Chúng ta vẫn thường nhắc nhở nhau rằng "đừng để cơ thể thiếu chất dinh dưỡng". Điều này chứng tỏ bổ sung đủ dưỡng chất cho cơ thể quan trọng như thế nào. Tricia Psota - giảng viên khoa khoa học dinh dưỡng tại Trường Y tế Công cộng Milken, Đại học George Washington (Mỹ) cho biết sự thiếu hụt chất dinh dưỡng làm thay đổi quá trình cân bằng nước, chức năng của enzym, tín hiệu thần kinh, tiêu hóa, trao đổi chất. Tình trạng cũng có thể dẫn đến bệnh tật. Ví dụ, thiếu hụt canxi, vitamin D gây ra chứng loãng xương, không đủ chất sắt có thể gây thiếu máu, làm tiêu hao năng lượng.
Thế nhưng, cuộc sống bận rộn khiến chúng ta có lối sống và khá nhiều thói quen ăn uống không lành mạnh như bỏ bữa sáng, sử dụng thức ăn nhanh, uống ít nước, ăn không đúng bữa… Điều đó gây ra sự mất cân bằng dinh dưỡng cho cơ thể, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và cuộc sống.
Chia sẻ về vấn đề thiếu dinh dưỡng, BS Trịnh Trang, BS chuyên về dinh dưỡng tại Bệnh viện YHCT Thái Bình, đã chỉ ra những dấu hiệu chính cảnh báo cơ thể bạn đang bị thiếu 7 dưỡng chất quan trọng. Đặc biệt, có những biểu hiện dễ gây nhầm lẫn, nếu không đi khám sớm sẽ khiến tình trạng thiếu dưỡng chất thêm trầm trọng.
Dấu hiệu nhận biết cơ thể thiếu dưỡng chất
Nếu bạn thấy mình cũng có những dấu hiệu thế này thì đừng chần chừ chuyện đi khám nhé.
1. Chuột rút, tê bì chân tay một cách khác thường: Biểu hiện thiếu canxi
Nhu cầu canxi bình thường của mỗi người lớn là 1.000mg/ngày. Để bổ sung đầy đủ canxi, bạn có thể làm những điều sau:
- Uống sữa
- Ăn các thực phẩm giàu canxi như ngũ cốc, cam, rau màu xanh đậm...
2. Mệt mỏi, đau xương, thay đổi tâm trạng: Thiếu vitamin D
Cơ thể chúng ta có nhu cầu bổ sung khoảng 15mcg vitamin D mỗi ngày. Bạn có thể bổ sung vitamin D như sau:
- Bổ sung đủ 3 khẩu phần sữa mỗi ngày, có thể thay bằng sữa chua.
- Bổ sung vitamin D từ nguồn ngoài là các viên uống chứa vitamin D.
- Ăn các loại cá béo như cá ngừ, cá hồi 2 lần/tuần.
3. Mệt mỏi, táo bón, rối loạn nhịp tim: Thiếu hụt kali
Thiếu hụt kali thường gặp trong các trường hợp chúng ta bị tiêu chảy, nôn, mất nước hoặc sử dụng các loại thuốc lợi tiểu, kháng sinh...
Kali có nhiều trong các loại rau củ, hoa quả phổ biến trong cuộc sống hàng ngày như chuối, táo, cam... Bạn nên ăn nhiều những thực phẩm này để thêm kali cho cơ thể.
4. Mệt mỏi, xanh xao, lòng bàn tay - bàn chân lạnh, móng tay chân dễ gãy: Thiếu sắt
Những người có nguy cơ thiếu sắt cao hơn bao gồm: Trẻ nhỏ, phụ nữ trong kì kinh nguyệt, phụ nữ đang mang thai.
Khi bị thiếu sắt, cơ thể của chúng ta không có đủ nguyên liệu để tạo máu, khiến cơ thể mệt mỏi, suy nhược.
Để bổ sung sắt cho cơ thể, bạn có thể bổ sung các loại thực phẩm như thịt đỏ, ngũ cốc, các loại hạt... Trong trường hợp thiếu sắt nhiều thì cần đi khám để bổ sung viên sắt theo hướng dẫn của bác sĩ.
5. Tê bì, mệt mỏi, sưng lưỡi: Thiếu vitamin B12
Vitamin B12 hỗ trợ sản xuất tế bào hồng cầu và DNA, đồng thời cũng cải thiện chức năng dẫn truyền thần kinh. Vitamin B12 có nhiều trong các loại thực phẩm như thịt, cá, trứng, sữa. Bạn nên ăn nhiều các thực phẩm này để tránh thiếu vitamin B12.
6. Mệt mỏi, buồn nôn, đi ngooài, lưỡi trơn: Thiếu folate
Phụ nữ mang thai là nhóm đối tượng dễ bị thiếu folate cao hơn cả. Phụ nữ mang thai cần bổ sung 400 đơn vị mỗi ngày mới đủ folate. Hãy ăn đầy đủ các loại thực phẩm như trứng, sữa, ngũ cốc... và có thể dùng các viên uống ngoài.
7. Chán ăn, buồn nôn, mệt mỏi: Thiếu magie
Trong trường hợp thiếu magie nặng, cơ thể có thể xuất hiện biểu hiện tê bì, co thắt, co giật, rối loạn nhịp tim. Để bổ sung magie vào cơ thể, mọi người nên thêm vào khẩu phần ăn của mình các loại hạt như hạnh nhân, đỗ, đậu phộng...
Chất dinh dưỡng rất cần thiết cho sức khỏe của con người. Trong cơ thể, thiếu vi chất dinh dưỡng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, chậm phát triển thai nhi trong bụng mẹ, chậm tốc độ tăng trưởng của trẻ em… và ảnh hưởng tới sức khỏe, trí tuệ, khả năng lao động. Trên đây là các dấu hiệu hiệu giúp bạn nhận biết cơ thể đang thiếu hụt các chất dinh dưỡng. Bạn cần theo dõi, kiểm tra và ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng để tránh tình trạng thiếu hụt trên.