Người đứng đằng sau món xôi hoa đậu đang gây sốt trên mạng xã hội
Chừng 2 tuần trước, khi những bức ảnh về món xôi hoa đậu Hàn Quốc đẹp như một chiếc bánh fondant được chia sẻ trên một group về nấu ăn, nó lập tức gây nên một cơn sốt. Cơn sốt xôi hoa đậu không chỉ bị giới hạn hay tạo trào lưu trong hội nhóm yêu nấu ăn có hơn 300 ngàn thành viên ấy mà còn lan ra cộng đồng bếp núc nhanh chóng. Những ngày gần đây, trên mạng xã hội, không ít người chia sẻ thành quả của mình cũng như hướng dẫn công thức làm món xôi này.
Thực ra món xôi hoa đậu này không phải mới xuất hiện. Cách đây khoảng 4 năm, ở phiên bản diện mạo dung dị hơn, món này cũng được gây sốt một lần. Và trong những ngày giãn cách xã hội, tái xuất với diện mạo lung linh hơn nhiều lần, những người mê ăn ngon và ăn đẹp lại càng mê mệt nó.
Người có công thổi bùng độ hot của món ăn xôi hoa đậu với loạt thành phẩm đẹp như một tác phẩm nghệ thuật và những dòng hướng dẫn tỉ mỉ gần đây chính là Lê Thanh Thúy. Sinh năm 1997 nhưng Thúy đã có 4 năm “ngao du” với bánh trái, trong đó có đến 2 năm thử sức với xôi hoa đậu.
Thời gian không là quá lâu nhưng bằng sự tỉ mẩn và khéo léo, Thanh Thúy đã khá nổi tiếng trong thế giới đồ ngọt. Hiện là chủ một tiệm bánh online với ngót 37.000 fan, có người thậm chí còn gọi đùa cô nàng là “phù thủy xôi hoa đậu”.
Gọi là xôi hoa đậu Hàn Quốc nhưng thực ra, ở Hàn Quốc không có món y hệt như đang gây sốt ở Việt Nam. Trên thực tế, món xôi hoa đậu đang làm mưa làm gió mạng xã hội những ngày này được những người làm bánh “phóng tác” từ món bánh gạo Bojagi (nghĩa là “vải bọc”).
Bánh chủ yếu được tạo hình thành các gói quà bằng vải lụa/áo hanbok truyền thống của Hàn Quốc. Trong đó, lớp vải đặc biệt được làm từ đậu trắng sau đó có thể dùng màu thực phẩm vẽ lên, sống động hệt như những tấm vải thật và món bánh cũng trông hệt như những món quà xinh xắn. Khi về Việt Nam, nhân bột gạo của món bánh này được biến tấu thành xôi.
Còn trước đây, xôi hoa đậu kiểu "cũ" là những bánh xôi được trang trí bằng hoa lá làm từ đậu trắng pha màu, tạo hình từ kỹ thuật bắt hoa kem bơ Hàn Quốc. Những bánh xôi sẽ trông rất giống với bánh kem bơ với họa tiết, hoa lá sống động, mềm mại. Vì đều được phóng tác trên những loại bánh, kỹ thuật tạo hình của Hàn Quốc, cả hai phiên bản của xôi này đều được gọi chung là xôi hoa đậu Hàn Quốc.
Hai phiên bản của xôi hoa đậu Hàn Quốc, mỗi lần xuất hiện là gây sốt.
Nói về món xôi hoa đậu và danh xưng “phù thủy" được tặng, Thúy cười khúc khích bảo danh xưng ấy hơi quá lời, nhưng đúng là cô có say mê đặc biệt với món này. Mà không chỉ là ăn, với Thúy, xôi hoa đậu như một cuộc chơi, nơi những kỹ thuật trang trí tao nhã, sang trọng từ xứ sở kim chi và hạt nếp tròn căng nảy nở trong lòng đất Việt đã dẫn dắt cô đến với những bản hòa ca ấn tượng về sắc - vị - hương.
Với người Việt, khi nhắc đến xôi, thường mọi người sẽ nghĩ đó là món ăn hàng ngày, không cần cầu kỳ tỉ mỉ, vẽ vời làm gì cho rách việc. Nhưng vốn mê hạt gạo Việt, cũng thích thú sự rất tinh tế trong trang trí bánh của Hàn Quốc, từ 2 năm trước, Thúy đã thử sức với hoa xôi đậu. Khi đó, cô gái trẻ đã áp dụng kỹ thuật bắt kem bơ để khiến xôi nở hoa.
Những ngày này, khi món bánh Bojagi đang khiến giới mê ẩm thực Hàn Quốc và Việt Nam mê mệt, cô nàng lại quyết tâm chinh phục bằng được cách trang trí mới này rồi kết hợp cả hai cách trang trí để món xôi hoa đậu của mình thêm lộng lẫy.
“Gói quà” bằng gạo đậm chất Hàn Quốc và cô gái duy mỹ dành cả ngày để… bọc xôi
Để làm được món xôi hoa đậu đẹp như hiện tại, cô gái trẻ không thể nhớ chính xác phải mất bao nhiêu lần thử nghiệm để làm được thành công lớp “vải” đặc biệt. Nguyên liệu chính chỉ là đậu trắng, nhưng kết hợp phần đậu trắng với nhiều loại bột khác nhau, tỉ lệ khác nhau làm sao để ra được một lớp vỏ bọc xôi lại không đơn giản. Lớp vỏ đó phải vừa đủ độ dai, vừa có thể cán mỏng, dễ dàng tạo những nếp gấp mềm mại và quan trọng không kém là có màu sắc đẹp. Đó là thách thức lớn nhất của Thúy.
Không bằng lòng với những công thức có sẵn, cô tìm bằng được cách khử màu đục của đậu. Đậu trắng sau khi ngâm, luộc kỹ lần 1 để loại bỏ vỏ, chỉ lấy phần lõi, Thúy luộc thêm 2 - 3 lần nữa đến khi nước đậu trong rồi hầm nhừ.
Sau khi hầm xong, lấy đậu xay nhuyễn và lọc bỏ phần màu đục rồi cô mới đem sên đến khi đậu đặc đúng độ để miếng bột dẻo mịn. Trong suốt quá trình sên đậu, phải quấy liên tục trên lửa nhỏ, nếu để bột đặc quá hay loãng quá đều khiến lớp “vải” bị chảy hoặc khô, gãy.
Nào đã xong, đậu sên xong sẽ cần trộn cùng một số nguyên liệu nữa rồi hấp lên, để nguội một chút, sau đó đem đi nhào mịn, cán rồi phủ lên xôi, tương tự như phủ fondant cho bánh ngọt. Tạo hình lớp “vải” bọc xôi rồi, Thúy lại tỉ mẩn vẽ từng bông hoa, chiếc lá bằng màu vẽ thực phẩm chuyên dụng lên lớp “vải” đó và gắn hoa trang trí lên trên.
Mỗi mẫu lại là một kiểu khác nhau chỉ cần thay đổi hoạ tiết, màu sắc, cách gấp nếp là đã được một sản phẩm mới rồi. Cứ thế, Thúy mê mệt với xôi và đậu, đắm chìm trong thế giới linh hoạt và sáng tạo của nó. Nếu bỏ qua thời gian ngâm gạo, nấu xôi, phải mất 3 - 4 tiếng để thực hiện một đĩa xôi hoa đậu thành phẩm. Nhưng với Thúy, thế cũng không phải là quá dài để được thỏa nỗi say mê.
Thúy tiết lộ, cô chưa từng học vẽ chuyên nghiệp hay phối màu mà chỉ tìm hiểu những kiến thức cơ bản, xem các hình ảnh đẹp và dựa vào sự nhạy cảm để tạo nên phong cách bánh trái của mình. Cô nàng 9X thích theo đuổi dòng bánh đẹp và cầu kỳ vì “với em, dòng bánh nào cũng có vẻ đẹp riêng của nó, kể cả bánh mì. Thế giới của bánh trái không chỉ thỏa mãn chiếc bụng đói, mà còn là nơi thỏa sức bày biện cho những đôi mắt duy mỹ”.
Cô chủ nhỏ bỏ ngành ngân hàng để thỏa đam mê cùng bánh trái
Nàng “phù thủy” nhỏ của xôi hoa đậu mới trở thành cử nhân Đại học ngân hàng năm ngoái. Học một ngành “khô” và dính dáng nhiều đến tiền, nhưng tâm hồn cô lại bay bổng với bánh và xôi. Thật ra, từ nhỏ, Thúy đã thích nghệ thuật, lại hay bày vẽ nấu nướng, nhưng khi còn học phổ thông, bánh trái có phần xa lạ với cô.
Khi Thúy lên Đại học, chị gái đã ủng hộ niềm yêu thích “phù phiếm” này và từ đó, cô yêu luôn không muốn dứt. Chị gái Thúy đã mua tặng cô những quyển sách, dụng cụ và nguyên liệu đầu tiên.
