"Up hình bikini và đồ sexy là nghiễm nhiên phải chấp nhận việc nhận về những bình luận khiếm nhã?" - Đó là một trong những cuộc tranh cãi đang là tâm điểm trên Threads những ngày vừa qua. Chỉ trong vòng 2 ngày, đã có 2 trường hợp bạn nữ bức xúc chia sẻ những bình luận cực kỳ tục tĩu về mình và tạo nên những cuộc thảo luận rất nghiêm túc về vấn đề này.

Vụ đầu tiên: Một bạn nữ bức xúc trên Threads vì nhận phải những tin nhắn khiếm nhã về cơ thể từ người lạ, có xu hướng quấy rối online. Một người dùng khác không vừa mắt lập tức lên tiếng phản bác: "Đăng mỗi hình vòng 1 mà chả lẽ phải khen học giỏi? Cái thể loại gì đây?". Đoạn hội thoại sau đó được lan truyền. Có người cười cợt bạn nữ, có người bất bình trước lời phản hồi xem nhẹ việc quấy rối.

Chưa kịp lắng xuống, vụ thứ hai xuất hiện: Một cô gái có ngoại hình xinh đẹp bức xúc về chuyện bị đùa cợt dưới Vlog đi biển khi chọn ảnh thumbnail hình mặc bikini gợi cảm. Có bình luận phân tích: "Vì bạn chọn lấy bạn làm chủ thể chính, che khuất chữ Lý Sơn" nên người ta chú ý vào việc bạn đang mặc bikini và bình phẩm là chuyện có thể xảy ra.


"Ủa, đi biển không mặc bikini thì mặc gì? Vlog kể về chuyến đi du lịch của bản thân mà không lấy mình làm chủ thể chính thì còn ai khác?", phe đập lại ý kiến khuyên nên chấp nhận chuyện bị bình phẩm nhạy cảm lên tiếng.

Đáng nói, cả 2 trường hợp kể trên, số đông bỗng "hợp lý hóa" quấy rối, cho rằng mặc trang phục thiếu vải thì người khác để tâm, nói ra nói vào là chuyện đương nhiên. Dù mục đích chia sẻ hình ảnh của hai bạn nữ vốn khác biệt, nhưng ai cũng đang nhận về những bình luận, tin nhắn khủng khiếp về ngoại hình, tính dục.

“Đăng mỗi hình vòng 1 sao phải vào khen học giỏi” - khi nào lời khen là quấy rối? - Ảnh 2.


Những tranh cãi không ngừng khiến người theo dõi nhận ra 1 vấn đề: Cứ nghĩ một vấn nạn như quấy rối đã là điều trắng - đen rõ ràng: Lên án để bảo vệ nạn nhân, loại bỏ tư tưởng/ hành động sai trái… nhưng sao lại thu hút nhiều tranh cãi đến thế? Liệu chuyện phân định đúng - sai đối với việc "tấn công", "quấy rối" người khác bằng lời nói khiếm nhã đang khó khăn đến vậy sao?

Hiện tại, sự việc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi một trong 2 cô gái đã khóa hẳn tài khoản Threads và Instagram. Các bài đăng tranh luận sôi nổi nhất thu hút cả trăm, cả ngàn bình luận và vẫn tăng lên hàng giờ.

“Đăng mỗi hình vòng 1 sao phải vào khen học giỏi” - khi nào lời khen là quấy rối? - Ảnh 3.


"Quay bộ phận nào rõ nhất thì tức là muốn người ta tập trung vào bộ phận đó. Đẹp thì người ta mới khen, mới quan tâm chứ đã bảo sẽ làm gì bạn đó đâu nhỉ?" - Một quan điểm nhận được hơn 500 lượt tim và cả trăm comment "gật gù" khi tham gia bàn luận về 2 trong số những topic kể ra phía trên.

Nhưng như thế nào là khen, như thế nào là quấy rối? Khái niệm này chắc chắn cần phải đem ra soi chiếu lại.

Những người gọi những tin nhắn "To quá chị ơi"; "Coi mà s**** quá em" là hành động "khen" có lẽ đã quên đi lằn ranh tồn tại giữa một lời khen thực sự và quấy rối, đôi khi mỏng manh đến nỗi khiến người ta đánh tráo khái niệm.

