Khi đi làm, bên cạnh chuyện gia tăng thu nhập, nhiều dân văn phòng cũng "đau đầu" tìm cách tiết kiệm từ những khoản thu nhập hàng tháng. Tuy nhiên, với họ chi tiêu thông minh không phải là cắt giảm tối đa các nguồn chi, mà còn là biết cách mua đồ "đắt xắt ra miếng" - dù số tiền bỏ ra ban đầu để sở hữu chúng lớn nhưng phục vụ tốt cho nhu cầu cá nhân.

Dành 7 triệu đồng cho tiền ăn ngoài

Ngọc Trang (27 tuổi, làm việc trong ngành Ngân hàng) chia sẻ rằng khoản chi lớn nhất hiện tại là đi ăn bên ngoài. Hàng tháng, cô nàng chi đến 6,5-7,5 triệu đồng/tháng cho khoản tiêu dùng này, vì tính chất công việc bận rộn và không thích nấu nướng. Cô sẽ chi khoảng 150 nghìn đồng/ngày cho ăn uống nếu cả 3 bữa đều ăn ngoài.

"Mỗi tuần mình chỉ nấu 1-2 bữa vào cuối tuần. Mẹ mình gửi đồ ăn từ quê ra nhưng mình mãi vẫn chưa dùng hết dù đã 2 tháng trôi qua. Thành thật mà nói, mình nấu ăn không ngon và cũng lười nấu nên đi ăn ngoài trở thành biện pháp tốt nhất.

Buổi sáng mình thường chi khoảng 60-70 nghìn đồng cho cả đồ ăn sáng lẫn cà phê. Buổi trưa và tối khoảng 45-50 nghìn đồng/bữa ăn. Bên cạnh đó, mình cũng thường xuyên đi ăn ngoài với bạn bè vào những quán khá đắt tiền, rơi vào khoảng 400-500 nghìn đồng/người", Ngọc Trang chia sẻ.

Dân văn phòng và khoản chi "đắt xắt ra miếng": Chi 7 triệu đồng để ăn ngoài, chỉ mua điện thoại mới - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Được biết, tổng số tiền Ngọc Trang dành cho chi phí sinh hoạt hàng tháng là 17-18 triệu đồng. Đây là một con số khá lớn so với một người độc thân, thậm chí bằng tiền chi tiêu của cả gia đình 3 người ở Hà nội. 

Cô nàng chia sẻ rằng vốn dĩ bản thân chi tiêu hơi mạnh tay vì mức thu nhập hiện tại khá tốt. Hơn thế nữa, do vẫn độc thân và chưa suy nghĩ đến chuyện lập gia đình nên Ngọc Trang không có nhiều áp lực tài chính. Ngoài ra, cô nàng cảm thấy việc đi ăn ngoài có thể giúp bản thân tiết kiệm thời gian, hơn nữa còn được ăn ngon nên không hề lãng phí. 

Ngọc Trang tự nhận bản thân là một người chi tiêu không tiết kiệm, thường ít khi lên ngân sách chi tiêu hàng tháng. Tuy nhiên, đối với cô nàng, việc chi tiêu giúp có nhiều động lực cố gắng gia tăng thu nhập hơn.

"Thông thường mỗi tháng, mình vẫn sẽ gửi một khoản cố định vào tài khoản tiết kiệm trước khi chi tiêu. Do vậy, mình có một khoản tích lũy phòng tránh cho những trường hợp rủi ro. Tuy nhiên, mình không chỉ là người sẽ chi tiêu quá tiết kiệm.

Đối với mình, khi tiêu những đồng tiền bản thân làm ra, mình có nhiều động lực làm việc hơn. Nhờ sự cố gắng trong công việc, mình có thể sống thoải mái hơn, không còn phải cân đo đong đếm quá nhiều trong việc chi tiêu. Với mình, đó là ý nghĩa của việc đi làm".

Chỉ mua điện thoại mới và trang phục chất lượng

Hồng Ngọc (26 tuổi, Hà Nội) quan niệm quản lý tài chính thông minh sẽ giúp bạn nhanh chóng đạt được mục tiêu trong tương lai. Với mức thu nhập hiện tại, Ngọc đang phân chia chúng thành 6 khoản gồm: Chi phí sinh hoạt (35%), chi phí học tập và phát triển của con (10%), tiết kiệm dài hạn (20%), đầu tư (20%), học tập và phát triển (10%), biếu tặng (5%).

"Ở mỗi giai đoạn của cuộc sống, mình có thể điều chỉnh tỷ lệ này sao cho phù hợp với mục tiêu và mong muốn của cá nhân, cũng như của gia đình. Hiện tại, do em bé nhà mình còn nhỏ nên chi phí nuôi con không quá lớn. Nhờ đó, gia đình tập trung nhiều hơn vào khoản tích lũy và đầu tư để gia tăng tài sản trong tương lai", Ngọc nói thêm.

Dân văn phòng và khoản chi "đắt xắt ra miếng": Chi 7 triệu đồng để ăn ngoài, chỉ mua điện thoại mới - Ảnh 2.

Hồng Ngọc (Ảnh: NVCC)

Với Hồng Ngọc việc tiết kiệm tiền rất quan trọng. Song với một số khoản chi tiêu, cô chấp nhận mua đồ đắt, nhưng thực chất lại sinh lời và tiết kiệm nhiều hơn cho cá nhân. Một vài món đồ mà cô nghĩ mọi người nên mua hàng đắt tiền, nhưng đem lại giá trị cao, kể đến như:

- Trang phục

Hiện, Ngọc không còn sắm quá nhiều trang phục. Song nếu đã mua thì cô ưu tiên chọn quần áo đến từ nhãn hàng uy tín, chấp nhận giá thành cao thì chất lượng cũng cao. Bên cạnh đó, cô nàng còn chọn sản phẩm có tính linh hoạt, sử dụng được trong nhiều trường hợp. "Lúc mua có thể đau ví, nhưng mình dùng vài năm mà vẫn thấy chúng đẹp thì vô cùng đáng tiền", Ngọc bày tỏ.

- Điện thoại mới

Những năm gần đây, Ngọc chỉ mua điện thoại mới khi máy cũ không thể đáp ứng được yêu cầu của công việc hiện tại. Khi tìm mua máy, cô “nói không” với mua máy điện thoại cũ dù biết chúng có mức giá phải chăng, mà chỉ mua máy mới và chưa từng qua sử dụng.

Bởi lẽ, cô cho rằng máy điện thoại mới có chế độ bảo hành và hậu mãi tốt hơn cho người tiêu dùng. Thêm vào đó, cô quan niệm điện thoại là nơi cất giữ nhiều thông tin cá nhân, do đó nếu mua máy cũ thì có thể không đảm bảo được an toàn. Bởi chúng ta sẽ không biết chủ nhân của máy sang tay có cài đặt phần mềm nào với điện thoại của họ hay không. Cũng vì để đảm bảo an toàn, do đó Ngọc không bao giờ bán lại máy cũ của mình, để phòng trường hợp lộ thông tin cá nhân.

- Kindle (máy đọc sách)

Ngọc nhận định đây là một trong những khoản đầu tư đáng tiền nhất của bản thân. Lúc mới mua, cô nàng còn cân đo đong đêm nhiều lần, vì sợ rằng mua xong sẽ không cần xài đến. Nhưng thực tế, sau khi mua kindle, thời gian cô sử dụng nó còn nhiều hơn dành cho điện thoại. Với Ngọc, kindle không chỉ có giá trị về mặt phát triển bản thân mà còn giúp cải thiện các vấn đề của mắt.