Theo người đi cùng bệnh nhi, sau phát hiện bệnh nhi bị rắn cắn, người nhà đưa đến thầy lang đắp thuốc nam. Đến chiều tối, vết cắn sưng tấy, mệt mỏi và dần mất ý thức, trên đường đi cấp cứu, bệnh nhi rơi vào tình trạng hôn mê sâu và ngừng tuần hoàn ngay sau đó.
Tại phòng cấp cứu của phòng khám, các bác sĩ tiến hành ép tim ngoài lồng ngực, thiết lập đường truyền và sử dụng các thuốc vận mạch. Sau ít phút cấp cứu, bệnh nhi có mạch trở lại và gia đình xin chuyển bệnh viện tỉnh điều trị tiếp.
Tuy nhiên, do tình trạng nhiễm độc nặng, mặc dù đã được các bác sĩ ở phòng khám và bệnh viện tỉnh cấp cứu tích cực nhưng bệnh nhi không qua khỏi.
Theo các bác sĩ, đây là một trường hợp rất đáng tiếc, do tâm lý e ngại đến bệnh viện và bỏ lỡ thời gian vàng trong điều trị nên đến khi đến cấp cứu mọi việc đã trở nên quá muộn.
Đồng thời, đây là sai lầm lớn nhất trong sơ cứu người bệnh bị rắn cắn, đó là áp dụng các phương pháp dân gian chưa có cơ sở khoa học để điều trị.
Các bác sĩ khuyến cáo: Người dân nếu không may bị rắn độc cắn cần nhanh chóng sơ cứu đúng cách với mục đích hạn chế chậm nhất sự xâm nhập của nọc độc vào cơ thể, sau đó phải đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.