Giải đấu World Cup 2022 đã chính thức khởi tranh và thu hút sự quan tâm đông đảo của người hâm mộ toàn cầu. Ngoài sức nóng từ các trận đấu trên sân cỏ, khán giả còn dành chú ý cho nhiều nhân vật bên lề giải đấu. Trong đó, hoàng tử Qatar Abdulrahman Fahad Al-Thani (15 tuổi) là một trong những cái tên nổi tiếng nhất nhì hiện nay nhờ biểu cảm gây sốt trong trận khai mạc World Cup.
Nhờ biểu cảm đáng yêu khi chứng kiến đội nhà thua cuộc, hoàng tử Al-Thani nhanh chóng xuất hiện rộng rãi khắp nền tảng MXH, đặc biệt là ở Trung Quốc. Mới đây, hoàng tử Thani còn gửi lời cảm ơn tới khán giả Trung và gia nhập Douyin (TikTok của Trung Quốc), để chiều lòng người hâm mộ quốc gia này.
Thế nhưng đi kèm với sự nổi tiếng, hoàng tử Al-Thani đã gặp phải một vài rắc rối không đáng có đến từ phía netizen đất nước tỷ dân. Cụ thể hơn, không ít netizen đã để lại bình luận xin hoàng tử Al-Thani tiền, thậm chí nhà cửa. Chưa dừng lại ở đó, nhiều người còn nhắn tin riêng cho hoàng tử Al-Thani và yêu cầu cậu chuyển tiền cho mình bằng giọng điệu rất nghiêm túc. Trò đùa như không đùa này bắt nguồn từ thông tin cho rằng các hoàng tử Qatar có gia sản khổng lồ và hào phóng trong chi tiêu.
Ngay khi những bình luận và đoạn tin nhắn "đòi quà" từ hoàng tử Al-Thani được chia sẻ lên MXH đã làm dấy lên làn sóng bất bình và yêu cầu trò đùa này dừng lại. Nhiều người cho rằng hành vi này đã làm xấu hình ảnh người hâm mộ xứ Trung với hoàng tử Al-Thani. Hơn nữa, hành động trêu đùa quá mức có thể được coi như một hình thức bạo lực mạng và làm tổn thương Al-Thani, nhất là khi hoàng tử này trên thực tế cũng mới 15 tuổi.
Nhiều cư dân mạng Trung Quốc đã nhanh chóng lên án hành vi này:
- Chúng ta đang làm gì với một hoàng tử mới 15 tuổi vậy? Hãy dừng lại hành vi này trước khi Al-Thani đọc được bình luận bằng tiếng Trung và cảm thấy bị xúc phạm bởi chúng.
- Tôi không thể tưởng tượng được biểu cảm của "hoàng tử bé" khi đọc những bình luận đòi nhà, đòi xe... từ cổ động viên nước nhà. Tôi ước cậu bé mãi không biết tiếng Trung.
- Hoàng tử Qatar là một đứa trẻ dễ thương và giỏi giang dù có địa vị cao quý. Đừng làm tổn thương cậu bé vì những trò đùa quá trớn như vậy.
- Đã có nhiều sao nhí toàn cầu không còn vui vẻ với sự nổi tiếng của chúng trước khi làn sóng hâm mộ xuất hiện bình luận tiêu cực. Tôi không hy vọng hoàng tử Al-Thani là một trong số đó.
- Dù tôi biết chỉ là trò đùa nhưng cảm thấy điều này cũng không hay ho lắm. Dù bạn chỉ nói đùa nhưng người khác hiểu lầm là thật thì sao? Đòi hỏi quá đáng về tiền bạc có thể khiến hoàng tử cảm thấy khó chịu và bị làm phiền.
Thực tế có nhiều sao nhí đã chịu tổn thương tâm lý từ mạng xã hội khi còn nhỏ như "Psy nhí" Hwang Min Woo, Selena Gomez, Thẩm Giai Nhuận... Cư dân mạng có thể nghĩ rằng những phát ngôn của mình chỉ là nói đùa, nói vui và qua mạng thì "chính chủ" không đọc được. Nhưng rõ ràng, chúng vẫn gây ảnh hưởng trực tiếp đến những đứa trẻ vẫn đang tuổi ăn tuổi lớn này.
Quay trở lại với câu chuyện của hoàng tử Al-Thani, dù là hoàng tử thật nhưng suy cho cùng, Al-Thani vẫn trong độ tuổi vị thành niên và cần được tránh xa khỏi những bình luận tiêu cực và áp lực vô hình của MXH. Hiện tại, chủ đề về những bình luận "đòi quà" từ hoàng tử Qatar vẫn gây tranh cãi trên nhiều nền tảng mạng xã hội Trung Quốc.
Tại Trung Quốc, hoàng tử Abdulrahman Fahad Al-Thani là nhân vật đang gây xôn xao mạng xã hội. Cậu thậm chí còn có hẳn fanclub riêng và được đặt biệt danh là "hoàng tử hoành thánh". Mọi người cũng vẽ phim hoạt hình về cổ động viên này và biến nét mặt của anh thành meme (ảnh chế) lan truyền trên mạng.
Chỉ hơn 1 ngày sau khi gia nhập mạng xã hội Douyin, hoàng tử 15 tuổi đã có lượng người theo dõi vượt con số 14 triệu, gấp hơn 5 lần dân số Qatar. Trên Douyin và Weibo Trung Quốc, hình ảnh và thông tin của thành viên hoàng gia này tăng đột biến. CCTV - Đài truyền hình Quốc gia Trung Quốc và nhiều đơn vị truyền thông khác đã thực hiện cuộc phỏng vấn với hoàng tử.
Nguồn: Weibo, Sohu