Lại nhớ đến hồi tháng 4 năm nay, cư dân mạng đã có những cuộc thảo luận rất nghiêm túc và thẳng thắn về lằn ranh giữa những cử chỉ "thân mật, quan tâm" và hành vi quấy rối tình dục. Câu chuyện cũ còn chưa qua, câu chuyện mới trên Threads lại khiến chúng ta nhận ra: Không phải ai cũng có thể phân biệt rạch ròi giữa lời khen ngợi và lời nói khiếm nhã - cả với người trong cuộc và những người "qua đường" nêu ý kiến.

Phải làm rõ: Xét về động cơ, khen ngợi là hành động khiến người khác cảm thấy tốt hơn về bản thân và được tôn trọng, mong muốn tạo dựng niềm tin và quan hệ tốt đẹp với đối phương. Ngược lại, quấy rối khiến người khác cảm thấy bị xúc phạm, khinh thường và "vật hóa" vì sự thỏa mãn cá nhân của người nói. Xét về hình thức, cách dùng từ lịch sự hay thô tục cũng làm nên sự khác biệt giữa lời ngợi khen và quấy rối.

“Đăng mỗi hình vòng 1 sao phải vào khen học giỏi” - khi nào lời khen là quấy rối? - Ảnh 4.


Lật ngược lại tình huống, liệu một chàng trai gọi vòng một của cô gái lạ là "V*", dùng những lời lẽ khơi gợi tính dục để miêu tả về cảm nhận của mình khi xem bức ảnh đó, thì có thực sự mong muốn làm cho cô gái cảm thấy tôn trọng?

Nếu cô gái ấy là người thân, bạn gái, em gái của chàng trai đó, liệu anh ta có muốn nghe ai đó nhận xét về người quan trọng với anh ta theo cách như thế? Hay anh ta chỉ buông lời đó với những người con gái xa lạ, thậm chí nói xong quên luôn, xem nhẹ mọi thứ thốt ra mặc cho đối phương nhận lấy lời lẽ đó cảm thấy thế nào?

“Đăng mỗi hình vòng 1 sao phải vào khen học giỏi” - khi nào lời khen là quấy rối? - Ảnh 5.


Trong trận khẩu chiến trên MXH, rất nhiều người để lại ý kiến cho rằng bạn nữ trong câu chuyện số 1 cố gắng câu view, câu tương tác bằng góc chụp, biểu cảm, trang phục gợi dục, nên mới dẫn đến những tin nhắn quấy rối. Việc cô bạn chia sẻ đoạn tin nhắn lên MXH cũng là hành động "ăn cướp la làng", vì rõ là trước đó cô từng khoe chiến tích được "gạ gẫm", có vẻ rất tự hào về tính dục của mình. Nhiều người cũng đồng tình cho rằng bạn nữ trong câu chuyện số 2 cũng nên thay đổi thumbnail thành một trang phục nào đó ít "bắt mắt" hơn, loại bớt một "lý do" thu hút sự chú ý lại.

Thực chất thì chẳng bao giờ tồn tại đối tượng "xứng đáng" là nạn nhân, không bao giờ có lý do khiến bất kỳ một ai phải chịu sự xâm phạm khi thể hiện mình.

Những kẻ quấy rối và những người cổ xúy (dù vô tình hay cố ý) lúc nào cũng có lý do để đổ một phần trách nhiệm cho nạn nhân. Trong rất nhiều vụ việc, trước khi chất vấn những kẻ không biết giữ mình, người ta lại có xu hướng nghi ngờ: "Do mặc áo khoét sâu quá chứ gì?", "Tại vì góc quay, biểu cảm." Muôn vàn chữ "tại" hướng đến người bị tổn thương mà quên đi bản chất thật của việc quấy rối: Miễn là làm người khác cảm thấy bị hạ thấp, xâm phạm vì sự thỏa mãn, thích thú cá nhân thì đã thành một tội rồi.

“Đăng mỗi hình vòng 1 sao phải vào khen học giỏi” - khi nào lời khen là quấy rối? - Ảnh 6.


Chuỗi triển lãm "Bạn đã mặc gì ngày hôm đó?" ("What Were You Wearing?") khởi xướng vào năm 2014 tại Mỹ, cho đến tận 2023 vẫn chu du vòng quanh thế giới nhằm nâng cao nhận thức về tư tưởng đổ lỗi nạn nhân trong các vụ quấy rối, cưỡng bức. Tên của triển lãm - "Bạn đã mặc gì vào ngày hôm đó?" là minh chứng đau lòng nhất về việc các nạn nhân chưa bao giờ hết phải thanh minh cho bản thân rằng họ không thể quyết định hay chi phối ý định của bất kỳ ai chỉ bằng cách ăn mặc.

