Những năm gần đây, du học được coi là giấc mơ vàng của nhiều bạn trẻ trong hành trình chinh phục tri thức, mở rộng cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp. Để được đi du học và giành được học bổng du học không phải là chuyện dễ dàng, nên mỗi khi thấy bất cứ ai "xuất ngoại" chúng ta đều vô cùng ngưỡng mộ.
Tuy nhiên, những hào nhoáng bên ngoài của việc đi du học đôi khi chỉ là "bề nổi của tảng băng chìm", dưới lớp băng có rất nhiều điều mà các bạn du học sinh phải chịu đựng. Đơn cử như câu chuyện dưới đây của Trương Kỳ Tông (sinh viên năm nhất chuyên ngành Kinh tế Quốc tế, Đại học Kinh tế TP.HCM).
Là một du học sinh tại một trường cấp 3 bên Mỹ và đạt được rất nhiều thành tích đáng tự hào, nhưng ít ai biết được rằng Kỳ Tông lại từng là nạn nhân của vấn nạn phân biệt chủng tộc. Dẫu vậy, nam sinh vẫn vượt lên trên tất cả và giành nhiều thành tựu đáng tự hào cho bản thân.
TRƯƠNG KỲ TÔNG
Sinh năm 2004
Tốt nghiệp cấp 3 tại Mỹ năm 16 tuổi.
Học sinh tiêu biểu của năm 2022 cấp thành phố Grand Prairie.
Á khoa đầu vào lớp chuyên Hóa Trường PTNK - Đại học Quốc Gia.
IELTS 8.0, SAT 1560.
Diễn giả, giảng dạy IELTS.
Tốt nghiệp loại xuất sắc khoa Thương mại, Học viện Kaplan (Singapore).
Chủ kênh TikTok với gần 220 nghìn lượt follow.
Hành trình du học đầy kỉ niệm
Kỳ Tông sinh năm 2004. Hồi cấp 2, cậu bạn theo học trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM). Sau đó, Kỳ Tông thi đỗ vào trường Phổ thông Năng Khiếu (PTNK - TP.HCM) và trở thành Á Khoa lớp chuyên Hóa năm đó.
Tuy nhiên, gắn bó với ngôi trường Phổ thông Năng khiếu chưa lâu, chính xác là đồng phục trường vừa tới tay còn chưa kịp mặc thì Kỳ Tông đã có cơ hội được đi du học cấp 3 tại trường Grand Prairie Collegiate Institute (Mỹ).
Ngay sau khi đặt chân đến xứ sở cờ hoa tráng lệ, nam sinh đã nỗ lực không ngừng nghỉ để hoàn thiện bản thân. Đáp lại sự chăm chỉ đó, Kỳ Tông được bầu chọn là học sinh xuất sắc nhất của năm tại thành phố Grand Prairie - nơi đặt ngôi trường cấp 3 của cậu. Đặc biệt, nam sinh còn hoàn thành chương trình cấp 3 tại Mỹ trong vòng vỏn vẹn có 2 năm, thay vì 4 năm theo tiêu chuẩn khung chương trình học ở nước bạn.
"Không giống như Việt Nam, cấp 3 bên Mỹ kéo dài 4 năm từ lớp 9 đến lớp 12. Không chỉ có vậy, cách tính điểm tại đây cũng vô cùng đặc biệt là tính theo tín chỉ. Trong 4 năm học cấp 3, bạn sẽ phải hoàn thành 46 môn học (tương đương với 23 tín chỉ). Bất cứ khi nào hoàn thành xong 23 tín đó là bạn sẽ được tốt nghiệp.
May thay, một số môn học ở THPT chuyên Trần Đại Nghĩa tương đồng với một số môn ở trường cấp 3 Grand Prairie Collegiate Institute. Vậy nên, khi cho giáo viên bên Mỹ xem giáo trình mình từng học hồi lớp 9, thầy đã cho mình làm một bài test để kiểm tra trình độ. Vì những kiến thức đó đã được học kỹ từ cấp 2 ở Việt Nam nên mình đã hoàn thành tốt bài kiểm tra đó. Kết quả là mình đã rút ngắn được số tín chỉ cần phải học và tốt nghiệp sớm", cậu bạn chia sẻ.
