“Chị đi làm (gái) rồi à, sao chị biết họ mặc như vậy?” – Vài ngày qua, câu đáp trả anti-fan trên tài khoản insta cá nhân của Tóc Tiên trở thành chủ đề “nóng” cho giới truyền thông và cộng đồng mạng “mổ xẻ”. “Chín người mười ý” nên chuyện của riêng 2 người hóa thành chuyện của cả cộng động mạng mấy vạn người soi xét.
Khi sao Việt bốp chát, quyết phân định thắng thua với antifan...
Những ngày đầu tháng 4, Tóc Tiên tung sản phẩm mới sau thời gian dài “im hơi lặng tiếng”. “Phút giây tuyệt vời” thay vì gây sốt bằng giai điệu ngọt ngào, phong cách retro quyến rũ như “Em không là duy nhất”, MV lại “dậy sóng” vì hình ảnh sexy, nổi loạn, hở bạo của Tóc Tiên. Giữa “tâm bão”, cô thản nhiên đăng tải bức hình gợi cảm trong chiếc váy voan mỏng tang, khoe trọn 3 vòng nóng bỏng trên Insta. Trong khi fan ruột của cô hết lời khen ngợi, một bình luận thiếu thiện chí “lạc lõng” xuất hiện: “Mặc đồ thấy ghê quá, không khác gì là gái”. Lời so sánh nặng lời này khiến Tóc Tiên mau chóng “xù lông” phản kháng: “Chị đi làm rồi à, sao chị biết họ mặc như vậy?”
Câu nói của tài khoản kia vốn đã sỗ sàng, mỉa mai thiếu văn hóa. Lời "vỗ mặt" của Tóc Tiên lại cũng bốp chát, thâm cay.
Đây không phải lần đầu tiên nữ ca sĩ thế hiện sự “đanh đá” của mình. Tháng 5/2017. Sau MV Walk Away, một khán giả bất ngờ để lại dòng bình luận khá dài trên Facebook Tóc Tiên . Người này cho rằng MV Walk Away của cô không thành công vì nữ ca sĩ làm là để “nuông chiều bản thân mình”; thành công trong 2 năm qua đã biến Tóc Tiên thành người quá tự tin. Và còn khuyên nữ ca sĩ nên biết nhún nhường, khiêm tốn, lắng nghe những người xung quanh. “Hy vọng thành công của chị kéo dài lâu bền, đừng bạo phát bạo tàn vì showbiz chỉ cần những nghệ sĩ sạch sẽ như chị làm gương cho giới trẻ” - khán giả này viết.
Ngay lập tức, Tóc Tiên đáp trả bằng lời lẽ “không phải dạng vừa đâu”: “Em, tiền chị làm sản phẩm cũng từ tiền túi mà ra chứ chả ngủ với ông nào để khoác lên cái hào nhoáng trên người cả. .. Chị sẽ chả nói chuyện với em làm gì vì em xàm lắm, nhưng do em đã bình luận quá nhiều lần kiểu xấc láo, dạy đời như vậy rồi - nghĩa là em có cả ý đồ âm mưu đằng sau, nên chị khuyên em nhé: BIẾN”
Tóc Tiên sẵn sàng "đáp trả" trước những bình luận trái chiều của cư dân mạng.
Chẳng riêng gì Tóc Tiên, nhiều nghệ sĩ Việt khác cũng thẳng tay đáp trả những bình luận mỉa mai, xúc phạm. Đôi khi lời đáp trả ấy lại đẩy câu chuyện...đi xa hơn. Gần đây, antifan vào tường nhà Hà Hồ và để lại dòng bình luận chê bai với hàm ý "khó ưa" Nữ hoàng giải trí. Ngay lập tức, nữ ca sĩ đáp trả bằng lời lẽ chua chát: "Mặt em chắc nhiều người ưa. Tên chắc ở trong hãng phim của Nhật". Trong bình luận của mình, Hà Hồ cũng không e dè sử dụng từ “lóng” đề “dằn mặt” anti.
