Đúng là đôi khi, chỉ cần một câu nói sẽ làm giọt nước tràn ly, phá toang luôn mối quan hệ. Một cô gái dù sắp lên xe hoa về nhà chồng nhưng vẫn sẵn sàng hủy tất cả sau khi nhận ra bản thân chẳng nhận được sự tôn trọng nào.
Câu chuyện đó được chia sẻ trong một group kín và được đông đảo chị em tham gia bình luận.
"Các chị đã có ai được tổ chức một cái đám cưới mà như đám giỗ chưa? Tất cả những điều này em được biết trong một lần về thăm nhà anh sau ngày ăn hỏi xong xuôi. Bố mẹ anh thoải mái ngồi bàn chuyện cưới xin trước mặt em luôn các chị ạ.
Anh 35 tuổi, em thì 28, bọn em tìm hiểu nhau 1 năm trước khi tính đến hôn nhân. Em vì cũng đến tuổi rồi nên yêu đương nghiêm túc thẳng thắn lắm, yêu để cưới chứ chẳng có chơi chơi gì hết.
Anh về ra mắt nhà em, bố mẹ thoải mái cởi mở lắm. Làm luôn 4 mâm mời anh em họ hàng để giới thiệu đây là người yêu cái H.
Thế nhưng khi về nhà anh, em đã thấy gia đình họ phản đối thế nào. Tất cả chỉ bởi em với anh không hợp tuổi theo quan niệm của mẹ anh.
Suốt buổi ra mắt hôm đó, mặt bác gái lúc nào cũng nặng nề. Không hỏi han em lấy một câu. Đến lúc ăn cơm, bác cũng chỉ nói chuyện với chồng con. Lúc bác trai định hỏi thăm em, nói chưa dứt lời 1 câu thì bác gái đã chen vào hỏi ngang bác trai chuyện công việc.
Em buồn rười rượi, khi đi về, chào mà mỗi bác trai trả lời.
Em có kể với người yêu cảm nhận nhưng anh gạt đi rồi bảo em lắm chuyện bày trò. Mẹ anh lúc nào cũng tốt tính hết. Nghe vậy nên em chẳng biết nói thế nào nữa.
Nhưng các chị ơi, đúng là đáng lẽ em nên dứt tình luôn ngay sau khi thấy 'điều bất thường'. Ở đời ấy mà, mẹ chồng mà đã không ưng thì hạnh phúc làm sao được. Nhưng em cũng cảm thấy may mắn là đã hãm kịp lúc, tránh đau thương nhất".
Đúng là một câu chuyện hồi hộp hết sức. Cuối cùng chẳng rõ xảy ra biến cố gì thêm mà cô lại nhắc đến việc "tránh được đau thương".
"Ăn hỏi nhà anh vẫn mang sang 7 tráp. Mẹ chồng không đi nhưng có bố chồng và anh chị em đầy đủ nên bên em không thắc mắc gì. Nghe bảo bà thông gia sốt xuất huyết nên bố mẹ em còn ngại ngần quá hỏi han đủ điều. Em thì đoán có lẽ do bà không muốn sang thôi.
Nhà em ăn hỏi xong 1 tháng mới cưới. Một ngày anh đón em về bên nhà ăn cơm, tập dần cho quen sau này về ở chung với bố mẹ. Em dù rất ngại nhưng nghĩ rằng đã quyết tâm chung sống với anh cả đời thì chuyện gì cũng nên đối mặt nên em cũng mua giỏ hoa quả rồi đến.
Cũng như những lần trước, bác ấy chẳng nói chuyện với em câu nào. Em vào bếp định nấu nướng thì bác gạt ra bảo: 'Cơm nhà này ngoài tôi nấu ra thì người khác nấu chẳng ai ăn đâu'. Em ngại quá nên ra phòng khách mang cốc chén đi rửa.
Đến bữa cơm, gia đình anh nói một lúc rồi vòng sang chuyện đám cưới. Em cũng khá háo hức vì ngày cưới là sự kiện trọng đại mà. Các cô, dì, bác em từ nước ngoài hay trong Sài Gòn cũng thông báo là về cả. Bởi vậy nên em mong chờ nó lắm.
Ngồi nói chuyện, mẹ chồng tương lai nằng nặc quyết định đám cưới lúc đón dâu về sẽ chỉ làm tầm 6,7 mâm thôi. Loa đài không có, nhạc đám cưới cũng không.
Em nghe mà ngỡ ngàng luôn vì rõ ràng em đường đường chính chính được cưới về làm dâu, sao cưới lại tổ chức nhỏ và đơn giản như đám giỗ thế được. Em không thấy anh và bố chồng nói gì, cứ gật gù đồng ý lời mẹ anh nói.
Em bấm tay anh thì anh trừng mắt rồi lại tiếp tục gật gù. Xong xuôi anh bảo: 'Con thấy thế cũng được, cưới xin thứ yếu, chủ yếu sau sống thế nào với nhau'.
Em dù biết chuyện này cần người lớn can thiệp, mình nói thì không ổn lắm nhưng em ức quá lên tiếng luôn: 'Nhưng nhà bên cháu qua có lẽ khá đông, sợ chừng đó mâm không đủ cho cả bên nội và bên ngoại. Đám cưới sao lại không có tổ chức loa đài và nhạc ạ? Còn cả phần làm lễ trên sân khấu cũng không có luôn thì hơi kỳ ạ. Cháu thấy đám cưới mà lặng lẽ quá cũng không phù hợp'.
Nghe vậy mẹ anh liếc qua: 'Không phù hợp là thế nào. Đám rước dâu tổ chức ra sao là do bên nhà này tính toán. Cưới vợ chứ cưới bà cô tổ à mà phải rình rang. Nếu không phải con trai tôi già thì còn lâu tôi mới cho cưới cô'.
Ngay lúc đó, anh cũng trừng mắt nhìn em: 'Xin lỗi mẹ ngay. Em đừng có trọng hình thức quá, cưới xin thế nào chẳng được. Đầy đứa cưới to xong cũng bỏ nhau rầm rầm. Bố mẹ đồng ý cho cưới là ổn rồi. Lễ với lạt, loa đài làm gì cho tốn kém, em xin lỗi mẹ đi'.
Lúc đó em uất quá, những thứ em nhắc đến là quá cơ bản ở một đám cưới. Bố mẹ em thậm chí cũng muốn được trao vàng cưới cho con, chẳng lẽ cuối cùng lại cho dấm dúi hay sao. Tự nhiên em thấy lòng tan nát, chồng hùa theo mẹ, mẹ chồng rõ ràng chẳng tôn trọng em hay chính gia đình em.
Câu chuyện ở đây không phải gói gọn trong đám cưới nữa, nó là về mặt thái độ tôn trọng. Em mà về nhà chồng theo cách lặng lẽ, bèo bọt như thế thì chắc chắn bố mẹ không thể nào mà vui vẻ nổi, rồi hàng tá chuyện liên quan. Mà em xinh xắn, công việc ổn định chứ có phải thiếu sót gì đâu. Ngồi một lúc, em rửa bát xong xuôi và xin phép ra về. Khi ấy, em đã nghĩ ngay đến chuyện không kết hôn nữa.
Lấy nhau xong ở với bố mẹ chồng mà phải chịu cảnh thế này, đời em cũng chẳng hạnh phúc nổi. Bây giờ cưới xin, ngày trọng đại duy nhất đời người con gái mà họ định làm như 'chẳng may cưới phải em' như thế, em không thương mình thì cũng xót hộ bố mẹ đẻ mình ra nuôi nấng bao năm..
Khi về kể cho bố mẹ, bố mẹ em cũng bực lắm. Em nói đến việc hủy hôn, bố mẹ cứ lo lắng vì dù sao cũng ăn hỏi hết cả rồi. Nhưng em đã quyết, sau câu chuyện đó em đã quá mệt mỏi rồi. Người yêu cũng chẳng phải điều khiến em quyến luyến tiếc nuối gì nữa".
Đúng là một câu chuyện buồn của cô gái sắp lên xe hoa. Cô đã quyết định từ bỏ tất cả khi quá thất vọng với chính gia đình chồng. Đằng sau câu chuyện đám cưới là cả một bầu trời tâm tư. Nhìn vào thái độ của đám cưới, chắc chắn trong tương lai, cuộc sống của cô và nhà chồng cũng chẳng thể nào mà hạnh phúc nổi.
Đôi khi, chỉ cần một câu chuyện thôi đã khiến một mối quan hệ chấm dứt. Tình cảnh như cô gái trong tình huống trên, chuyện chia tay có lẽ là phương án lựa chọn ổn thỏa nhất.