Tưởng chừng quá trình đi du học của Kỳ Tông vô cùng thuận lợi với đầy những thành tích đáng tự hào, nhưng đằng sau đó cậu bạn phải đối mặt với vô vàn rắc rối. Một trong số đó phải kể đến khoảng cách ngôn ngữ.
Kỳ Tông kể lại: "Lúc đầu sang đây dù đã sở hữu IELTS 7.5 nhưng mình vẫn vấp phải không ít khó khăn trong việc sử dụng ngôn ngữ. Một ví dụ điển hình là về kỹ năng viết, khi sử dụng từ nowadays (ngày nay) trong bài luận, thầy cô lại gạch đi và cho rằng đó không phù hợp bởi tính informal (không trang trọng) của nó trong văn cảnh. Tương tự, khi miêu tả một điều gì đó, nếu mình viết thể bị động ở trong bài thầy cô cũng thường không quá đồng tình dù đây là cấu trúc ngữ pháp khá trọng dụng".
Dẫu vậy, do được tiếp xúc với môi trường mà tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ, nên khả năng sử dụng ngôn ngữ của Kỳ Tông cũng được cải thiện rất nhiều. Không lâu sau khi sang Mỹ, nam sinh đã nâng được band điểm IELTS của mình từ 7.5 lên 8.0 và SAT là 1560 - thuộc top 1% thế giới.
Nếu như rào cản về ngôn ngữ có thể được cải thiện theo năm tháng, thì một vấn đề khiến cậu bạn cảm thấy "ám ảnh" mỗi khi nhớ về đó chính là khoảng cách về văn hóa và vấn nạn phân biệt chủng tộc. Không phải ai cũng biết được rằng, trong quá trình học tập bên Mỹ, Kỳ Tông cũng từng bị bạo lực.
Cụ thể, khi dịch bệnh Covid-19 hoành hành khắp nơi trên thế giới thì cũng là lúc làn sóng phân biệt chủng tộc với người châu Á đang vô cùng nặng nề. Nhớ lại khoảng thời gian đó, đã có lúc cậu bạn bị bạo lực 3 lần và tất cả đều xảy ra ở nơi công cộng.
"Có thể nói, mức độ nghiêm trọng mà mình bị bạo lực tăng dần theo thời gian và lần sau nghiêm trọng hơn lần trước. Nếu như lần đầu chỉ là những cái đẩy vai nhẹ hay những ánh nhìn không mấy thiện cảm thôi, thì lần sau họ đã sử dụng đến vũ lực với mình", Kỳ Tông nhớ lại.
Sau lần đó, cậu bạn hoảng sợ đến mức chỉ "nhốt" mình ở nhà một mình và không dám ra ngoài đường. Không mua được đồ ăn nên Kỳ Tông chỉ có thể ăn những cây kem còn sót lại trong nhà. Trong vòng một tháng triền miên như vậy, cậu bạn bị giảm mất 10 cân.
"Lúc đó mình nặng đến hơn 100kg, nên càng là chủ thể bị mọi người nhắm đến để trêu trọc hay chê bai về ngoại hình của mình. Vậy nên, trong những ngày 'nhốt' bản thân ở trong phòng, mình không tuyệt vọng mà luôn nghĩ lạc quan rằng thôi thì nhờ sự này mà mình có thể giảm được cân. May thay là có thể vượt qua được quãng ngày đen tối đó", cậu bạn chia sẻ.
Quyết định trở về Việt Nam vì lý do đặc biệt
Những thành tích Kỳ Tông đạt được trong quá trình học tập là không thể phủ nhận được. Không chỉ tốt nghiệp cấp 3 sớm, sự xuất sắc của nam sinh còn thể hiện ở chỗ dù chỉ mới 16 tuổi, nhưng Kỳ Tông đã được đi dự thính cùng một Giáo sư bên Mỹ. Thậm chí, cậu bạn còn hướng dẫn bài cho một số anh chị ở bậc Đại học. Ngoài ra, Kỳ Tông cũng có thể nói được 4 ngôn ngữ là tiếng Trung, tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh.
Sau tất cả, cậu bạn đã đỗ vào trường Đại học Texas tại Austin (Mỹ) chuyên ngành Y khoa. Thế nhưng vì một lý do đặc biệt ý nghĩa, chỉ sau 1 kỳ học tại đây, Kỳ Tông lại quyết định quay trở về Việt Nam.
"Ban đầu mình dự định học Y và trở thành bác sĩ tại Mỹ. Thế nhưng khi nhìn thấy một số hoạt động thiện nguyện như gây quỹ, dạy học cho trẻ em nghèo... của những người bạn cũ ở Việt Nam, mình lại khao khát được trở về và đóng góp một phần công sức và trí tuệ cho sự phát triển của đất nước", Kỳ Tông nói.
Không để gián đoạn việc học, sau khi về Việt Nam, Kỳ Tông tham gia học ngay một khóa học online tại Học viện Kaplan (Singapore) về lĩnh vực Thương Mại. Tuy nhiên, vì muốn được học trực tiếp để trải nghiệm cuộc sống sinh viên nên ngay sau khi hoàn thành xong khóa học đó, cậu bạn quyết định đăng ký học thêm tại trường Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) - một trong những ngôi trường top đầu về đào tạo khối ngành Kinh tế.
Làm 3 công việc một lúc, có thể kiếm 60 triệu/tháng
Bên cạnh việc học thì đúng với tinh thần multitask (làm việc đa nhiệm), Kỳ Tông còn làm một lúc nhiều công việc khác nhau. Cậu bạn sở hữu kênh TikTok với gần 220k lượt follow, là diễn giả của một số chương trình, đi dạy học... Không chỉ dạy IELTS mà Kỳ Tông cũng tham gia luyện thi đại học một số môn như Toán, Lý, Hóa cho các bạn học sinh cấp 3.
Đảm nhận quá nhiều công việc cùng một lúc, chắc hẳn sẽ không tránh khỏi việc cục pin năng lượng trong một ngày của Kỳ Tông bị... cạn kiệt. Dẫu vậy, cậu bạn quan niệm, khi đã đảm nhận bất kỳ công việc gì thì sẽ phải cố gắng hoàn thành đến cùng. Vậy nên, chỉ cần nghĩ đến việc bản thân không làm tốt trách nhiệm, cậu bạn lại cố gắng hết sức để hoàn thành mọi thứ một cách "thần kỳ".
Từ "thần kỳ" ở đây theo ý của Kỳ Tông không phải ngẫu nhiên mà có thể đạt được. Bởi lẽ, để cân bằng mọi thứ thật tốt, chúng ta vẫn phải có những chiến lược trong việc quản lý thời gian. Cụ thể, Kỳ Tông sẽ liệt kê tất cả những đầu việc cần phải làm trong một ngày và ưu tiên những thứ quan trọng để làm trước.
Ngoài ra, nam sinh còn dự kiến thời gian hoàn thành cho từng công việc, chẳng hạn khi những công việc làm có thể hoàn thành trong khoảng 2-5 phút như: gửi mail, gửi tài liệu cho học viên... thì cậu bạn sẽ làm luôn mà không để trì hoãn.
Trong rất nhiều công việc mà cậu bạn đảm nhận, Kỳ Tông cảm thấy hứng thú nhất với việc dạy IELTS bởi bên cạnh việc được truyền đạt kiến thức thì khoản thu nhập mà nam sinh nhận lại cũng khá... hậu hĩnh. Cụ thể, tùy vào số lượng học viên, thời gian dạy học... mà Tông có thể kiếm được lên đến 60 - 70 triệu/tháng. Đó không phải là con số nhỏ với một cậu sinh viên năm nhất.
Tuy nhiên, dạo gần đây, nam sinh dành nhiều thời gian cho việc học hơn bởi Kỳ Tông quan niệm, giáo dục là nền tảng của mọi thứ. Chúng ta không nên vì những lợi ích trước mắt mà ngó lơ đi việc học tập. Đó là việc đánh đổi không cân xứng.
Trong tương lai, nam sinh mong muốn sẽ phát triển sự nghiệp của bản thân về chủ đề giáo dục. Bởi sau quá trình được tiếp xúc với nhiều nền giáo dục khác nhau cũng như đi dạy học, nam sinh nhận thấy giáo dục sẽ giúp thay đổi thế hệ trẻ rất nhiều. Mang gần hơn giáo dục đến thế hệ trẻ là mong mỏi lớn nhất của Kỳ Tông.
Ảnh: NVCC