Ở bậc THCS, điểm mới của phương thức đánh giá hiện đang áp dụng cho học sinh lớp 6, lớp 7 khác với trước là có những môn học giáo viên không cần cho điểm, thay vào đó chỉ đánh giá bằng nhận xét gồm: Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mĩ thuật, Nội dung giáo dục của địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Kết quả học tập theo môn học chỉ được đánh giá bằng nhận xét theo một trong hai mức: Đạt, Chưa đạt.
Cách đánh giá mới cũng bỏ cách tính điểm trung bình tất cả các môn học để xếp loại học lực thay vào đó là tính điểm trung bình từng môn. Thay đổi tiêu chuẩn xếp loại học kỳ và cả năm học. Nếu theo cách tính cũ, học sinh được xếp thành các loại: giỏi, khá, trung bình, yếu, kém nhưng quy định mới chỉ xếp theo 4 mức gồm: tốt, khá, đạt, chưa đạt. Trong đó, tiêu chí để xếp mức tốt gồm: tất cả các môn đánh giá bằng nhận xét phải Đạt; điểm tổng kết môn từ 6,5 trở lên; có ít nhất 6 môn có điểm trung bình từ 8,0 trở lên… Trong phương thức đánh giá mới, nhà trường chỉ khen 2 danh hiệu là học sinh xuất sắc và học sinh giỏi, bỏ khen danh hiệu học sinh tiên tiến. Học sinh được khen danh hiệu xuất sắc thật sự rất khó khi phải có điểm trung bình ít nhất 6 môn được đánh giá học tập cả năm tốt và tổng kết 9.0 trở lên.
Ở bậc tiểu học, cách đánh giá mới đang áp dụng cho lớp 1,2,3. Các điểm mới là giáo viên được đa dạng, linh hoạt hình thức đánh giá thường xuyên học sinh; đề kiểm tra giảm áp lực cho học sinh…
Bà Nguyễn Thị Anh Thư, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thành Công A, quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, theo thông tư mới, học sinh tiểu học được đánh giá định kỳ bằng điểm số kết hợp với nhận xét. Trong đó, tính nhân văn được thể hiện ở chỗ điểm của bài kiểm tra định kỳ không dùng để so sánh học sinh này với học sinh khác. Thứ 2 là giáo viên được linh hoạt trong đánh giá thường xuyên nhưng chủ yếu thông qua lời nói chỉ ra cho học sinh biết được chỗ đúng, chưa đúng và cách sửa chữa; viết nhận xét vào vở hoặc sản phẩm học tập của học sinh khi cần thiết, có biện pháp cụ thể giúp đỡ kịp thời. “Thay đổi lớn nữa là đề kiểm tra định kỳ phù hợp chuẩn kiến thức, kỹ năng được thiết kế theo 3 mức gồm: nhận biết; kết nối, vận dụng các nội dung đã học để giải quyết một số vấn đề mới (giảm 1 mức so với trước)”, bà Thư nói.
Đến năm thứ 3 áp dụng cách đánh giá mới ở bậc tiểu học, bà Nguyễn Thị Ngân Bình, Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Giang, quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho rằng, cách đánh giá mới nhân văn, linh hoạt và sát với học sinh và giảm áp lực hơn. Điều đó thể hiện ở giáo viên có thể đa dạng hoá hình thức đánh giá thường xuyên trên lớp.
Giảm số lượng học sinh xuất sắc
Bà Đặng Thị Thanh Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho rằng, với cách đánh giá mới học sinh đạt danh hiệu xuất sắc không dễ. Các em phải thật sự nổi trội trong suốt quá trình học. Nếu như trước đây, thực hiện cách tính điểm trung bình tất cả các môn, học sinh có thể học lệch môn này “cõng” môn khác thì nay ít nhất 6 môn đạt mức 9,0 trở lên và các môn nhận xét phải “Đạt”. “Trong năm đầu tiên áp dụng đã có nhiều học sinh rớt danh hiệu rất đáng tiếc và giảm tỉ lệ học sinh được khen thưởng, tuy nhiên đã là tiêu chí áp dụng phải tuân theo”, bà Hà nói.
Một trong những điều khiến hiệu trưởng này băn khoăn là việc giảm đầu điểm các bài kiểm tra, đánh giá như con dao 2 lưỡi. Nếu cách đánh giá cũ, học sinh có nhiều đầu điểm kiểm tra, các em sẽ có cơ hội phấn đấu đạt kết quả tốt hơn khi áp phương thức mới, học sinh đỡ phải làm bài nhưng các em ít có cơ hội sửa điểm. “Tôi cho rằng, không nên áp dụng cứng quy định mà trong quá trình học tập, giáo viên tăng cường kiểm tra, đánh giá thường xuyên để học sinh có cơ hội phấn đấu, động viên các em”, bà Hà nói.
Bà Tô Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ, quận Ba Đình (Hà Nội) cũng cho rằng, cho dù áp dụng hình thức kiểm tra, đánh giá đối với sách mới, sách cũ đều có điểm tương đồng là dựa trên chuẩn kiến thức, kỹ năng của học sinh. Sự đánh giá cũng hướng tới sự khích lệ, động viên học sinh, tạo cơ hội thuận lợi để đánh giá các em trong cả quá trình học.
Bà Yến cũng cho biết, cách đánh giá mới có tính nhân văn là giảm áp lực cho học sinh. Ví dụ việc giảm đầu điểm các bài kiểm tra sẽ giảm áp lực học tập. Cách đánh giá cũ, môn Ngữ văn lớp 9 có đến 18 hệ số điểm/kỳ với 6 bài kiểm tra hệ số 1, 5 bài hệ số 2 và 1 bài kiểm tra học kỳ hệ số 3 thì nay giáo viên có thể đa dạng phương thức đánh giá như: giao bài tập; dự án học tập; kiểm tra bài cũ… Điều này sẽ khác hẳn với việc cứ đến giờ học sinh phải căng thẳng lấy giấy ra thực hiện 1 bài kiểm tra viết. “Tuy nhiên, đánh giá cách nào đều do con người thực hiện, đòi hỏi tính khách quan, nhân văn, vì sự tiến bộ học sinh. Với cách đánh giá ít đầu điểm mà giáo viên cho điểm 1 thì cơ hội phấn đấu lấy danh hiệu cao của học sinh rất ít”, bà Yến nói.
“Ở góc độ quản lý giáo dục, tôi khuyến khích giáo viên thận trọng trong chuyện đánh giá và phải thực hiện đúng chủ trương nhận xét học sinh nhằm hướng tới sự tiến bộ, không đòi hỏi sự hoàn thiện. Có chân thực nhưng không quá khắt khe, khắc nghiệt, tạo cơ hội cho học sinh yêu thích môn học và có động lực phấn đấu”, Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ Tô Thị Hải Yến.