Mẹ tôi sinh ra ở nông thôn. Nhưng ở làng quê nghèo ấy, mẹ lại là người được học cao và có học vị đàng hoàng. Đáng lẽ như bao người phụ nữ thời ấy, sau khi đỗ đạt, mẹ tôi sẽ trở thành viên chức nhà nước, oai bậc nhất. Nhưng mẹ lại chọn một con đường hoàn toàn khác. Chúng tôi đã từng thắc mắc rất nhiều với bố rằng tại sao mẹ lại không đi làm trong khi mẹ hoàn toàn có thể, mà lại ở nhà làm nội trợ. Bố thường xoa đầu chúng tôi và nói: mẹ sống vì cái bếp.
Đứa con gái bướng bỉnh là tôi không bao giờ chấp nhận câu trả lời ấy, và đã từng không tin rằng một người đàn bà như mẹ lại sống chỉ vì một cái bếp. Tôi luôn luôn tự nhủ mình rằng sẽ không bao giờ đi theo những dấu chân của mẹ, dấu chân vòng quanh những niêu nồi xoong chảo và những ngày đi chợ mặc cả tôm cua cá của bà.

Đôi khi tôi tặc lưỡi, mẹ sống vậy vì tình yêu với bố, hoặc đơn giản là mẹ ngại bon chen với những chộn rộn cuộc đời.
Tôi vào đại học, sống xa nhà, cuộc sống bắt đầu rối ren vì những ngày không có bữa cơm của mẹ. Suốt mười mấy năm sống trong sự bao bọc gia đình, tôi chưa từng phải nấu một bữa cơm. Mẹ bảo mẹ không muốn tôi nấu một bữa ăn vì trách nhiệm, cho đến khi nào tôi tự hiểu rằng vai trò của nó trong cuộc sống của mình. Những năm tháng Đại học đã dạy dỗ tôi hay chính mẹ đã gián tiếp để tôi được học cách trở thành một người phụ nữ. Cơm đã có những ngày rất tệ, thịt cá không biết bao nhiêu lần cháy... Mẹ thi thoảng vẫn gọi điện hỏi: con ăn có ngon miệng không?
Những món ăn theo thời gian dần mang vị của mẹ.

Bằng cách suy nghĩ ương ngạnh của mình, bằng tâm lý không muốn chấp nhận mình trở thành một người phụ nữ sống cuộc đời đều đều như mẹ, tôi ở lại Hà Nội. Tôi bám trụ lấy mảnh đất này, cần mẫn lao động và dành toàn bộ số tiền mình có để đi du lịch. Tôi như một kẻ giẫy giụa cố thoát ra khỏi định kiến của chính mình, mỗi năm tôi đi một xa hơn, mỗi vùng đất tôi đến, tôi cố dành thời gian ăn hết mọi món ăn ở đó... như cố tìm kiếm hương vị quê nhà.
 
5 năm kể từ ngày ra trường, trong mắt mọi người tôi là một cô gái thành công. Thành công của tôi được đánh dấu bằng ba chuyến đi nước ngoài mỗi năm, đơn độc, lặng lẽ. Mẹ nói mẹ tự hào về tôi. Có điều chính tôi lại cảm thấy mình đang thiếu hụt điều gì đó trong đời.
Tôi gặp chồng tôi bây giờ trong một chuyến đi xa 3 năm trước, vô tình chúng tôi trở thành bạn, rồi nên vợ nên chồng. Chồng tôi là con trai duy nhất trong gia đình, lớn hơn tôi chục tuổi và thường xuyên đi du lịch.
Mọi người nói mối quan hệ của chúng tôi không bền vì hai tâm hồn đều hướng ngoại. Tôi không tin vào điều ấy. Chúng tôi vẫn giữ thói quen đi xa, đôi khi là đi một mình vì công việc cả hai không tương đồng. Khi tôi ngủ lại trong Sa mạc Gobi, anh vẫn gọi điện nhắc tôi dán miếng ấm, giữ sức khỏe để trở về. Khi anh theo đám bạn lên núi chơi, tôi vẫn dặn dò anh đi đường cẩn thận.
Mẹ hỏi: "Hai đứa đi xa thế, có nhớ khóa ga không?"
Tôi cười hềnh hệch: "Không ạ, đứa nào đi xa cứ đi, đứa còn lại ở nhà giữ lửa."

Khi lấy chồng, tôi đã nghĩ phụ nữ luôn là người giữ lửa, như mẹ đã từng làm. Có điều, phụ nữ hiện đại có quyền san sẻ lửa với chồng, bởi công việc và cuộc sống bình đẳng này, không nhất thiết phải có một người luôn túc trực ở nhà để yêu cái bếp như mẹ.
Dù muốn hay không, tôi cũng di chân mình lên dấu chân của mẹ, vì tôi biết có yêu gia đình thì cái bếp mới nóng, cơm mới sẵn sàng. Không thể nấu ăn khi không yêu... chắc chắn! Vả lại là đàn bà, có đi xa bao nhiêu thì cũng sẽ về nhà.