Vào giờ nghỉ trưa, nếu đi qua các con phố quanh các tòa nhà công ty, văn phòng, không khó để bắt gặp hàng dài người ngồi ăn uống tại các hàng quán, con ngõ. Thậm chí, chỉ cần nhìn vào số lượng hàng quán ở đó là biết được một khu vực có nhiều dân văn phòng làm việc hay không.
Thế nhưng, khi đi qua đoạn đường Minh Khai giao với Bạch Mai dạo gần đây, nhiều người lấy làm lạ khi thấy lượng khách ở các hàng quán có phần thưa thớt hơn trước kia. Trong khi khu vực này vừa gần các trường đại học, vừa có thêm một số tòa nhà văn phòng mới và một số công ty cũng thông báo đã chuyển trụ sở về đây.
Sau một thời gian quan sát ở đoạn đường này, chúng tôi cũng có câu trả lời cho thắc mắc nêu trên. Dân phòng ở khu vực này dạo gần đây có xu hướng rủ nhau xuống hầm của một tòa nhà 15 tầng - cũng là chợ Mơ quen thuộc.
Khu chợ trăm tuổi ngay dưới hầm của tòa nhà văn phòng 15 tầng
Với những ai đã gắn bó với Thủ đô thì Chợ Mơ không phải quá xa lạ. Được biết, cái tên này đã được nhắc đến từ hàng trăm năm nay. Trong sử sách, nơi này được ca ngợi "một chợ lớn trong tỉnh" và mỗi tháng sẽ có 6 ngày chợ phiên, là nơi giao thương, buôn bán đa dạng các mặt hàng. Tại chợ, người dân có thể tìm thấy gần như mọi thứ, từ động vật, cá cảnh, cây giống, đồ khô, gạo, lá thuốc, quần áo, giày dép...
Từ năm 2008, chợ Mơ truyền thống đã phải di dời sang khu vực chợ tạm để chờ xây dựng khu trung tâm thương mại chợ Mơ. Sau 6 năm, đến 2014, các gian hàng đã được buôn bán trở lại ở vị trí cũ. Chỉ có điều, chợ Mơ không còn ở trên mặt đường nữa mà đưa xuống dưới tầng hầm, bên trên là tòa nhà 15 tầng.
Những người dân sống xung quanh đây hay những ai gắn bó với chợ Mơ thì rất dễ dàng tìm ra vị trí của chợ. Song, với những người ít khi đi qua đây hoặc người chỉ đi làm ở các tòa nhà quanh đó thì không phải ai cũng biết, có người còn giật mình khi hay tin vẫn còn chợ Mơ.
"Hồi tháng 9, đọc một số bài báo tôi mới biết vẫn còn khu chợ truyền thống ở dưới tầng hầm của tòa nhà bên kia. Tôi chỉ nhớ ngày trước còn sinh viên học ở Kinh tế quốc dân thì ra chợ này với các bạn, sau này đi làm ở Trần Khát Chân, mà nhìn phía trên chỉ thấy tòa nhà đang xây dựng nên tôi nghĩ chắc người ta dẹp chợ rồi", chị Hương Giang cho hay.
Những năm qua, ở tòa nhà văn phòng phía trên chợ Mơ chủ yếu là chi nhánh của các ngân hàng. Gần đây, khi cơ sở vật chất hoàn thiện thì mới bắt đầu có nhiều công ty vận tải, truyền thông chuyển trụ sở về đây. Do đó, người ta mới chú ý đến tầng hầm của tòa nhà. Nếu như ở trên là các văn phòng hiện đại, sang - mịn, thì phía dưới lại là khu chợ mang nhiều nét truyền thống, gần gũi chứ chẳng phải là khu trung tâm thương mại như nhiều tòa nhà văn phòng khác ở Hà Nội.
Món ăn gì cũng có, kiêm làm nail, gội đầu
Cứ 11 rưỡi trưa là một số dân văn phòng bắt đầu di chuyển tới chợ Mơ. Xuống dưới đây là một bầu trời đồ ăn, từ bún, phở, miến tới cơm, chè, cháo. Tuy không gian không quá rộng rãi nhưng các hàng quán đều sắp xếp được chỗ ngồi ăn tương đối thoải mái cho khách hàng. Mỗi hàng có ít nhất một dãy bàn, có thể ngồi được từ 10-12 khách một lúc.
Không những thế, các cô bán hàng ở dưới này cũng rất vui vẻ đón các đoàn khách là dân văn phòng, sắp xếp cho họ ngồi cùng nhau ở một khu vực quán rộng rãi rồi gọi thêm các món của hàng khác mang sang ăn.
Chị Huyền - chủ quán bún ngan cho hay: "Xưa nay chợ vẫn bán phục vụ những người dân ở quanh đây và dân bán hàng chợ Mơ. Thời gian này thì có nhiều khách là dân văn phòng xuống hơn cả, nhất là từ khoảng tháng 5 tới nay. Chị đều chuẩn bị lượng hàng gấp đôi những năm trước. Nếu như dân ở chợ thường ăn vào lúc 12 rưỡi hoặc muộn hơn nữa thì dân văn phòng tập trung đi ăn lúc 12 giờ đến 12 rưỡi. Hàng của chị cũng bắt đầu có thêm một lượng khách ổn định vào các ngày trong tuần".
"Ở phía trên đường Bạch Mai và Minh Khai chủ yếu là quán bún chả, bún mọc. Mà không gian cũng khá hẹp, có quán ngon và rẻ thì phải ngồi ngoài ngõ, trời nắng quá hay mưa to không tiện mấy. Còn từ khi biết được có khu chợ dưới này, chúng tôi thường đi bộ xuống đây ăn. Khác với những khu chợ khác là chợ Mơ có trần cao, quạt thoáng mát, mà lại đa dạng các món ăn. Chúng tôi thường chọn một quán rồi ai thích ăn các món khác sẽ gọi sang", anh Huy nói.
Khu ăn uống của chợ Mơ có 3 dãy chính thì 2 hàng cơm ở dãy giữa đông đúc hơn cả. Khách đến đây có thể gọi theo suất, cũng có thể gọi món theo đĩa, bày ra bàn như một mâm cơm gia đình. Tuy nhiên, các món ăn ở hai hàng này cũng không quá cầu kỳ mà thực đơn ngày nào cũng chỉ có những món cơ bản nhất như rau, cá kho, thịt luộc, thịt quay, chả lá lốt, lạc...
Trung bình mỗi người sẽ tốn 25.000đ - 35.000đ cho một bữa ăn ở đây.
Sau khi ăn trưa, nhiều nhóm dân văn phòng cũng nán lại các hàng trà đá, hàng chè để trò chuyện đợi tới giờ trở về văn phòng công ty.
Trong khi đó, một nhóm khác lại rủ nhau tới các hàng làm nail hay gội đầu. Chị Yến - chủ một hàng gội đầu ở chợ Mơ cũng tiết lộ, giờ trưa là thời gian bận rộn nhất của chị khi ngày nào cũng có dân văn phòng tới gội đầu, massage.