Sự việc thương tâm này xảy ra tại khách sạn Pitlochry Hydro, Scotland, khi ông Wallace Hunter (75 tuổi) đang sử dụng nhà tắm.
Khi "tử thần" ẩn mình trong nhà tắm
Vào ngày xảy ra sự cố, vợ của ông Wallace Hunter đột nhiên nghe thấy tiếng kêu thảm thiết của chồng ở trong nhà tắm. Cảm thấy có điều bất thường, bà tìm mọi cách để phá cửa nhưng bất thành. Trong lúc người vợ chạy đi tìm sự hỗ trợ từ các nhân viên, một vị khách ở tầng dưới cũng gọi điện phàn nàn khi thấy nước nóng bỏng nhỏ xuống phòng tắm của mình.
Vì cánh cửa phòng tắm bị chốt chặn bên trong và không có thiết kế khóa mở an toàn trong trường hợp khẩn cấp nên nhân viên khách sạn gặp rất nhiều khó khăn trong việc phá cửa. Sau nhiều nỗ lực, cánh cửa cũng được mở bung, tuy nhiên cảnh tượng bên trong lại khiến người ta bàng hoàng.
Mọi nỗ lực tuyệt vọng đã được thực hiện để cứu ông Hunter nhưng thật đáng buồn là ông đã tử vong. Ảnh ông Hunter chụp cùng người thân
Theo báo cáo, ông Wallace Hunter đã bị bỏng 83% cơ thể vì vòi hoa sen của khách sạn gặp sự cố. Người đàn ông xấu số đã bị bỏng độ ba, các vết bỏng đã gây tổn thương nặng cho da, phá hủy dây thần kinh gây tê liệt và khiến ông khiến Wallace Hunter bị nhiễm trùng nặng và tử vong ngay sau đó.
Christopher Stanton, quản lý khách sạn (56 tuổi), đã thừa nhận trong cuộc điều tra rằng, đáng lý những vấn đề dẫn đến cái chết của ông Hunter đã có thể được giải quyết từ nhiều năm trước đó. Ông cho biết vòi sen đã nhận nhiều phàn nàn từ khách về việc điều chỉnh nhiệt độ nước. Vòi sen này đã có tuổi đời trên 30 năm và việc kiểm soát nhiệt độ của nó được cho là "rất nhạy cảm".
Cũng theo ông Stanton, vòi tắm có hai phần: một vòi cho bồn tắm và một vòi cho vòi sen, cộng với một bộ điều khiển ở giữa khiến khách hàng dễ bị nhầm lẫn. Hệ thống vòi sen có tuổi đời hơn 30 năm sẽ đột ngột chuyển nóng bỏng khi nước lạnh bị ngắt đột ngột. Điều này đã vô tình đẩy ông Hunter vào tình huống nguy hiểm khi hệ thống gặp trục trặc.
Thêm vào đó, nhân viên khách sạn đã gặp khó khăn trong việc phá cửa phòng tắm khi vợ ông Hunter gọi cầu cứu. Ông Stanton cũng thừa nhận rằng việc thay thế ổ khóa có chức năng an toàn sẽ chỉ tốn thêm khoảng 80 bảng Anh cho một phòng. Đáng tiếc ông đã không thực hiện điều này, ngoài vòi hoa sen thì cánh cửa không đảm bảo tiêu chuẩn cũng là "thủ phạm" gây nên cái chết của ông Hunter.
Khách sạn Pitlochry Hydro ở Perthshire - nơi xảy ra sự cố.
Cuộc điều tra cho biết có 19 khiếu nại về hệ thống điều khiển, nhiệt độ cao, vòi sen "nóng như thiêu đốt" hoặc thiếu nước lạnh đã được ghi lại trong nhật ký bảo trì khách sạn trong chín tháng trước khi ông Hunter qua đời.
Nhiệt độ kiểm soát ở vòi hoa sen trong phòng của ông bà Hunter được ghi nhận là "không ổn" và vòi hoa sen được báo cáo là "quá nóng" chỉ vài tuần trước khi xảy ra thảm kịch.
Vụ việc vẫn đang tiến hành điều tra
Christopher Stanton phát biểu với Ủy ban điều tra tai nạn chết người (FAI) thừa nhận rằng ông phải chịu một phần trách nhiệm về sự việc này.
Ông nói với Tòa án Alloa Sheriff: "Tôi phải chịu một phần trách nhiệm cho việc đó.
"Trong hơn 20 năm làm quản lý, chúng tôi chỉ ghi nhận được khoảng hai hoặc ba vụ bỏng nhẹ, nên tôi không nghĩ chúng tôi có vấn đề gì nghiêm trọng với điều đó", ông Stanton bày tỏ.
"Nếu được hỏi một câu hỏi trực tiếp, liệu tôi có thể lường trước được đây là một vấn đề không? Câu trả lời phải là có. Nhưng tôi đã không làm gì cả, và cũng không có ai khác làm. Tôi ước gì mình đã xử lý những vấn đề này trước", Ông Stanton cho biết ông rất đau buồn trước cái chết của ông Hunter và cũng rất hổ thẹn với gia đình nạn nhân.
Công ty sở hữu khách sạn hiện đã phá sản và khách sạn đã có chủ sở hữu mới.
Vụ việc sẽ được tiếp tục điều tra vào thứ Hai tới đây.