Suýt mất thận vì… đau bụng

Đó là trường hợp của Nguyễn Xuân Luận (51 tuổi, đầu bếp tại một khách sạn lớn ở quận 1, TP.HCM). Một ngày giữa tháng 6, ông Luận bất ngờ thấy đau phần hông trái. Nghĩ là ăn không tiêu nên ông chủ quan không đi thăm khám ngay mà tự mua thuốc uống. Tuy vậy, cơn đau không hết mà cứ âm ỉ từ sáng đến chiều. Mãi cho đến khi không còn chịu nỗi, người đàn ông mới tự chạy xe tìm đến BV Trưng Vương (TP.HCM) cầu cứu.

Tại đây khi chụp CT scan, các BS phát hiện ra một nhánh mạch máu lớn nuôi thận đã bị tắc hoàn toàn, là nguyên nhân gây nên cơn đau đớn cho bệnh nhân. Nhánh mạch máu này cung cấp đến 3/4 lượng máu nuôi quả thận bên trái. Tình trạng thận bị thiếu máu nuôi do mạch máu bị tắc nghẽn được gọi là bệnh nhồi máu thận. Các BS cho biết nếu để kéo dài quá 24h, khả năng cao bệnh nhân sẽ mất thận vì quả thận sẽ bị hoại tử hoàn toàn. Thế nhưng khi có kết quả CT, bệnh của ông Luận đã kéo dài đến giờ thứ 36.

Đau bụng ngỡ ăn không tiêu, nam đầu bếp suýt mất hoàn toàn quả thận vì căn bệnh hiểm - Ảnh 1.

Các BS tiến hành "cứu" thận cho bệnh nhân. (Ảnh minh họa).

Đau bụng ngỡ ăn không tiêu, nam đầu bếp suýt mất hoàn toàn quả thận vì căn bệnh hiểm - Ảnh 2.

Ông Luận sau phẫu thuật.

Dù vậy, thấy bệnh nhân vẫn còn đau, các BS xác định hi vọng cứu lấy quả thận cho ông vẫn còn. Ngay lập tức, bệnh nhân được nhanh chóng được đưa lên bàn mổ. Bệnh nhân được can thiệp nội mạch nhằm phá vỡ cục máu đông gây tắc nhánh động mạch nuôi quả thận bên trái.

Sau khi lấy ra những cục máu đông, những mô thận đã được cứu sống. Sau mổ, quả thận trái được phục hồi lên đến 80%. Phần mô hoại tử của quả thận sẽ được cơ thể tự đào thải ra bên ngoài.

Sáng 5-7, đầu bếp Nguyễn Xuân Luận đã được xuất viện.

Tăng huyết áp có thể gây nguy cơ nhồi máu thận

Bác sĩ Lê Nguyễn Quyền, Phó giám đốc Bệnh viện Trưng Vương cho biết cho biết, kỹ thuật can thiệp mạch máu xâm lấn tối thiểu mà BV dùng để cấp cứu cho đầu bếp luận có độ chính xác cao và không mổ hở nên khả năng lành bệnh rất nhanh.

"Những cơn đau của bệnh nhân bị nhồi máu thận chính là tín hiệu để báo rằng quả thận vẫn còn có thể cứu được. Chỉ khi nào trước khi được can thiệp mà bệnh nhân bỗng dưng chấm dứt cơn đau, khi đó quả thận sẽ không thể cứu được nữa" – BS Quyền nói khi cứu chữ được cho bệnh nhân trên dù bệnh đã diễn tiến quá 24 giờ.

Đau bụng ngỡ ăn không tiêu, nam đầu bếp suýt mất hoàn toàn quả thận vì căn bệnh hiểm - Ảnh 3.

Các BS chia sẻ về trường hợp của bệnh nhân.

Theo các BS, nhồi máu thận là bệnh lý rất hiếm gặp, với triệu chứng lâm sàng rất mơ hồ, như bụng đau âm ỉ, do đó dễ nhầm lẫn với các bệnh thông thường. Điều này là cực kỳ nguy hiểm, bởi như đã nói nếu để quá lâu, quả thận bệnh nhân sẽ vĩnh viễn mất đi vì hoại tử hoàn toàn. Cách phát hiện chính xác nhất bệnh nhồi máu thận là kiểm tra bằng kỹ thuật CT scan.

Ở những bệnh nhân có cơ địa dễ tạo ra cục máu đông trong mạch máu sẽ có nguy cơ mắc bệnh nhồi máu thận cao hơn người thường.

Đau bụng ngỡ ăn không tiêu, nam đầu bếp suýt mất hoàn toàn quả thận vì căn bệnh hiểm - Ảnh 4.

Ông Luận suýt mất quả thận vì đau bụng âm ỉ nhưng ngỡ ăn không tiêu.

"Ở bệnh nhân Nguyễn Xuân Luận thì các bệnh lý có nguy cơ dẫn đến hẹp động mạch hay tạo cục máu đông lại không được tìm thấy. Chỉ có một gợi ý nhỏ về bệnh cảnh cho các bác sĩ đó là 3 năm về trước, ông Luận có một lần tăng huyết áp, dấu hiệu cho thấy bệnh nhân có vấn đề liên quan đến mạch máu" –BS Ngô Minh Tuấn, Trưởng đơn vị can thiệp mạch máu, Bệnh viện Trưng Vương chia sẻ. Tuy nhiên, đây chỉ là phỏng đoán chứ vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác dẫn đến tình trạng nhồi máu thận của nam bệnh nhân.

Đau bụng ngỡ ăn không tiêu, nam đầu bếp suýt mất hoàn toàn quả thận vì căn bệnh hiểm - Ảnh 5.

Nước tiểu cũng là một trong những dấu hiệu cảnh báo nguy cơ nhồi máu thận. (Ảnh minh họa).

Dù vậy, ở những bệnh nhân có van tim bị suy yếu, viêm động mạch, gặp các biến chứng sau khi phẫu thuật hay ung thư cũng có nguy cơ gây ra nhồi máu thận.

Để chữa nhồi máu thận, thông thường bệnh nhân được sử dụng thuốc giảm đau. Nếu các cục máu đông là biểu hiện của nhiễm trùng hoặc các hay các bệnh liên quan đến van tim thì có thể sử dụng phương pháp phẫu thuật trong điều trị.