Hồi ấy, khi mới mày mò học làm bánh trên Youtube và sách, Thúy thử sức với mousse, tiếp theo là bánh trung thu, bánh thạch. Rồi cũng vì thích những loại bánh đẹp đẽ, cô sinh viên "chịu chơi" bỏ 3 - 4 triệu ra học một khóa 2 ngày để tiếp cận kem bơ - cơ sở để sau này áp dụng sang xôi hoa đậu.
Nếu chị gái là người tiếp lửa cho đam mê thì anh trai lại là… thực khách bất đắc dĩ của Thúy. “Em biết ơn anh trai nhiều lắm luôn, vì hồi em mới tập tành làm bánh, anh là người phải ăn bánh hỏng nhiều nhất. May quá mà càng lúc bánh hỏng càng ít đi, anh được ăn nhiều bánh “tử tế” hơn”.
Sau 1 năm chơi rong trong bếp, Thúy bắt đầu mở tiệm bánh online, tập bán cho người quen và bạn bè để có kinh nghiệm và cũng để có kinh phí mua nguyên liệu tái sản xuất. Vừa lo học hành, tham gia công tác trong trường vừa mày mò bánh trái, bán hàng đôi khi cũng bận, nhưng Thúy “vì yêu cứ đâm đầu”. Cô nàng cũng mở một số lớp dạy làm bánh, làm xôi hoa đậu nữa.
Làm bánh, với cô chủ nhỏ là hành trình khám phá và trưởng thành, là khi Thúy được rèn luyện tính tỉ mỉ, chỉn chu từng tí một. “Trước em nhanh chán lắm, làm cái gì chỉ được một lúc thôi. Nhưng từ khi làm bánh, em ngồi cả ngày cũng được. Có hôm mải quá, lúc đứng lên còn đau hết vai với lưng (cười). Mà khi đã làm là phải đến khi xong mới thôi, không thích dở dang. Nếu có loại bánh nào em không thành công thì chắc chắn sẽ tìm cách chinh phục lại cho kỳ được”.
Đến giờ, bánh và xôi hoa đậu không phải là một cuộc chơi để giải trí nữa, mà đã là đam mê và sự nghiệp mà cô hướng đến. Tốt nghiệp Đại học xong, Thúy cũng có cơ hội tìm việc tốt, nhưng cô quyết định bỏ qua.
Bố mẹ Thúy cũng rất ủng hộ con gái nhỏ tự do lựa chọn cuộc sống và nghề nghiệp của mình. Họ chỉ tư vấn, đưa ra lời khuyên khi con cần, còn lại không can thiệp quá sâu. Thanh Thúy vì thế “mải chơi” trong chuyến phiêu lưu đồ ngọt từ Âu sang Á của mình, thay vì phải căng thẳng “đấu tranh” để chạy theo ước mơ.
Kết quả là, sau 4 năm, cô gái trẻ trở thành bà chủ nhỏ, vừa bán bánh online vừa dạy làm bánh. Cô gái 23 tuổi có thu nhập đáng ngưỡng mộ so với tuổi của mình. Như mùa Tết vừa rồi chẳng hạn, cô có doanh thu lên đến 10 con số.
Dù vậy, cô nàng cũng “thú nhận”, mình sẽ không thể bay nhảy với bánh trái như hiện tại, nếu không có những tháng ngày học tập trên giảng đường. “Nếu không học đại học thì đó là thiệt thòi lớn của em và em sẽ không có được nhiều kiến thức cũng như kinh nghiệm kinh doanh như bây giờ. Em nghĩ bán bánh, dạy làm bánh không chỉ giỏi nghề là được, cũng phải có tầm nữa”.
Hiện tại thì dòng bánh lạnh và xôi hoa đậu đang khiến Thúy mê nhất và dành nhiều thời gian, tâm huyết theo đuổi nhất, sau đó là sourdough (bánh mì lên men tự nhiên). Không biết có phải vì trót đem lòng yêu hạt gạo, đĩa xôi hay không mà cô chủ nhỏ 9X cũng khá truyền thống. Với Thúy, việc bếp núc, nấu nướng chẳng hề phù phiếm, tốn thời gian mà trái lại, khiến cô rất vui và thoải mái.
“Nấu ăn ngon, giỏi việc nhà, em nghĩ còn thể hiện nữ công gia chánh. Khi người phụ nữ đảm đang, khéo léo trong cách chăm sóc gia đình, đó cũng là một yếu tố quan trọng để giữ lửa hôn nhân. Em vẫn cho rằng được chăm sóc gia đình là một đặc ân của phụ nữ, chứ không hẳn là vướng bận, gánh nặng đâu”.