Chúng ta vẫn thường nghe lời đồn đại về hậu cung của vua chúa có tới 3 nghìn giai lệ, tam cung lục viện. Song, trên thực tế, số lượng phi tần của hoàng đế trong các triều đại đều có quy định nghiêm ngặt, không được vượt quá 121 người.
Số lượng phi tần, thê thiếp lớn dẫn tới việc ai ai cũng muốn tranh giành sự sủng ái của hoàng thượng. Cho dù hoàng đế mỗi ngày đều tới tẩm cung của các phi tần để cưng chiều họ, thì hơn 100 thê thiếp cũng phải mất gần nửa năm, chưa kể sẽ có thêm rất nhiều người mới vào cung.
Song, có một quy định tồn tại từ nhiều triều đại Trung Hoa: Phi tần trên dưới 50 tuổi sẽ không được hoàng thượng thị tẩm.
Tuổi 50 được xem là một cột mốc quan trọng của người phụ nữ. Ở độ tuổi này, dường như họ đã đi qua thời thanh xuân phơi phới nhất, nhưng không vì thế mà giảm đi sự tự tin và xinh đẹp. Ngược lại, vẻ đẹp được mài dũa qua thời gian khiến họ càng đằm thắm, tri thức và sự sắc sảo khiến thần thái và khí chất họ càng nổi bật.
Vậy tại sao họ lại bị rơi vào quên lãng ở độ tuổi hồi xuân đẹp đẽ?
Đảm bảo sức khỏe của phi tần
Vào thời phong kiến y học chưa phát triển được như bây giờ, phụ nữ lớn tuổi nếu sinh nở thì sẽ đối mặt với rất nhiều rủi ro. Ngay cả những phi tần đang trong độ tuổi sinh nở, được các thái y ở bên chăm sóc cũng không tránh khỏi điều đáng tiếc. Nếu chẳng may xảy ra chảy máu cấp, nhiễm trùng vết thương,… sẽ làm tăng nguy cơ tử vong. Điều này càng nguy hiểm hơn khi phụ nữ bước sang tuổi 50.
Đảm bảo chất lượng "giọt máu" của hoàng gia
Đối với hoàng tộc, sinh con đẻ cái cho hoàng đế là vô cùng quan trọng. Những đứa trẻ thời xưa thường dễ bị chết yểu do y học còn chưa phát triển và vì những cuộc đấu đá trong hậu cung nên việc sinh ra những đứa trẻ trong Tử Cấm Thành là vô cùng khó khăn. Khi hoàng đế già đi, ông ta sẽ ngày càng lo lắng hơn về vấn đề người thừa kế. Trong khi đó, phụ nữ lớn tuổi thường không dễ thụ thai do đến tuổi mãn kinh. Vậy nên các phi tần trên 50 tuổi thường mất cơ hội được hầu hạ hoàng đế.
Đặc biệt, theo nghiên cứu khoa học, người mẹ mang thai sau 35 tuổi có thể làm tăng nguy cơ sinh mổ, đái tháo đường thai kỳ, tăng huyết áp, tiền sản giật, sinh non. Đặc biệt, nguy cơ con bị dị tật bẩm sinh, chậm phát triển về thần kinh vận động cũng tăng theo tuổi của mẹ.
Nguyên nhân là mẹ càng lớn tuổi, khả năng các nhiễm sắc thể ở trứng dính vào nhau càng cao, dẫn đến những bệnh liên quan rối loạn nhiễm sắc thể như hội chứng Down, Edwards... Nghiên cứu cho thấy người mẹ 25 tuổi, tỷ lệ sinh con mắc bệnh Down chỉ 1/1.250 ca; 1/952 ở mẹ tuổi 30; 1/378 ở mẹ tuổi 35; 1/30 ở mẹ trên 45…
Cân bằng quyền lực hậu cung
Các phi tần trong hậu cung của hoàng đế đều xuất thân từ gia đình quý tộc, đôi khi họ còn có mối quan hệ không thể tách rời với triều đại trước. Mà hoàng đế dành cả đời để tăng cường tập trung quyền lực, nếu hoàng đế nhớ đến tình cũ và kết giao quá thân thiết với các phi tần trên 50 tuổi, quan viên trong triều sẽ lên tiếng can ngăn.
Vì vậy, hoàng đế phải chú ý đến từng lời nói, hành động, cho dù có mối quan hệ với phi tần đã hơn 50 tuổi, ngài cũng cần phải kiềm chế cảm xúc của mình.
Có những trường hợp ngoại lệ
Trong thời kỳ phong kiến, do ảnh hưởng bởi nhiều nguyên nhân, tuổi thọ trung bình của con người rất ngắn, do đó số phi tần có thể sống qua 50 tuổi thật sự rất ít. Hơn nữa, nếu được hoàng đế quan tâm thì quả thực may mắn, nhưng không phải phi tần nào cũng được như vậy, có người cả đời còn không thể thấy mặt hoàng đế. Sống trong hậu cung xa hoa nhưng lạnh lẽo, cô đơn, tủi nhục, uất ức, không có niềm vui cũng là những điều khiến phi tần ít ai sống thọ.
Mặc dù các hoàng đế thời phong kiến hiếm khi cho phép các phi tần trên 50 tuổi ngủ với mình nhưng không phải không có trường hợp ngoại lệ.
Ví dụ như Hoàng đế Càn Long từng ở bên mẹ của Vĩnh Kỳ, tức Du Quý phi trong những năm cuối đời. Bà đồng hành cùng Càn Long hơn 65 năm, 79 tuổi còn được hoàng đế lật thẻ tên, không phải để thị tẩm, mà là ngồi cùng nhau tận hưởng một ngày tuổi già.
Song không phải hoàng đế nào cũng giống Càn Long, rất ít vị hoàng đế dành thời gian cho những phi tần đã già của mình, nguyên nhân cơ bản là địa vị xã hội của phụ nữ quá khiêm tốn, và hoàng đế, người nắm giữ quyền lực tối cao, đương nhiên không muốn lãng phí quá nhiều thời gian cho những người phụ nữ đã hết giá trị.