Theo The Guaridian, Jakapil kaniukura là một Thyreophora, tức "khủng long bọc thép" hay "khủng long bọc giáp". Khắp người nó là những mảnh giáp nhọn hình chiếc lá đáng sợ. Thế nhưng quái vật này lại là một con thú ăn cỏ hiền lành của kỷ Phấn Trắng.

Đào được quái vật dài 1,5 m không tay, mặc áo giáp ở Nam Mỹ - Ảnh 1.

Các nhà khoa học đang khai quật hóa thạch - Ảnh: REUTERS

Tờ Sci-News cho hay các mảnh hóa thạch của nó được khai quật từ Hệ tầng Candeleros ở Río Negro, Bắc Patagonia - Argentina và được nghiên cứu bởi nhà cổ sinh vật học Sebastián Apesteguía và các cộng sự từ tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Felix de Azara tại Đại học Maimonides và Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Kỹ thuật Quốc gia Argentina (CONICET).

Quái vật này có họ hàng với một số "khủng long bọc thép" khác từng được khai quật tại Mỹ, Đức và Anh.

Đặc điểm gây chú ý nhất của loài mới là 2 "cánh tay" trông khá buồn cười, thậm chí nhìn qua thì tưởng chừng như nó không có tay. Đó chỉ là 2 rẻo thịt bé nhỏ, rất ngắn, hầu như không có tác dụng gì, gắn vào nơi lẽ ra là 2 chi trước của con vật.

Bù lại quái vật này có một cặp chân chắc khỏe và một thân hình nhẹ nhàng, linh hoạt: Dài tới 1,5 m nhưng nặng chỉ vài kg từ đầu đến chân.

Đào được quái vật dài 1,5 m không tay, mặc áo giáp ở Nam Mỹ - Ảnh 3.

Hình ảnh phục dựng cho thấy "dung nhan" 2 quái vật ở Argentina - Ảnh: SCI-NEWS

Cũng như các khủng long bọc thép khác, quái vật này có bộ não khá nhỏ so với cơ thể. Phát hiện kỳ thú ở Nam Mỹ này cho thấy dòng họ này có thể phân bố rộng rãi hơn suy nghĩ trước đây.

Khủng long bọc thép có nguồn gốc khoảng 200 triệu năm về trước, nhanh chóng phát triển khắp thế giới. Tuy nhiên nó nhanh chóng suy giảm trong kỷ phấn trắng và con Jakapil kaniukura mới phát hiện là một trong những loài hiếm hoi tồn tại được qua mốc 100 triệu năm về trước.

Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Scientific Reports.