Bàng hoàng phát hiện ổ sán dây lợn khiến ít nhất 108 người nhiễm sán ở Binh Phước
Mới đây, PGS.TS Lê Thành Đồng, Viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TP.HCM cho biết qua công tác giám sát, Viện cùng đơn vị phòng chống và điều trị bệnh ký sinh trùng khu vực phía Nam đã phát hiện ổ bệnh sán dây lợn (Taenia solium) từ những con lợn ở thôn Bù Gia Phúc I, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước).
Mẫu sán dây thu hồi tại Phòng khám bệnh Chuyên khoa Ký sinh trùng,Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP. HCM. (Ảnh: Hoàng Lê)
Đã có nhiều trường hợp người nhiễm bệnh sán dây lợn ở địa phương này và các xã lân cận được tìm ra. Trước tình hình này, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TP.HCM đã kết hợp với các đơn vị chức năng tiến hành điều tra xét nghiệm máu chẩn đoán huyết thanh bệnh ấu trùng sán dây lợn ở người tại các xã của khu vực gồm Phú Nghĩa, Đak Ơ, Bù Gia Mập của huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Ngoài 108 người đã được xác định mắc bệnh sán dây lợn, cơ quan chức năng không loại trừ khả năng có thể còn nhiều người mắc chưa được phát hiện.
Thông tin này hiện nay đang khiến rất nhiều người lo lắng. Nguyên nhân xuất phát từ việc ăn thịt lợn gạo, ăn thịt lợn còn tái, sống. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, sán dây lợn còn rất dễ bị lây nhiễm bởi những thói quen ăn uống cũng như lối sống, lối sinh hoạt của người Việt mà chúng ta cần dừng lại ngay.
Cận cảnh thịt lợn nhiễm sán vô cùng đáng sợ.
Hậu quả đáng sợ khi cơ thể bị nhiễm sán do ăn thịt tái, sống, tiết canh, rau sống
Theo TS Từ Ngữ (Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam), khi ăn thịt lợn chưa được nấu chín kỹ thì nguy cơ bị nhiễm sán rất cao. Sán dây trưởng thành phát triển rất nhanh trong ruột lợn, có thể ảnh hưởng đến não bộ của con người. Ngoài ra, sán lợn cũng phát triển qua ấu trùng như tiếp xúc với phân lợn, hoặc tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh. Điều này có thể lây nhiễm sang một số mô trong cơ thể con người.
Nếu ấu trùng xâm nhập vào hệ thần kinh, điều này có thể khiến bạn mắc bệnh ấu trùng sán dây lợn ở não (neurocysticercosis), gây nhiễm trùng não nghiêm trọng. Nếu sán xâm nhập vào não thì người bệnh có thể bị động kinh.
Tiết canh là món nên từ bỏ từ lâu để phòng tránh nhiễm sán cũng như những bệnh nguy hiểm khác.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, gần 1/3 các trường hợp bị bệnh động kinh là do bị nhiễm sán dây lợn. Loại sán này có thể dài tới 7m và thải đốt liên tục đồng thời cũng sinh ra đốt mới nên nó sẽ hút hết chất dinh dưỡng từ cơ thể người nó đang ký sinh. Người bị nhiễm sán sẽ bị thiếu dinh dưỡng, gầy còm ốm yếu, đau bụng, tiêu chảy.
Trường hợp người bị tự nhiễm ấu trùng sán hoặc nhiễm do thức ăn không vệ sinh có lẫn trứng sán thì những ấu trùng sán này sẽ vào não, mắt, cơ, da… rất nguy hiểm. Nếu sán làm tổ ở mắt có thể khiến lồi nhãn cầu gây lác mắt, nhìn đôi, làm bong võng mạc gây giảm thị lực, có thể bị mù. Khi sán chạy vào não, bạn có thể bị nhức đầu, động kinh, rối loạn tâm thần, rối loạn thị giác, giảm trí nhớ. Sán làm ổ trong tim sẽ gây rối loạn nhịp tim, ảnh hưởng van tim, dẫn đến suy tim.
