Đăng ký nguyện vọng không chuẩn: Dễ mất cơ hội trúng tuyển đại học
Từ ngày 22/7 đến 20/8, thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học (ĐH) lên hệ thống tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Năm nay có một số điều chỉnh nên nếu thí sinh không lưu ý các điểm mới này thì dễ mất cơ hội trúng tuyển.
Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, thí sinh cần lưu ý 3 nguyên tắc. Theo đó, được đăng ký số lượng nguyện vọng không hạn chế. Cụ thể, hãy đặt nguyện vọng yêu thích nhất hoặc có sở trường nhất của mình lên trên, không ưu tiên đưa lên nguyện vọng 1-2 những ngành chắc chắn đỗ, vì như vậy sẽ làm giảm quyền lợi của thí sinh.
Tiếp đến lưu ý quy chế xét tuyển của các trường (có thể có những giới hạn, điều kiện phụ trong đăng ký xét tuyển), tránh bỏ phí một nguyện vọng. Cuối cùng, các nguyện vọng được xét bình đẳng như nhau nên nếu một nguyện vọng phía trên bị trượt sẽ không ảnh hưởng đến các nguyện vọng tiếp theo.
Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, thí sinh cần lưu ý 3 nguyên tắc. Theo đó, được đăng ký số lượng nguyện vọng không hạn chế. Cụ thể, hãy đặt nguyện vọng yêu thích nhất hoặc có sở trường nhất của mình lên trên, không ưu tiên đưa lên nguyện vọng 1-2 những ngành chắc chắn đỗ, vì như vậy sẽ làm giảm quyền lợi của thí sinh. Tiếp đến lưu ý quy chế xét tuyển của các trường (có thể có những giới hạn, điều kiện phụ trong đăng ký xét tuyển), tránh bỏ phí một nguyện vọng. Cuối cùng, các nguyện vọng được xét bình đẳng như nhau nên nếu một nguyện vọng phía trên bị trượt sẽ không ảnh hưởng đến các nguyện vọng tiếp theo.
Tại chương trình tư vấn tuyển sinh “Những lưu ý khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển” được tổ chức hôm qua, TS Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho biết, mỗi phương thức xét tuyển được Bộ GD&ĐT quy định bằng một mã xét tuyển. Phương thức xét tuyển sớm không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Ngày 21/7, các trường phải cập nhật danh sách trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển này lên hệ thống tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. TS Hải lưu ý thí sinh cần đăng nhập hệ thống tuyển sinh của Bộ GD&ĐT để tra soát thông tin các nguyện vọng trúng tuyển sớm sau ngày 21/7. Nếu không có tên trên hệ thống, cần kiểm tra lại từ phía các trường để xem xét bổ sung thông tin còn thiếu. “Ví dụ, có nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển sớm và đã trúng tuyển nhưng không cung cấp thông tin căn cước công dân. Các trường sẽ không có dữ liệu để nhập lên hệ thống cho thí sinh. Điều này đồng nghĩa với việc thí sinh bị mất cơ hội trúng tuyển các phương thức xét tuyển sớm”, TS Hải giải thích.
Thí sinh cần đăng ký nguyện vọng đầy đủ 4 nội dung: mã trường, mã ngành, mã phương thức, mã tổ hợp. Nếu thí sinh đăng ký mã phương thức sai, rất có thể sẽ đánh mất cơ hội trúng tuyển dù trước đó đã được nhà trường xác nhận. TS Hải lấy ví dụ, thí sinh đã trúng tuyển vào một ngành nào đó bằng phương thức xét kết quả học bạ có mã là 200. Nhưng đến khi đưa lên hệ thống của Bộ GD&ĐT, thí sinh lại viết nhầm là 100, trong khi đây là mã của phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp.
Khi nào chính thức trúng tuyển?
ThS Cao Quảng Tư, Giám đốc Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cảnh báo, thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển nhưng mới chỉ bước chân vào trường ĐH được 50%, 50% còn lại là các bước thực hiện trên hệ thống dữ liệu của Bộ GD&ĐT. Nếu không đăng ký các nguyện vọng lên hệ thống chung, thí sinh được coi như bỏ qua cơ hội trúng tuyển này. ThS Tư đặc biệt lưu ý thí sinh cần thống nhất dữ liệu cá nhân từ trường THPT đến hệ thống tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Nếu có sự lệch nhau giữa hai đơn vị này, thí sinh cần phải yêu cầu chỉnh sửa thống nhất trước khi bước vào đăng ký nguyện vọng chính thức. Trong thời gian đăng ký nguyện vọng, các thao tác thực hiện trên máy tính không mất thời gian nhưng quan trọng thí sinh cần tính toán, cân nhắc các nguyện vọng để đạt được mục đích của bản thân. “Mục tiêu cuối cùng không phải vào trường nào đó mà là chọn được ngành học phù hợp với năng lực của mình. Trường muốn vào học chỉ là ưu tiên thứ hai”, ThS Tư nhắn nhủ.
TS Hải chỉ ra rằng sẽ có hai tình huống xảy ra khi thí sinh đăng ký nguyện vọng lên hệ thống của Bộ GD&ĐT. Thứ nhất, thí sinh không chấp nhận kết quả trúng tuyển sớm, điều chỉnh các nguyện vọng về thứ tự hoặc tham gia xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT. Lúc này, việc trúng tuyển của thí sinh sẽ phải đợi hệ thống lọc ảo của Bộ GD&ĐT. Ông Hải lưu ý, khác với những năm trước, năm nay, mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển 1 ngành, 1 trường bằng 1 phương thức xét tuyển duy nhất. Nếu không để ý tới việc chọn ngành đăng ký lệch sẽ rất nguy hiểm. Trường hợp thứ hai là thí sinh xác định nhập học ngành đã trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm. Khi đó, thí sinh chỉ cần đăng ký là nguyện vọng 1 và đợi đến ngày xác nhận nhập học. Thí sinh không đăng ký nguyện vọng vào những ngành, chương trình đào tạo hay phương thức tuyển sinh mà không đủ điều kiện. Khai báo đầy đủ và đảm bảo tính chính xác của tất cả các thông tin đăng ký dự tuyển, đặc biệt là thông tin khu vực, đối tượng ưu tiên (nếu có).
Từ ngày 22/7 đến 17h ngày 20/8, thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần. Việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển đối với các phương thức xét tuyển phải được thực hiện theo hình thức trực tuyến trên hệ thống hoặc trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Thí sinh sử dụng tài khoản đã được cấp để xử lý thông tin của mình trên hệ thống.
Tất cả nguyện vọng xét tuyển của thí sinh theo các phương thức xét tuyển của các cơ sở đào tạo đều được lọc ảo. Khi đảm bảo điều kiện trúng tuyển, mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng đã đăng ký.