Theo thống kê, trong danh sách 326 thí sinh trúng tuyển ngành Y khoa, trường ĐH Y Hà Nội năm nay bằng điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ có 25 thí sinh khu vực 3. Đây là những thí sinh cơ bản không thuộc nhóm đối tượng ưu tiên (được cộng 3 điểm) và không có điểm ưu tiên khu vực (tối đa được cộng 0,75 điểm).

Trong khi đó trong số 40 thí sinh trúng tuyển ngành này bằng phương thức xét kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ thì phần lớn lại ở khu vực 3. Như vậy, năm nay, cánh cửa vào ngành Y khoa của trường ĐH Y Hà Nội đã mở rộng hơn đối với những thí sinh thuộc khu vực quận nội thành các thành phố trực thuộc trung ương.

Đạt điểm tuyệt đối vẫn trượt: Thí sinh 2K4 cần chuẩn bị gì cho mùa tuyển sinh 2022 - Ảnh 1.

TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học FPT cho rằng, đề thi tốt nghiệp THPT không còn phục vụ hai mục tiêu: xét tốt nghiệp, tuyển sinh ĐH như kỳ thi THPT quốc gia trước đây nên độ phân hóa không cao. Các trường lấy kết quả này để xét tuyển sinh nên điểm chuẩn tăng vọt. 

Khi có khá nhiều thí sinh có mức điểm cao thì vai trò của điểm ưu tiên (đối tượng, khu vực) bỗng dưng tạo ra sự khác biệt, khoảng cách lớn còn đề khó, trước đây, thí sinh được cộng tối đa tới 3,5 điểm cũng không có nhiều đột biến.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam, giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm ôn luyện THPT của Hệ thống Giáo dục HOCMAI thông tin thêm do số chỉ tiêu tuyển sinh bằng kết quả thi TNTHPT của một số trường đại học hàng đầu bị giảm đáng kể, trong khi chỉ tiêu dành cho các phương thức tuyển sinh khác tăng lên. Cụ thể như chỉ tiêu xét của ĐH trường Ngoại Thương từ 49% giảm xuống còn 30%, trường ĐH Kinh tế Quốc dân từ 60% giảm xuống còn 50%, trường ĐH Công Nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội từ 83% xuống 50%.

Hơn nữa do một số ngành học có lượng thí sinh đăng ký xét tuyển đột ngột tăng cao so với năm trước nên điểm xét tuyển đầu vào tăng vọt cục bộ.

TS. Nguyễn Thành Nam nhận định thời gian tới đề thi tốt nghiệp THPT sẽ không có thay đổi nhiều so với năm nay. Như vậy, sự thay đổi điểm chuẩn của các ngành học chủ yếu là do sự thay đổi về phương thức tuyển sinh đầu vào của các cơ sở giáo dục đại học.

Từ nhận định này, TS. Nguyễn Thành Nam cho rằng để chủ động cơ hội trúng tuyển ĐH, học sinh năm nay đang học lớp 12 trước tiên phải sớm xác định được các ngành học, trường ĐH muốn thi vào, từ đó xác định được rõ các phương thức tuyển sinh sẽ tham gia; xác định cụ thể mục tiêu học tập (điểm thi, điểm tổng kết, ...) phải đạt được.

Với những học sinh có sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển cần phải tập trung học tập rất nghiêm túc và chăm chỉ, học chắc, học đều các môn trong suốt những năm học THPT. Nên hoàn thành sớm chương trình học cơ bản để chuyển sang giai đoạn ôn luyện tổng thể và nâng cao.

Với học sinh có ý định sử dụng kết quả học bạ thì ngoài việc tập trung cho các môn ưu tiên, cần dành thời gian để học đều cả những môn còn lại, không nên học quá lệch vào một số môn dẫn đến kết quả học bạ không tốt.

Cần hết sức lưu ý, tùy theo diễn biến của dịch bệnh có thể có những thay đổi rất đột ngột trong công tác tuyển sinh của các cơ sở giáo dục ĐH. Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt thì các kỳ thi riêng sẽ được đẩy mạnh, khi đó chỉ tiêu tuyển sinh bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ giảm mạnh.

“Tóm lại, các bạn cần thường xuyên theo dõi để cập nhật thông tin từ các đại học và ngành học mà bạn dự định thi vào. Cần cập nhật sớm nhất những thay đổi về số chỉ tiêu đầu vào và phương thức xét tuyển để điều chỉnh việc học tập và ôn thi của bản thân cho phù hợp”, TS. Nguyễn Thành Nam nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cũng khẳng định những năm tới, Bộ sẽ có những phương án để các trường ĐH được tăng quyền tự chủ, có thể phối hợp với nhau để đưa ra những phương thức tuyển sinh bổ sung cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Quan điểm chỉ đạo của Bộ là việc tuyển sinh sẽ diễn ra nhẹ nhàng nhưng vẫn đánh giá tốt năng lực của thí sinh, giúp thí sinh không phải dự thi nhiều lần mà các trường vẫn có thể vẫn chọn được thí sinh phù hợp với các ngành đào tạo.