Khi nhìn thấy và được nghe kể về những bộ trang phục nạn nhân mặc vào ngày bị tấn công được trưng bày, ta nhận ra lỗi lầm chưa bao giờ nằm ở việc nạn nhân mặc gì hay trông gợi cảm như thế nào. Áo phông quần jeans đơn giản, đồng phục học sinh, thậm chí là một bộ quân phục - chẳng cần phải mặc hở hang mới có thể "châm ngòi" cho ý định quấy rối.

Đáng buồn khi những người trẻ được cho là "văn minh" lại nhắm mắt, bịt tai trước sự thật về nạn quấy rối, tiếp tục đổ lỗi cho nạn nhân như thể đó là bản năng.

“Đăng mỗi hình vòng 1 sao phải vào khen học giỏi” - khi nào lời khen là quấy rối? - Ảnh 7.


Đâu đó tồn tại luồng ý kiến cũng phổ biến không kém: Ừ thì quấy rối là sai, nhưng mà đã chia sẻ những hình ảnh như vậy thì cũng phải chịu đi thôi. Cứ nhắm mắt cho qua là được.

Đó là lời khuyên mà một bộ phận dân mạng dành cho bạn nữ dùng ảnh bikini minh hoạ cho Vlog du lịch ở đảo Lý Sơn. Những người bảo vệ quan điểm này cho rằng đã dùng MXH thì không thể chi phối được tất cả ý kiến bình luận thậm chí bình phẩm mang tính quấy rối. Phải chấp nhận thực tế thôi! Phải học làm quen với điều khó chịu đi! Phải thế này thế khác….

"Thật ra cứ làm những điều bạn thích, khoe những thứ bạn muốn. Bạn chỉ cần bỏ ngoài tai những lời khiếm nhã, tiêu cực và trân trọng những lời khen ngợi của người khác. Đồng ý là không nên nói những lời như thế, nhưng bạn cũng phải hiểu lý do những điều đó xuất hiện", một ý kiến thu hút sự chú ý của số đông được đăng tải lên MXH giữa làn sóng tranh luận về những vụ bị quấy rối trực tuyến.

Đây cũng là lời khuyên nhiều người đưa ra kèm vài lời an ủi cho những bạn thường hứng chịu những lời quấy rối online. Quan điểm của họ là những người đó vốn chỉ là người xa lạ, mình không có trách nhiệm "giáo huấn", đồng thời, để tránh đưa căng thẳng lên cao, không nên phí công sức tranh cãi.

Song, liệu phớt lờ có thực sự là một giải pháp hay không?

MXH với khả năng ẩn danh vốn đã dễ khiến người ta buông lỏng đạo đức. Càng bỏ qua và càng cam chịu, những bình luận đó sẽ ngày càng vượt khỏi giới hạn. Hậu quả lâu dài của việc "bình thường hóa" những câu từ quấy rối là ngày càng nhiều người bị làm phiền, e ngại trên MXH, ảnh hưởng đến sự tự tin cá nhân. Người nói sai cũng dễ nhầm tưởng đùa bỡn như vậy là hợp lý, và ngày càng sẽ có nhiều nạn nhân của sự quấy rối vô ý đó.

“Đăng mỗi hình vòng 1 sao phải vào khen học giỏi” - khi nào lời khen là quấy rối? - Ảnh 8.


Quay trở lại với vụ việc của nữ Vlogger bị khuyên nên chấp nhận chuyện bị quấy rối vì chọn ảnh thumbnail quá khiêu khích. Cũng có nhiều người đã lên tiếng chọn đối diện với những kẻ quấy rối trực tuyến. Họ đưa ra quan điểm thẳng thắn, rạch ròi trong chuyện này.

- "Tại sao khi bị quấy rồi lại bỏ ngoài tai vậy? Từ ngày hôm qua đến giờ đọc hơn tỉ cái comment thì thấy những người phần nào đó gián tiếp ủng hộ việc bạn nữ đó bị quấy rối đều cho rằng nạn nhân nên im lặng thay vì lên tiếng. Mục tiêu của chúng ta vẫn luôn là trở nên văn minh, tiến bộ hơn. Thế việc các bạn im lặng để người ý thức kém nhởn nhơ chẳng phải đi ngược lại với mục tiêu sao?".

- "Sao mọi người lại thấy bình thường nhỉ? Kiểu việc người ta thấy "Ôi bây giờ họ như thế đầy", kiểu bình thường hóa những điều không đúng chỉ vì nó quá nhiều ấy. Ai cũng thấy bình thường nên những thành phần cư xử thô lỗ với quấy rối trên MXH mới cứ thế. Thử giờ ai cũng tẩy chay đi, ít nhiều nó cũng tạo ra một cái ảnh hưởng gì đó mà."

