Leo bộ 5 tầng, phòng trọ không cửa sổ, ăn uống bình dân- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

- Giữ tâm trạng tích cực

Bảo Ngọc cho hay, trước kia nếu gặp căng thẳng cô sẽ giải tỏa bằng mua nhiều đồ ăn. Tuy nhiên, về lâu dài cô nhận thấy đây không phải cách hiệu quả và triệt để giải quyết các vấn đề tinh thần. Do đó, cô đã bắt buộc bản thân phải từ bỏ thói quen xấu này.

“Tương tự như mình giải tỏa căng thẳng bằng mua đồ ăn, có bạn lại giảm stress bằng cách mua sắm, đi du lịch,... Tuy nhiên, chúng có thể gây lãng phí và chỉ làm giảm cơn buồn của chúng ta ở bề nổi”, cô nàng nói thêm.

Nói về dự định tương lai, Bảo Ngọc cho biết cô muốn gia tăng thu nhập, song song với duy trì lối sống tiết kiệm. Cô nhận định, mỗi người có cuộc sống và hoàn cảnh khác nhau nên không phải ai cũng phù hợp với duy trì tiết kiệm khắt khe.

“Nếu có thể cân bằng giữa việc tiết kiệm tiền và chi tiêu thì bạn sẽ có cuộc sống thoải mái hơn. Do mức lương, điều kiện sống, nhu cầu, mong ước,... của mỗi người là khác nhau nên có những quy tắc tiết kiệm và kiếm tiền của người khác chưa chắc đã phù hợp với bạn. Tuy nhiên, mình vẫn muốn chia sẻ câu chuyện của bản thân để mọi người thấy rằng tiết kiệm tiền không chỉ dành cho người lương cao. Đồng thời, sẽ không bao giờ là muộn để bạn duy trì lối sống tiết kiệm”, cô nàng nhận định.