Tuyệt đối không ăn thịt lợn sống nếu bạn không muốn nhiễm sán.
Theo thông tin từ Oxfordjournals, các hội chứng lâm sàng khi bị nhiễm ấu trùng sán lợn được chia thành nhiễm ấu trùng sán lợn hệ thần kinh trung ương hoặc nhiễm ấu trùng sán lợn ngoài thần kinh.
"Trong các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, thực phẩm chế biến từ lợn có nguy cơ nhiễm sán cao hơn cả, sau đó mới đến gà, vịt… Trứng sán thường sẽ theo thức ăn hoặc nước uống chưa chín kỹ đi vào dạ dày và sinh sôi, nảy nở. Đó là lý do vì sao chúng ta không nên ăn thịt lợn chưa chín kỹ, còn tái hoặc ăn tiết canh, nội tạng lợn như lòng non, lòng già, dạ dày… Đừng quên, không chỉ riêng chuyện ăn tiết canh, thịt lợn tái, sống thì mới có nguy cơ cao bị nhiễm sán. Thịt lợn, trâu, bò, cá, cua, rau sống ăn kèm... nói chung đều có khả năng lây nhiễm sán cho cơ thể, tùy thuộc vào món ăn của bạn có đảm bảo vệ sinh, đảm bảo nấu chín kỹ hay chưa", TS Từ Ngữ cho hay.
Rau sống rất được người Việt ưa chuộng nhưng không nên ăn bởi dễ nhiễm sán hàng đầu.
Theo TS Từ Ngữ, để không ăn phải thực phẩm nhiễm sán cần phải: Làm sạch thực phẩm trước khi chế biến, tuân thủ nguyên tắc ăn chín uống sôi; Không phân biệt đối tượng, cả gia đình cần tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần; Không ăn tiết canh, thịt lợn tái, nội tạng không đảm bảo, không rõ nguồn gốc; Tăng cường vệ sinh môi trường, giữ gìn nơi ở, vườn tược sạch sẽ; Quản lý phân rác chặt chẽ, tránh để lợn, gà, chó tha phân gây ô nhiễm môi trường.
"Đối với những món ăn như tiết canh, thịt sống, tái, tốt nhất chúng ta phải từ bỏ ngay từ bây giờ. Đây là những món ăn ẩn chứa nhiều ấu trùng sán nhất. Ngoài ra, trong quá trình mua thực phẩm, bạn cũng cần chú ý chọn mua thịt lợn tươi, ngon, sạch cho gia đình", TS Từ Ngữ nhấn mạnh.
Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng chỉ ra nguyên tắc khi mua thịt lợn, đảm bảo thịt ngon-sạch-không chứa sán cho các mẹ nội trợ như sau:
Chú ý kỹ khi mua thịt, thái thịt để xem thịt lợn có nhiễm sán hay không và loại bỏ ngay.
- Không mua thịt lợn có các ấu trùng hình bầu dục. Thịt lợn gạo thường chứa các ấu trùng nằm ở các miếng thịt, có ấu trùng dài tới 9 mm, màu trắng đục, bên trong chứa dịch thể và đầu sán.
- Khi thái thịt, có thể cắt thịt theo thớ dọc, nếu thấy các bọc nhỏ màu trắng xen giữa các thớ thịt, bắp thịt cần phải loại bỏ ngay, không nên tiếp tục chế biến vì thực phẩm này đã bị nhiễm kén sán.
- Thịt lợn sạch thường có lớp bì dày, mỡ dày, có màu trắng trong đến trắng ngà, ăn giòn, không ngấy như thịt lợn tăng trọng. Ngược lại, thịt lợn siêu nạc có lớp mỡ mỏng, lỏng lẻo, tách rời nạc và mỡ.
- Khi còn sống, thịt lợn siêu nạc có mùi tanh hơn thịt lợn sạch.
- Thịt lợn sạch có màu hồng tươi, thịt lợn siêu nạc có màu đỏ đậm khác thường, sáng bóng, có thể xuất hiện những đốm đỏ ngoài da.