- "Thật sự dạo này thấy mọi người bình thường hoá mấy cái comment về cơ thể về hàm ý thô tục kinh khủng. Mấy ông nam suy nghĩ bằng đầu dưới thì không nói, còn có mấy bạn nữ cũng cười đùa với mấy cái comment của mấy ông đó nữa. Bị nói tới thì trách ngược lại do người đăng up lên MXH nên phải chấp nhận. Chả hiểu nghĩ gì."

“Đăng mỗi hình vòng 1 sao phải vào khen học giỏi” - khi nào lời khen là quấy rối? - Ảnh 9.


Chẳng phải tự nhiên mà mọi nút "báo cáo" trên MXH, không chỉ Threads mà mọi nền tảng khác, đều có "Báo cáo nội dung quấy rối". Bạn không nên im lặng, không nên ngó lơ, cam chịu khi bản thân mình hay người khác bị hạ thấp, xâm phạm.

Muốn được thoải mái trong môi trường văn minh, hãy chủ động bảo vệ bản thân.

Bạn T.V., 23 tuổi, một gương mặt được nhiều người trẻ follow trên MXH, nói về cách bản thân đối phó với những bình luận quấy rối: "Muốn bình yên thì phải "dọn sạch" môi trường xung quanh. Do công việc nên mình để tài khoản ở chế độ công khai, nhưng tắt tính năng trả lời story để tránh gặp phải những người kỳ quặc. Phần bình luận thì công khai nên đôi khi người ta còn tiết chế, chứ tin nhắn riêng thật sự rất kinh khủng. Về các hình ảnh đăng công khai, mình mà nhận được comment chọc ghẹo quá đà, mình sẽ thẳng tay chặn và báo cáo."

T.H., 26 tuổi, là du học sinh và đang hoạt động trong những tổ chức phi lợi nhuận bảo vệ quyền phụ nữ nói về những trường hợp mà mình gặp phải:

"Khi đi tuyên truyền nhằm gia tăng nhận thức về quấy rối tình dục, mình nhận ra rất nhiều người quấy rối mà lầm tưởng với những lời nói đùa vô hại. Những người đó đặc biệt khó đối đầu, vì họ vốn cho rằng hành động của mình không có gì sai, không thể lý lẽ được bằng lời.

Vậy nên các bạn hãy chủ động đề phòng, trang bị kiến thức cho bản thân mình. Hầu hết các nền tảng MXH bây giờ đều cho phép lọc những người có quyền gửi mình tin nhắn hay comment. Facebook hiện tại còn cho phép khóa hồ sơ khỏi những người lạ.

Riêng đối với các bạn làm nhà sáng tạo nội dung, vấn đề này nan giải hơn vì các bạn phải tiếp cận với công chúng. Trong trường hợp đó, các bạn có thể sử dụng chính tiếng nói của mình để nâng cao nhận thức về quấy rối."

Mở rộng quan điểm, L.M. (20 tuổi, hiện đang điều phối các dự án phi lợi nhuận về nhân quyền) khẳng định: "Ở trên mạng, để ngăn ngừa hoặc đối phó với quấy rối bạn phải có "công" và "thủ" mới được nha.

"Thủ" là làm sao để những tin nhắn, bình luận khiếm nhã không thể chạm tới mình. Bạn chặn, bạn hạn chế đều được. Kể cả tài khoản công khai cũng có thể dùng được những tính năng đó. "Công" là nhất định phải báo cáo những hành vi đó. Bạn report để nền tảng xử lý, rồi đăng story, đăng post lên án với chính cộng đồng người theo dõi bạn.

Trên mạng khó lắm, toàn là những người ẩn danh, account clone không rõ tên tuổi, khó mà điều tra tố cáo như những vụ quấy rối ngoài đời thực nên bạn cũng cần phải vất vả và chủ động hơn một chút để bảo vệ bản thân mình."

https://kenh14.vn/my-nhan-phim-gio-vang-vtv-tung-la-van-dong-vien-vo-thuat-dien-bikini-khoe-than-hinh-boc-lua-o-tuoi-u40-2024051407421177.chn https://kenh14.vn/my-nhan-phim-gio-vang-vtv-tung-la-van-dong-vien-vo-thuat-dien-bikini-khoe-than-hinh-boc-lua-o-tuoi-u40-2024051407421177.chn