Đó là hoàn cảnh đầy nước mắt của chị Nguyễn Thị Thơm (46 tuổi, ngụ xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An).

Bi kịch hai bà mẹ nhí

Dù không sinh được con trai nối dõi tông đường nhưng vợ chồng chị Thơm vẫn thấy hài lòng khi sinh được ba cô con gái xinh xắn, ngoan hiền lại học rất giỏi. 

Hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng họ vẫn cố gắng bươn chải với cuộc sống để chăm lo cho đàn con, hi vọng một ngày được nhìn thấy chúng ăn học thành tài, thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn của cha mẹ. Cuộc sống của gia đình chị cứ vậy bình yên trôi đi thì tai ương giáng xuống.

Bi kịch hai chị em gái trở thành mẹ nhí ở tuổi 13, 15 qua lời tâm sự chát lòng của người mẹ
Chị Thơm nhắc lại nỗi đau, vất vả khi 2 cô con gái thành mẹ nhí.

Một ngày cuối năm 2006, chị Thơm phát hiện cô con gái thứ hai của mình là Trần Thị Nga (SN 1994) khi đó mới 12 tuổi có những biểu hiện lạ như mệt mỏi, tăng cân bất thường, bụng to phình ra. Nghĩ con bị bệnh nên họ đưa con đi khám. Chị chết lặng khi cầm kết luận siêu âm con gái mình đã mang thai 4 tháng.

Gặng hỏi con, vợ chồng chị bức xúc khi biết kẻ đồi bại lại chính là Nguyễn Văn Trung (SN 1984, ngụ xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu). Lợi dụng khi không có người lớn ở nhà, Trung đã vào khống chế, giở trò đồi bại nhiều lần khiến cháu Nga mang thai. “Trung vừa là bạn, vừa là anh em kết nghĩa với chồng tôi. Tôi không ngờ chú ấy lại có dã tâm hại cả một đứa trẻ đáng tuổi con mình như vậy", chị Thơm gạt nước mắt nhớ lại.

Khi phát hiện thì cái thai đã lớn trong khi sức khỏe của Nga lại quá yếu. Không còn biện pháp nào để can thiệt, gia đình quyết định giữ lấy đứa trẻ.

“Mang thai đến tháng thứ 9 mà nó chỉ cao 1m3, nặng 31kg nhìn tội nghiệp lắm. Trong khi bạn bè cùng lứa tuổi đang vô tư đi học thì nó đã phải làm mẹ, sống mặc cảm, không dám tiếp xúc với ai", chị Thơm tâm sự.

13 tuổi, Nga sinh hạ một bé trai nặng 2,4kg. Đứa trẻ mang họ mẹ, lớn lên trong tình thương yêu và sự cưu mang, chăm sóc của ông bà ngoại. Kẻ đồi bại Nguyễn Văn Trung sau đó bị TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt 18 năm tù giam về hành vi “hiếp dâm trẻ em”.

Bi kịch hai chị em gái trở thành mẹ nhí ở tuổi 13, 15 qua lời tâm sự chát lòng của người mẹ
Con của Nga nay đã 10 tuổi.

“Mang tiếng làm mẹ nhưng con Nga đã biết gì đâu, ngay đến việc cho con bú mà ngày nào tôi cũng phải nhắc. Trách nhiệm chăm sóc con, nó thoái thác hoàn toàn cho ông bà ngoại. Mới 36 tuổi tôi đã phải làm bà ngoại bất đắc dĩ vì sự dại dột của con, vừa xấu hổ với bà con lối xóm", chị nghẹn ngào nói.

Sinh con được một năm, Nga để lại con cho chị Thơm chăm sóc để vào miền Nam kiếm việc làm thuê, rời xa nơi đau khổ. Chỉ năm hết tết đến, Nga mới về thăm con trai một vài ngày lại khăn gói ra đi. Dù còn cả cha lẫn mẹ nhưng cháu Trần Văn Long (con trai của Nga) chẳng khác nào đứa trẻ mồ côi, cứ thế lớn lên như củ sắn, củ khoai trong sự thương yêu của ông bà ngoại.

Nỗi đau vì con gái bị hại đời, phải làm mẹ nhí chưa kịp nguôi thì người chồng là Trần Văn Quang bị suy thận. Năm 2014, người chồng ra đi để lại cho mẹ con chị Thơm gánh nặng là khoản nợ hàng trăm triệu đồng mà trước đó đã vay mượn để chạy thận cho chồng suốt 7 năm.

Để có tiền trả nợ, cô con gái đầu theo người quen đi xuất khẩu lao động ở Malaysia. Cô con gái út là Trần Thị Nhung (SN 2000) mới học lớp 8 cũng phải bỏ học để vào Sài Gòn làm thuê.

Sau 4 tháng xa nhà, chị Thơm lại một lần nữa chết sững khi thấy con gái trở về cùng một thanh niên lạ, vô tư xin cưới chồng vì trót mang thai 3 tháng. Đứng trước tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, người góa phụ bất hạnh lại một lần nữa nuốt nước mắt, chấp nhận số phận đau lòng.

