Cách đây ít ngày, dư luận không ngừng xôn xao với hình ảnh em bé chào đời ở Bệnh viện Quốc tế Hải Phòng với chiếc vòng tránh thai trong tay - minh chứng của việc đặt vòng tránh thai thất bại. Câu chuyện tưởng như quá hiếm gặp ấy lại khiến chị Nguyễn Thanh Huyền (sinh năm 1988, hiện đang sinh sống tại TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái) nhớ lại cảm giác rụng rời chân tay của mình khi nhìn thấy que thử thai báo 2 vạch dù trước đó đã đặt vòng tránh thai.
Chị Huyền cho biết chị đã có 2 bé trai là Nhật Minh (sinh năm 2015) và Nhật Nam (sinh năm 2017) đều chào đời bằng phương pháp sinh mổ. Ngoài ra, có 1 lần chị Huyền phải hút thai do chửa ngoài ý muốn, sau lần ấy chị vô cùng ám ảnh việc có thai và nạo hút. Bởi thế, sau khi cai sữa bé thứ 2 xong, chị Huyền đã tìm hiểu các phương pháp tránh thai khác nhau: "Uống thuốc thì sợ hay quên. Cấy que thì người người không hợp, lại thay đổi nội tiết tố các kiểu, thế nên mình chọn phương pháp đặt vòng tránh thai".
Vì nghĩ đây là thủ thuật đơn giản, tháng 7/2019, chị Huyền tìm đến 1 phòng khám sản phụ khoa uy tín tiến hành đặt vòng. Sau khi trình bày đã 2 lần sinh mổ, bác sĩ khám và nói chị Huyền có thể đặt vòng.
Ban đầu, bà mẹ Yên Bái cảm thấy khá ổn, duy chỉ có lượng máu các chu kì nhiều hơn bình thường. Mọi chuyện êm xuôi cho đến tháng 5/2020 vừa qua, bỗng nhiên, chị thấy mình bị chậm kinh. "Suy nghĩ đầu tiên của mình vẫn chỉ là rối loạn kinh nguyệt chứ không hề nghĩ gì đến việc mang thai. Vì đi khám vòng mình vẫn đúng vị trí và ổn định. Sau khi chậm kinh 5 ngày, mình có thử que 1 vạch, mình vẫn càng chắc chắn là chỉ rối loạn, cơ thể mình cũng không hề có biểu hiện của người mang thai. 7 ngày chậm kinh, mình lại thử, vẫn 1 vạch nhưng bắt đầu có biểu hiện ra máu nâu, lượng máu không nhiều nhưng ngày nào cũng ra. Mình bắt đầu lo lắng, đi siêu âm tuy nhiên vẫn không thấy gì. 10 ngày chậm kinh, mình lại thử que và kết quả 1 vạch đậm, 1 vạch nhạt. Cảm giác của mình lúc ấy là xuống hố rồi. Sau ngày này, các lần thử que đều hiện lên 2 vạch hết".
Sau cảm giác "sốc" ấy, suy nghĩ đầu tiên của bà mẹ Yên Bái là "không thể để được", chị tiếp tục đi siêu âm để đợi thai về vị trí và "xử lý". Tuy nhiên, 1 tuần sau đi siêu âm vẫn không thấy hình ảnh thai nhi, đồng thời tình trạng ra máu vẫn tiếp tục, thậm chí ngày càng tăng về lượng.
"Mình đã nghĩ đến chửa ngoài dạ con, 1 tác dụng phụ thường gặp do đặt vòng tránh thai. Dĩ nhiên tỷ lệ mang thai khi đặt vòng đã là rất hiếm rồi, chỉ có 0,08% thôi mà thai ngoài tử cung nữa thì quá là đen đủi. Mình không mong sẽ là mình nhưng...", chị Huyền nhớ lại cảm giác khi ấy.
Ngày 18/6, dù không bị đau bụng nhưng vẫn ra máu nên bà mẹ Yên Bái đã vào viện làm xét nghiệm Beta HCG, kết quả là 1500 (có thai) song siêu âm ổ bụng vẫn không thấy hình ảnh thai nhi. Bác sĩ nói mức Beta này chắc chắn có thai, tuy nhiên vẫn chưa thấy trong tử cung thì khả năng chửa ngoài tử cung là rất cao, tiếp tục siêu âm đầu dò thì phát hiện thai tại vòi trái kích thước 11x12. Bác sĩ chỉ định cấp cứu, 2 tiếng sau chị Huyền đã nằm trên bàn mổ nội soi thai ngoài tử cung.
Tuy phát hiện sớm khi thai chưa vỡ nhưng do vị trí hẹp, chị Huyền vẫn phải cắt vòi trứng bên trái. 4 ngày sau ca mổ, sức khỏe chị Huyền đã ổn định song chị vẫn ảm ảnh vô cùng: "Bác sĩ nói nguyên nhân chính mình chửa ngoài tử cung là do đặt vòng và đã 2 lần sinh mổ. Hy vọng các mẹ sinh mổ có ý định đặt vòng nên cân nhắc đừng để như mình nhé. 5 năm mổ 3 lần còn gì là người nữa!".
Ngoài ra, theo chia sẻ của bà mẹ 8x, bác sĩ cũng khuyên chị nên lựa chọn phương pháp tránh thai khác để an toàn hơn. Hiện tại, chị Huyền đang đợi đến chu kì kinh nguyệt tiếp theo để uống thuốc tránh thai hàng ngày.