BSNT là chương trình đào tạo tuyển chọn những sinh viên học y khoa xuất sắc ngay sau khi kết thúc khóa học ĐH 6 năm để tiếp tục được học tập, đào tạo trở thành bác sĩ chuyên khoa sâu (3 năm). Chương trình đào tạo BSNT chỉ có 1 kỳ thi vào mỗi năm cho chính các sinh viên vừa tốt nghiệp trong năm học đó. Chính vì vậy, mỗi sinh viên Y khoa có 1 cơ hội tham gia thi BSNT trong đời.

Mới đây, GS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, xin ý kiến giới chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo ngành y, về việc đề xuất với lãnh đạo Bộ Y tế thay đổi một số yêu cầu về tiêu chuẩn, điều kiện tuyển sinh sau ĐH ngành y, đặc biệt là với BSNT. Ông nhận định, hiện nay một số yêu cầu đối với tuyển sinh sau ĐH, nhất là hệ BSNT các ngành khoa học sức khỏe không còn phù hợp với thực tế và chính định hướng phát triển của ngành Y tế.

Đào tạo bác sĩ nội trú: Tinh hoa hay đại trà? - Ảnh 1.

Đào tạo bác sĩ nội trú trong các trường ĐH Y dược hiện nay đang theo hướng tinh hoa

Chẳng hạn, với bối cảnh xã hội hiện đã thay đổi, quan niệm đào tạo nội trú là đào tạo chuyên khoa, không còn là đào tạo nhân tài, tinh hoa như trước đây. “Vì thế, nên chăng Bộ Y tế bỏ các điều kiện ngặt nghèo về hồ sơ đăng ký thi nội trú, để cho bất kỳ tân bác sĩ nào cũng có cơ hội bước vào kỳ thi này”, ông Tú nói.

Về đào tạo bác sĩ chuyên khoa (CK) I, GS Tú đề xuất bỏ điều kiện thí sinh phải có chứng chỉ hành nghề, hoặc có thời gian làm việc liên tục 12 tháng trong chuyên ngành sẽ dự thi. Với bác sĩ CK2, nên bỏ điều kiện phải tốt nghiệp thạc sĩ đủ 36 tháng với người có bằng thạc sĩ, mà chỉ cần có chứng chỉ hành nghề chuyên khoa.

GS Tú phân tích, học xong Y khoa 6 năm, các bác sĩ đa khoa rất khó có việc làm, nên khó đủ điều kiện thi chứng chỉ hành nghề; quy định điều kiện dự tuyển CK1 như hiện nay gây khó cho người học. Về tuyển sinh bác sĩ CK2, đòi hỏi ứng viên có bằng thạc sĩ khác đối với người có bằng CK1 là không phù hợp, vì theo khung trình độ quốc gia, thạc sĩ được công nhận tương đương CK1.

GS.TS Lê Quang Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, ủng hộ quan điểm mở rộng đào tạo chương trình BSNT.

“Ngày xưa là tinh hoa vì điều kiện đào tạo chỉ cho phép ta nhận được rất ít người, nên phải chọn lọc. Nhưng bây giờ bác sĩ học y ra mà không qua khóa đào tạo như thế mà vẫn được tham gia chữa bệnh thì rất đáng ngại cho bệnh nhân. Nếu muốn có tinh hoa, chúng ta có thể lọc ra trong số được đào tạo nội trú để bồi dưỡng tiếp”, GS Cường nói.

GS Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Y Hà Nội, cũng cho rằng không nên coi nội trú là đào tạo nhân tài mà chỉ là chuyên khoa bắt buộc, trong quá trình đào tạo thì chọn lọc tinh hoa.

E ngại chất lượng sẽ giảm

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến tỏ ra quan ngại trước việc đưa đào tạo BSNT từ tinh hoa sang đại trà. TS Lê Khắc Bảo, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Y học, Trường ĐH Y Dược TPHCM, cho rằng, chương trình đào tạo BSNT của Việt Nam từ trước đến giờ vẫn rất nổi tiếng, bởi chất lượng đào tạo . Sở dĩ đạt được thành tựu đó là do thực hiện mô hình đào tạo tinh hoa với BSNT.

Để được học, ứng viên phải tham gia một kỳ thi ngặt nghèo kèm theo đó là điều kiện học tập 6 năm Y khoa khá cao; quá trình đào tạo có nhiều thầy giỏi tham gia, nên người đã được theo học nội trú đều trở nên rất giỏi về chuyên môn. TS Bảo đánh giá hướng đào tạo mới tốt cho đa số bác sĩ, nhưng lại có nguy cơ đánh mất thành tựu đã đạt được. Nên chăng có 2 loại hình nội trú: đại trà cho bất kỳ bác sĩ nào muốn học, tinh hoa theo cách thức chọn lọc khắt khe như cũ.

GS.TS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Y Dược TPHCM, nói rằng, Việt Nam chưa xác định loại hình phát triển của hệ thống y tế; ở nước ngoài, cả hệ thống y tế tham gia đào tạo, không chỉ vài trường với vài bệnh viện như ta hiện nay.