Điều đáng nói là khi về quê ra mắt, chàng rể tương lai hơn Nhung 11 tuổi mới tá hỏa khi biết người yêu mình mới 15 tuổi, chưa đủ tuổi kết hôn. Thương con, chị bất chấp dư luận, đặt vài mâm cỗ tại nhà hàng để “cưới chạy” cho con. Cưới xong, chị nhường căn nhà nhỏ cho con gái và con rể tương lai sống chung với nhau như vợ chồng, chờ đến ngày sinh nở. Chị Thơm sau đó đã ra Hà Nội làm thuê, kiếm tiền trả nợ.

Bi kịch hai chị em gái trở thành mẹ nhí ở tuổi 13, 15 qua lời tâm sự chát lòng của người mẹ
Vợ chồng Nhung.

Đầu năm 2016, biết con gái sắp sinh, chị Thơm lại xin nghỉ việc, khăn gói quay trở về để chăm sóc con. Chưa bước qua tuổi 16, Nhung đã làm mẹ của một bé trai bụ bẫm. Dù đã làm mẹ nhưng Nhung vẫn vô tư ăn ngủ. Thỉnh thoảng con quấy khóc còn quát mắng, khóc theo con. Cũng không ít lần vì giận chồng “hờ”, Nhung không cho con bú. Chị Thơm và con rể “hờ” không chỉ gánh trách nhiệm chăm sóc cháu mà còn dỗ dành con gái.

Chỉ mong con hạnh phúc

Căn nhà cấp 4 của chị Thơm nằm dưới chân một ngọn đồi. Phía trong chẳng có gì đáng giá ngoài bộ bàn ghế cũ, một chiếc giường và chiếc bàn thờ treo di ảnh người chồng quá cố. Chị Thơm với dáng người khắc khổ, khuôn mặt đượm buồn đang loay hoay chuẩn bị bữa cơm trưa.

Nhắc đến cuộc sống hiện tại của hai đứa con bất hạnh, chị Thơm thở dài cho biết. Sau khi sinh con được một tháng, vì hoàn cảnh khó khăn, hai vợ chồng Nhung quyết đinh dắt díu nhau vào Sài Gòn kiếm kế sinh nhai. Nhung ở nhà nuôi con, người chồng làm phụ hồ trong các công trình xây dựng. Trước khi đi, chàng rể còn hứa hẹn, đợi Nhung đủ tuổi sẽ đưa vợ con về thăm ngoại, đăng ký kết hôn, được là vợ chồng theo đúng pháp luật.

Bi kịch hai chị em gái trở thành mẹ nhí ở tuổi 13, 15 qua lời tâm sự chát lòng của người mẹ
Nhung sinh con khi chưa bước qua tuổi 16.

Nói đến cô con gái thứ Trần Thị Nga, người mẹ lại gạt nước mắt. Hiện tại, Nga đang làm việc ở miền Tây. Sau hàng chục năm sống xa nhà, Nga đã gạt bỏ quá khứ đau buồn để đón nhận tình yêu của một nam công nhân quê ở miền Tây. Khi yêu, Nga không ngần ngại nói về quá khứ bất hạnh của mình và được người yêu chấp nhận.

Dịp Tết vừa rồi Nga đưa người yêu về quê. Hai người quyết định đưa con trai riêng của Nga đi cùng để tiện đường chăm sóc.“May mắn cho con gái tôi khi tìm được người đàn ông biết cảm thông, chấp nhận quá khứ, còn đón con riêng vào sống cùng. Mới đó mà cháu trai tôi đã 10 tuổi. Giờ nó đã được sống cạnh mẹ sau gần chục năm sống côi cút. Tôi chỉ mong người yêu của con Nga sẽ thương yêu con riêng của Nga như con mình"..

Từ ngày con, cháu dắt díu nhau vào miền Nam sinh sống, cô con gái đầu cũng lấy chồng xa, căn nhà nhỏ chỉ còn lại một mình chị Thơm sớm tối ra vào thui thủi. Ngày làm việc, tối đến, chị chỉ biết làm bạn với chiếc tivi, chờ đợi để nghe điện thoại của con, cháu từ phương xa gọi về.

Sau bao nhiêu sóng gió, tủi nhục, người phụ nữ trải qua bao đau đớn, tủi nhục này chỉ hi vọng được nhìn thấy con cái mình có gia đình, sống hạnh phúc.

“Tôi đã bị người đời chỉ trích làm mẹ không biết dạy con. Suốt hàng chục năm trời tôi chỉ biết sống trong đau đớn, mặc cảm, ra đường không dám ngước mặt nhìn ai vì xấu hổ, tủi nhục. Nhưng giờ đây chỉ cần nhìn thấy con cháu mình được hạnh phúc, bình yên là tôi an lòng", chị Thơm chia sẻ.

* Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi