Chuyện dân văn phòng ôm 2-3 việc cùng lúc là chuyện thường tình để tăng thu nhập. Càng những ngày cận Tết thì sự "máu" kiếm tiền của nhiều người càng lên cao và có lẽ con đường nhanh, tiện nhất là kinh doanh. Chính vì vậy mà người xưa có câu "Phi thương bất phú". Nhiều dân văn phòng lựa chọn kinh doanh các mặt hàng Tết để kiếm thêm thu nhập
Chỉ muốn kiếm thêm chút chứ không muốn bận rộn cả mùa Tết
Trong dịp lễ Tết, ngày 23 tháng Chạp (Ông Công Ông Táo) là một trong những ngày quan trọng trong nghi lễ Tết của người Việt. Vào ngày này nhiều nhu cầu mua bán các mặt hàng liên quan để cúng Ông Công Ông Táo tăng vọt.
Theo quan niệm của người Việt muốn ông Táo về trời thì cần phải có phương tiện và cá chép chính là phương tiện để ông Công, ông Táo về trời. Chính vì quan niệm đó mà những ngày này người dân thường mua một hoặc ba con cá chép để cúng ông công ông táo và sau khi làm lễ cúng xong sẽ đưa cá ra sông, hồ để phóng sinh. Vào ngày 23 cá chép sẽ bán cực kỳ chạy hàng đặc biệt là cá chép vàng, cá chép màu, cá chép xăm vảy.
Chính vì thế, nhiều người đã chọn mặt hàng này kinh doanh vào dịp Tết, trong đó có dân văn phòng như chị Thanh Thúy (25 tuổi). Nói về lý do chọn bán cá giữa muôn vàn các mặt hàng ngày Tết chị cho biết: "Mình bán cá từ đợt sinh viên, lúc đó được nghỉ Tết sớm nên có tìm hiểu để bán thử, rồi bán đến tận bây giờ luôn. Tính ra thì mình cũng bán được 4 năm rồi.
Cũng có năm định kinh doanh các mặt hàng khác nhưng lại thôi. Kiếm thêm thu nhập thì ai cũng muốn nhưng mình thích cảm giác trước Tết sắm sửa, mua đồ nên nếu kinh doanh các mặt hàng khác như giỏ quà Tết, hoa, trái cây thì phải đến 30 Tết mới nghỉ được mất".
Làm việc hết năng suất 3 ngày gần bằng nửa tháng thu nhập chính
Do là mặt hàng không thể thiếu trong mâm cúng lễ Ông Công Ông Táo, hầu hết vào ngày này mỗi gia đình đều mua từ 1 đến 3 con cá. Với giá thành dao động từ 10.000 đến 25.000 đồng/con tùy vào kích thước. Chị Thúy cho biết: "Cứ đến khoảng 15 tháng Chạp là mình bắt đầu tìm mối để lấy cá, thường thì mình sẽ đến các chợ Nông sản hoặc cái mối sỉ trên mạng. Mình sẽ đi khảo sát trước khi lấy để đảm bảo cá phải to, màu sắc đẹp... Tùy vào từng năm sẽ có giá khác nhau.
Mình sẽ bán trong 3 ngày liên tiếp 21, 22, 23 tháng Chạp. Sau khi tìm được mối thì sáng sớm khoảng 3h-4h ngày 21, mình sẽ nhập luôn hàng cho 3 ngày để hàng được chất lượng đến tay mọi người. Mình cùng chị gái đến chọn lựa từng con nên mất khá nhiều thời gian. Sau khi về mình cũng lại bảo quản số cá đó sao cho để đến ngày 23 vẫn sống khỏe".
Việc buôn bán cá vàng có lẽ sôi động nhất vào ngày 22 và sáng ngày 23 tháng Chạp. Chị Thúy cho biết bản thân sẽ xin nghỉ việc vào hai ngày này để tập trung buôn bán: "2 năm nay khi đi làm, gần đến ngày Ông Công Ông Táo là mình cố gắng hoàn thiện công việc được giao và xin nghỉ phép 2 ngày để nhập vai "đi buôn". Cũng may mắn do bán hàng lâu cũng được người quen bạn bè ủng hộ nhiều nên năm nào hàng cũng hết. Thậm chí có năm mình còn cháy hàng không có để bán từ sáng sớm 23. Thu nhập 3 ngày này của mình trừ vốn đi thì cũng được khoảng 3-4 triệu, gần bằng nửa tháng lương của mình".
Không bỏ vốn quá nhiều như các mặt hàng khác, cũng không quá bận rộn cả một mùa Tết, chị Thúy vẫn có thể kiếm thêm một chút thu nhập để tiêu Tết rủng rỉnh hơn. Tuy nhiên, cũng có nhiều rủi ro xảy nha, chị Thúy tâm sự: "Năm đầu chưa có kinh nghiệm chăm cá khi lấy từ chợ về, mình đã làm hỏng cả một thau cá to bự, lúc đó chỉ biết nhìn mà tiếc thôi".