Nếu Hà Hồ có giọng điệu phản pháo châm chọc sâu cay thì Tuấn Hưng nổi tiếng với cách đáp trả được ví như “giang hồ”. Anh từng dọa sẽ giết và cắt gân một tài khoản lạ trên mạng xã hội đã bình luận khiếm nhã về con trai mình. “Cứng” không kém Tuấn Hưng, Đàm Vĩnh Hưng từng nhiều lần thách thức antifan gặp trực tiếp mình mà chê trách, anh sẽ “chơi đến cùng”...
“Ăn miếng trả miếng” với antifan: Nghệ sĩ chứ không phải “hàng tôm hàng cá”
Cách đáp trả của Tóc Tiên khiến cho dư luận “dậy sóng” nhiều ngày nay. Người yêu mến thì khen Tiên cá tính, thẳng thắn, nhưng cũng chẳng ít người ngao ngán lắc đầu, vì cho đây là cách đáp trả “hơn thua nhỏ mọn”, “ăn miếng trả miếng”... Lời ẩn ý của Tiên khiến người ta dễ mường tượng đến cách trả đũa xéo xắt, bốp chát nhan nhản trên đường ngoài phố. Với một người ứng xử thiếu văn hóa, Tiên có nên chăng phải “hạ mình” đáp trả theo cách thức ấy? Ranh giới giữa thẳng thắn, khôn ngoan với ngoa ngoắt, tầm thường vốn chỉ nằm gọn trong vài từ vài chữ.
Từ trước tới nay, bị antifan đả kích là áp lực đáng sợ với bất kì nghệ sĩ nào. Đã có những người mệt mỏi muốn giã từ sự nghiệp hoặc chọn cách im lặng, làm ngơ. Thế nhưng, cái khó ở đời là “cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng”. Trước những lời xúc phạm nhân phẩm, danh dự, công kích quá khích, việc sao Việt phản pháo, răn đe âu cũng là lẽ thường tình. Nhưng nếu để sự nóng giận lấn át lí trí, để những kẻ châm chọc “dắt mũi”, họ có thể “mất điểm” trong mắt fan bất cứ lúc nào...
Chắc chưa ai quên đúng 1 năm trước, Trấn Thành khốn đốn vì phát ngôn: “Nếu khán giả thấy hài nhảm, hãy tắt tivi”. Câu nói được cho là mang hàm ý thách thức, trịch thượng, coi thường khán giả đã khiến Trấn Thành mang “án cấm sóng” và mất điểm trầm trọng với fan. Dù đã xin lỗi và giải thích hàm ý của mình nhưng suốt một năm 2017, Trấn Thành vẫn lận đận trong vụ việc vạ miệng nhớ đời đó.
Những bậc “đàn anh đàn chị” như Tuấn Hưng, Duy Mạnh, Đàm Vĩnh Hưng, Hà Hồ...dù sở hữu lượng fan khủng trên cả nước và kinh nghiệm lâu năm trong nghề nhưng cũng liên tục “nóng giận mất khôn” mà đáp trả cục cằn, thiếu văn hóa với antifan. Từ lâu, Tuấn Hưng hay Duy Mạnh đã được liệt vào danh sách những ca sĩ “không nên động chạm”. Đã từng có khán giả viết: “Tôi không thể thần tượng Tuấn Hưng dù yêu giọng hát đó. Tôi không muốn dõi theo một người bặm trợn, dễ kích động, đe dọa người khác như vậy!”
Sau khi Hà Hồ “trả đũa” antifan: "Mặt em chắc nhiều người ưa. Tên chắc ở trong hãng phim của Nhật." Cư dân mạng đã nhanh chóng chụp màn hình và chia sẻ khắp nơi. Hà Hồ bỗng nhiên nhận một trận “dội bom ngược” ngoài mong đợi: “Người trong nghề hay sao mà biết kĩ thế chị?”; “Mặt chị thì không khó ưa nhưng văn hóa của chị thì có đó.”;...
Cộng đồng mạng chắc chắn chưa quên được màn đối đáp gay cấn của Hà Hồ và anti-fan trong vụ ồn ào nhẫn kim cương trái tim cỡ đại.
Mạng xã hội đưa nghệ sĩ đến gần người hâm mộ nhưng cũng tại đây, họ dễ dàng “đánh mất mình” trong phút chốc vì những phát ngôn thiếu suy nghĩ. Nghệ sĩ được xem là “thần tượng” không chỉ bởi họ đẹp và tài năng mà đó là sự tổng hòa của cả nhân cách, văn hóa. Đáp trả những lời chê bai, chỉ trích quá khích là chính đáng, để thể hiện tiếng nói của nghệ sĩ nhưng nếu dùng cách phản pháo xéo xắt, châm chọc hay ngôn ngữ “lóng”, bậy bạ...thì nghệ sĩ đang tự mang mình xếp ngang hàng với kẻ đặt điều, vô văn hóa - dân gian gọi đó là “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”. Hành động ấy thể hiện cho sự thẳng thắn, cá tính, có bản lĩnh? Không, nó chứng minh họ nóng vội, thiếu kinh nghiệm, văn hóa ứng xử kém và không trân trọng khán giả, đặc biệt người yêu thương họ.
Biến âm nhạc thành “vũ khí” chống trả antifan
Không chỉ với sao Việt, bất cứ ngôi sao nào trên thế giới, tại các thị trường âm nhạc như US, UK, Kpop, ...việc đáp trả antifan khôn ngoan, đúng cách luôn là bài toàn khó. Tại Hàn Quốc, các sao thường chọn cách im lặng, hiếm khi đáp trả lời chỉ trích để tránh hệ lụy kéo dài hoặc nếu muốn làm rõ, họ chọn cách nói chuyện trực tiếp thay vì qua lại trên mạng xã hội trước sự soi mói của hàng vạn người khác.
Khi bị ví von như con rắn giả dối, gian xảo, Taylor Swift thay vì lời qua tiếng lại, uổng phí thời gian, cô phản pháo bằng chính ca khúc Shake It Off. Cụm từ “haters gonna hate” trong bài trở thành thông điệp chống antifan mạnh mẽ của cô nàng. Những kẻ buông lời chỉ trích Taylor trong mơ cũng không thể ngờ rằng: chính họ là nguồn cảm hứng giúp Taylor cho ra đời ca khúc chiếm lĩnh các bảng xếp hạng danh tiếng thế giới.
Để chống trả antifan, nhiều sao biến âm nhạc thành "vũ khí" tự bảo vệ mình thông minh và hiệu quả.
Tại Hàn Quốc, T-ara N4 và BTS tiên phong cho phong trào độc đáo này. Sự lặp lại nhiều lần của cụm từ "Tại sao bạn thù ghét tôi?" ; "Đó là cuộc sống của tôi, tại sao bạn lại quan tâm đến nó?" trong Jeon Won Diary của T-ara N4 ám chỉ việc antifan luôn "ném đá" các thành viên một cách vô căn cứ. Cuối 2017, BTS phát hành MV Mic Drop, ca khúc có nội dung nhắm đến đối tượng luôn chê cười, chỉ trích nhóm. BTS tự hào nói về những thành công đáng ngưỡng mộ, những giải thưởng danh giá của mình và khẳng định họ không e ngại bất cứ lời chê trách nào.
Những lời công kích, xúc phạm của người hâm mộ không thiện cảm có thể kéo nghệ sĩ từ đỉnh cao danh vọng xuống đáy bùn thất bại. Đều là con người nên họ cũng biết đau đớn khi bị xúc phạm, cũng biết tức giận khi liên tục bị công kích. Việc họ lên tiếng đáp trả để bảo vệ chính mình là nên làm và hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, là người của công chúng, mỗi lời nói của họ gián tiếp ảnh hưởng đến hàng trăm, hàng ngàn người hâm mộ. Sơn Tùng MTP từng chia sẻ: “Muốn ngồi ở một vị trí không ai ngồi được thì phải chịu những cảm giác không ai chịu được”. Là nghệ sĩ là ngôi sao, họ phải chấp nhận đối mặt với áp lực, chấp nhận có người thương thì có kẻ ghét, không thể nói vì nóng giận, bức xúc mà cư xử thiếu văn hóa, đáp trả bốp chát, ngoa ngoắt với người hâm mộ...Mỗi lời nói, phản ứng của nghệ sĩ được theo dõi bởi hàng trăm hàng ngàn người và có sức ảnh hưởng tới một nhóm cộng đồng không nhỏ. Đừng gián tiếp đưa đến người yêu thương mình cách cư xử kém văn hóa và tiếp tay cho kẻ ghét mình hài lòng...